Tại hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nguồn vốn tín dụng được nới thêm sẽ tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Phạm Chí Quang- Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, NHNN đã có chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương, tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, NHTM sẽ chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, nhất là trong dịp Tết sắp tới.
“Các ngân hàng tự quyết định chuẩn cho vay. Theo Điều 7 Luật Tổ chức tín dụng, không có cá nhân tổ chức nào được can thiệp vào việc cho vay của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong quá trình điều hành, NHNN luôn hướng các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn vào lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là năng lượng, xăng dầu. Thời gian qua sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, NHNN đã rà soát từng ngân hàng về hạn mức cấp tín dụng cho các DN đầu mối xăng dầu, trên cơ sở đó Thống đốc NHNN cũng ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các NHTM tập trung nguồn vốn vào các đầu mối kinh doanh xăng dầu”, VOV dẫn lời ông Quang.
Trong một diễn biến liên quan, để đủ xăng dầu cung ứng dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo đúng quy định, thực hiện tổng nguồn được phân giao; kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị, các doanh nghiệp dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rượu- bia- nước giải khát… phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Về lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Chỉ thị cũng nêu rõ, các Hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để phối hợp đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết,...
Bạch Hiền (t/h)