Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng mức giá sàn trong khung thuế trong cả năm tới. Cụ thể, thuế với xăng và nhiên liệu bay áp mức sàn 1.000 đồng/lít, thuế với dầu diesel 500 đồng/lít, dầu madut, dầu nhờn, dầu hỏa 300 đồng/lít, mỡ nhờn 300 đồng/kg.
Để đảm bảo tính kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, nêu rõ hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Từ 2024, thuế với các mặt hàng này sẽ quay về mức kịch trần, tức là 4.000 đồng/lít xăng, nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu madut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít, dầu hỏa là 1.000 đồng/ lít, mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao; góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu dự báo vẫn còn ở mức cao.
Nếu không được thông qua, từ 1/1/2023 thuế với các mặt hàng này sẽ quay về mức kịch trần. Bộ Tài chính cho rằng việc này sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, cần phải có giải pháp để góp phần ổn định giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô trong 2023.
Trước đó, trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết về mức thuế BVMT, trong đó Nghị quyết 20/2022 giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn.
Việc giảm thuế BVMT đã tác động tích cực cả trong giảm giá xăng, dầu lẫn kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Nghị quyết này đến 31/12 tới là hết hiệu lực và về nguyên tắc thuế BVMT phải trở về mức cũ...
Bạch Hiền (t/h)