Đáng chú ý, vào cuối tháng 12, doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Đầu tư Hùng Sơn. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Đầu tư Hùng Sơn không còn là công ty con của Văn Phú – Invest.
Công ty Đầu tư Hùng Sơn là chủ đầu tư dự Tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn. Theo giới thiệu, đây là dự án có quy mô 25,59ha, vị trí tại xã Quảng Hùng và xã Quảng Đại (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), gồm 595 sản phẩm biệt thự, nhà vườn, liền kề và thương mại dịch vụ. Tại ngày 30/9, Văn Phú Invest là cổ đông duy nhất, sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty Đầu tư Hùng Sơn, với giá trị khoản đầu tư là 455 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 28/12, HĐQT Văn Phú – Invest cũng thông qua chủ trương bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ thanh toán của CTCP Union Success Việt Nam tại ngân hàng. Theo tìm hiểu, Union Success Việt Nam là chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư, biệt thự cao cấp bán và cho thuê, khách sạn 5 sao, khu ẩm thực chợ đêm huyện Thuỷ Nguyên (tên thương mại: Vlasta Thủy Nguyên), có tổng diện tích 30,7 ha, diện tích sàn xây dựng 390.500 m2, gồm 1.019 căn nhà ở thấp tầng và 3 - 5 toàn nhà ở xã hội, tái định cư. Thời gian triển khai dự án này dự kiến 2021 - 2024. Hiện Văn Phú – Invest đang nắm giữ 95% cổ phần của Union Success Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Văn Phú Invest ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 269,4 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán trong kỳ ở mức 117,2 tỷ đồng; tăng 13%.
Các khoản chi phí tài chính, chí phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ở mức 80,5 tỷ đồng và 52,5 tỷ đồng; tương ứng tăng 19% và 23%. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng giảm 35%, xuống còn 10,4 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phi, Văn Phú Invest báo lãi sau thuế quý III/2023 ở mức 32,3 tỷ đồng, giảm tới 60% so với cùng kỳ. Trong văn bản giải trình, doanh nghiệp này cho biết lợi nhuận giảm do tỷ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm bàn giao trong quý III sụt giảm. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng mạnh do ảnh hưởng của việc dừng vốn hóa chi phi lãi vay của các dự án đã hoàn thành và ghi nhận doanh thu trong kỳ cũng như việc điều chính tăng lãi suất của các khoản vay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Văn Phú Invest báo lãi sau thuế 438,3 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Văn Phú Invest ở mức 10.821 tỷ đồng; giảm 2% so với số cuối năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 65%, xuống còn 185,4 tỷ đồng. Văn Phú Invest cũng ghi nhận khoản phải thu về cho vay ngắn hạn giá trị Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hưng Phú (615,4 tỷ đồng) và một số cá nhân (337,3 tỷ đồng).
XEM THÊM: Văn Phú - Invest chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại một công ty bất động sản ở Thanh Hóa
Hàng tồn kho tăng nhẹ, lên mức 2.040 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, hàng tồn kho của Văn Phú Invest chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án như The Terra Bắc Giang (1.367 tỷ đồng), dự án Song Khê - Nội Hoàng (196 tỷ đồng). Văn Phú Invest cũng ghi nhận tổng nợ phải trả ở mức 6.867 tỷ đồng, giảm 6% so với số cuối năm 2022. Vay và nợ thuê tài chính tăng 4%, lên mức 4.111 tỷ đồng.
Trong đó, Văn Phú Invest có khoản vay dài hạn tại Ngân hàng Vietcombank (820,9 tỷ đồng) và Ngân hàng TNHH Indovina (504,5 tỷ đồng), Ngân hàng VPBank (730,9 tỷ đồng), Ngân hàng MBBank (430 tỷ đồng). Các khoản vay này được đảm bảo bằng nhiều tài sản liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân và thương mại, dịch vụ khu công nghiệp tại xã Đồng Tiến, xã Yên Trung (huyện Yên Phong, Bắc Ninh); Dự án Khu du lịch căn hộ khách sạn Hồ Tây,…..
Hiếu Nguyễn