Công trình nằm trong dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay quốc tế Long Thành, tổng vốn thực hiện hơn 23.000 tỷ đồng.
Sáng 20/4, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khởi công dự án tái định cư Lộc An - Bình Sơn để xây dựng hơn 5.000 lô tái định cư cho người dân nằm trong diện bị thu hồi đất để làm dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Theo Ban quản lý dự án tỉnh Đồng Nai, Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được xây dựng trên diện tích hơn 282ha nằm ở phía bắc sân bay Long Thành, dọc theo tuyến đường tỉnh 769 và tiếp giáp Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành).
Dự án này được chia làm 3 phân khu với hơn 5.000 lô tái định cư. Các lô tái định cư ở đây được chia theo nhóm diện tích 125-250m2 và 250-300m2. Ngoài ra, ở khu vực này còn có thêm các lô tái định cư diện tích 80m2 dành để xét cho các hộ phụ.
Một góc thi công ở khu vực hơn 282ha làm Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Tuổi trẻ |
Ông Lê Quang Bình - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư) - cho biết dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn có quy mô tái định cư cho 28.500 người dân bị giải tỏa để bàn giao mặt bằng làm dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Đây chỉ là một phần trong dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Đồng Nai thực hiện.
Được biết, cách đây ít ngày, Đồng Nai đã phê duyệt giá đất để bồi thường cho người dân trong dự án sân bay Long Thành. Mức giá mỗi m2 cao nhất là 6,5 triệu đồng và thấp nhất 161.000 đồng.
Đến nay công tác đo đạc 1.800 ha giai đoạn một đã xong, đầu tháng 5 bắt đầu chi trả tiền bồi thường cho người dân.
Trước đó, tháng 11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một. Tuy nhiên vốn là của nhà đầu tư, Chính phủ không bảo lãnh. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn một gần 111.690 tỷ đồng (khoảng 4,77 tỷ USD).
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây trên diện tích 5.000 hecta, là cảng hàng không đạt cấp 4F, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD).
Vũ Đậu(T/h)