Cuối ngày 16/3 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã xảy ra ngoài khơi Fukushima (Nhật Bản), ở độ sâu 60 km. Lực lượng chức năng cho biết đã ghi nhận một vài báo cáo về các vụ hoả hoạn xảy ra sau trận động đất.
Cơ quan Quản lý Thảm họa và Hỏa hoạn Nhật Bản sáng 17/3 xác nhận đã có 2 người thiệt mạng trong trận động đất, ngoài ra còn có 94 người bị thương, trong đó có 4 trường hợp bị thương nặng.
Trận động đất đã ảnh hưởng tới cả Tokyo, cách tâm chấn khoảng 275 km. Theo đó, người dân sinh sống tại Tokyo có thể cảm nhận rõ ràng sự rung chuyển do động đất. Trận động đất còn gây mất điện diện rộng tại Tokyo trong hơn 1 giờ đồng hồ. Tới sáng 17/3, nguồn điện đã được khôi phục hoàn toàn.
Công ty Điện lực Tokyo Utility thông tin ban đầu, có khoảng 2 triệu hộ gia đình bị mất điện vào đêm 16/3, trong đó có 700.000 người ở Tokyo. Tính tới khoảng 7h40 ngày 17/3 (giờ Nhật Bản, khoảng 38.500 ngôi nhà vẫn chưa có điện.
Thời điểm xảy ra động đất, các nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo sóng thần nhưng sau đó đã gỡ bỏ cảnh báo này vào rạng sáng 17/3.
Theo Reuters, trận động đất này đã khơi dậy những ký ức về thảm hoạ kinh hoàng vào tháng 3/2011 đã gây ra sự cố rò rỉ hạt nhân nghiêm trọng tại Fukushima.
Thông tin về tình hình sau trận động đất, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết không có bất thường nào xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân.
Những trận động đất mạnh ở Nhật Bản có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất, đặc biệt là các linh kiện điện tử nhạy cảm như chất bán dẫn được sản xuất bằng máy móc chính xác.
Renesas cho biết họ đang kiểm tra tình trạng của 3 nhà máy - Naka, Yonezawa và Takasaki - và sẽ đưa ra thông báo về việc sản xuất có bị ảnh hưởng hay không.
Nằm trên ranh giới của một số mảng kiến tạo, Nhật Bản hứng chịu khoảng 1/5 các trận động đất có cường độ 6 độ Richter trở lên trên thế giới.
Minh Hạnh (Theo Reuters)