Ngày 11/3, người dân ở phía Đông Bắc Nhật Bản đã cũng nhau cầu nguyện và tiếp tục cuộc tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích của thảm hoạ kép cách đây 11 năm ở Fukushima.
Phút mặc niệm dành cho những nạn nhân của thảm hoạ kép diễn ra vào lúc 14h26 (giờ địa phương) ngày 11/3, đúng thời điểm trận động đát mạnh 9 độ richter - một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử - xảy ra ở ngoài khơi phía Đông Bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011.
Trận động đất dưới đáy biển đã gây ra một trận sóng thần chết người, tàn phá toàn bộ cộng đồng ven biển và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ tai nạn Chernobyl năm 1986.
Năm nay, Nhật Bản sẽ không tổ chức nghi lễ cấp quốc gia để tưởng niệm vì chính phủ nước này đã quyết định kết thúc nghi lễ hàng năm sau 1 thập kỷ kể từ khi thảm hoạ xảy ra.
Truyền hình Nhật Bản đã ghi lại cảnh người dân tiến hành một cuộc tìm kiếm hàng năm với những người mất tích ở khu vực Namie của Fukushima vào ngày tưởng niệm này.
Trong đó, các gia đình được cứu sống và hơn 33.000 cư dân cũ đã di tản khỏi khu vực nhiễm phóng xạ, vẫn sẽ tập hợp lại mỗi năm để tưởng nhớ ngày thảm hoạ 11/3.
Ở vùng Tohoku bị tàn phá bởi sóng thần, một số người đã gặp nhau vào buổi sáng sớm và đi dọc theo bờ biển để cầu nguyện.
Tuy nhiên, cũng có một số người như ngư dân Sadao Kon, người đã mất em gái, em rể và cháu trai trong trận sóng thần, chia sẻ ông luôn tránh kỷ niệm ngày thảm hoạ này. Ông chia sẻ trên kênh NHK: "Không chỉ gia đình tôi thiệt mạng mà khi tôi làm nhiệm vụ cứu hộ, tôi cũng chứng kiến nhiều cái chết khác. Vậy nên, tôi luôn tránh nhắc tới ngày này. Đó là một kỷ niệm đau buồn mà tôi luôn cố gắng để quên đi".
Xung quanh nhà máy Fukushima bị ảnh hưởng, quá trình khử nhiễm trên diện rộng đã được thực hiện, và năm nay 5 cư dân cũ của Futaba, thị trấn không người ở cuối cùng trong khu vực, đã trở lại sống tại khu vực này trên cơ sở thử nghiệm.
Khi thảm hoạ xảy ra, khoảng 12% diện tích Fukushima từng được tuyên bố là không an toàn nhưng đến nay, các khu vực cấm đi lại hiện chỉ chiếm 2,4% diện tích của tỉnh, mặc dù dân số ở nhiều thị trấn vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây.
Dù đã hơn 1 thập kỷ trôi qua kể từ thảm hoạ kép này nhưng những thách thức vẫn còn tồn tại.
Nhà điều hành nhà máy TEPCO đã vấp phải sự phản đối đối với kế hoạch xả hơn một triệu tấn nước từ khu vực này, được xử lý để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ, vào đại dương.
Chính phủ Nhật Bản cho biết việc xả thải là an toàn, nhưng một số quốc gia láng giềng và cộng đồng ngư dân địa phương vẫn lo ngại về nguy cơ nước vẫn còn bị ô nhiễm.
Các vụ kiện liên quan đến thảm họa cũng đang tiếp tục, trong đó, 6 người đã đệ đơn kiện TEPCO vào tháng 1 vì cho rằng họ bị ung thư tuyến giáp do phơi nhiễm phóng xạ.
Liên Hợp Quốc cho biết thảm họa không gây hại trực tiếp đến sức khỏe của cư dân địa phương và tỷ lệ ung thư tuyến giáp cao hơn ở trẻ em địa phương có khả năng là do các chẩn đoán nghiêm trọng hơn.
Những nỗ lực để lưu giữ những ký ức về thảm họa năm 2011 cũng đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn ở Nhật Bản. Trong đó, một cuộc thăm dò dư luận do nhật báo Yomiuri Shimbun công bố hôm 6/3 cho thấy khoảng 85% số người được hỏi cảm thấy mối quan tâm của công chúng đối với các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai đang suy yếu.
Minh Hạnh (Theo AFP)