(ĐSPL) - Dù không phải là những người lính chuyên nghiệp, nhưng những cán bộ hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo cũng có nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là giữ gìn tài nguyên biển, rừng, đảo... góp phần cho hòn đảo linh thiêng của Tổ quốc được bình yên.
Những ngày xuân ấm áp đang về, chúng tôi đã đến và được nghe nhiều câu chuyện của các anh, đặc biệt là những cuộc tình thú vị, lãng mạn của họ.
Kiểm lâm viên Nguyễn Viết Hoàn đang chia sẻ những câu chuyện trên đảo. |
Những “lính đảo” kiên cường
Không ngại khó khăn, gian khổ để bảo vệ, gìn giữ tài nguyên Côn Đảo là quần đảo (16 đảo lớn nhỏ) thiêng liêng và huyền thoại của Tổ quốc. TS. Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập mặn, người có nhiều thời gian làm việc tại đây chia sẻ, việc VQG Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) phải kể đến công lao của những người kiểm lâm. Họ ăn ở, sinh hoạt gắn bó với đảo, nhiều người vài ba năm mới vào đất liền một lần. Họ không ngại khó khăn, gian khổ để giữ các tài nguyên biển, rừng, chung sức giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam. |
Lực lượng kiểm lâm của VQG Côn Đảo được bố trí rải rác khắp nơi, từ đảo Lớn (đảo Côn Sơn) cho tới các đảo nhỏ. Và xa nhất, có lực lượng kiểm lâm hiện diện chính là Hòn Cau, bên cạnh đảo Lớn. Từ đảo Lớn, nếu di chuyển bằng cano, thời tiết thuận lợi, phải mất gần một giờ mới có thể tới được Hòn Cau. Còn đi bằng tàu thường thì phải mất hai giờ đồng hồ. Ngồi trên chiếc cano, sóng đánh khá lớn, khiến chúng tôi ai nấy đều phải xanh mặt.
Một điều dễ thấy là tình cảm nồng nhiệt, sự ấm áp mà các anh em chiến sỹ dành cho chúng tôi. Chúng tôi hỏi các anh, có thiếu những đặc sản của ngày tết không? Các anh cho biết, ở đây có đủ thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, bánh chưng xanh. Tất cả đều được đưa từ đất liền ra.
Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc BQL VQG Côn Đảo, kiêm Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Côn Đảo cho biết, nếu như trước đây, có khi ba, bốn tháng mới có một chuyến tàu ra đảo thì ngày nay, dù còn khó khăn nhưng hàng ngày đều có các chuyến bay ra Côn Đảo, trừ khi thời tiết xấu. Còn tàu, bình thường mỗi tuần cũng đã có một chuyến, nếu thời tiết xấu thì lâu nhất một tháng là có rồi. Bên cạnh đó, những chiếc tàu Côn Đảo 9, 10 hiện đại cũng chạy khá nhanh, bình quân, xuất phát từ Vũng Tàu ra tới đảo khoảng 12 - 14 tiếng. Còn trễ lắm cũng chỉ lên tới 16 tiếng.
Bởi thế, bánh chưng, bánh tét và các nhu yếu phẩm trong ngày tết được người dân và các doanh nghiệp đem ra, chuẩn bị từ trước tết khá lâu. Tuy nhiên, ở đảo Lớn có phần thuận lợi hơn, còn anh em ở các đảo khác vẫn còn hết sức khó khăn. Có khi biển động, cả tháng không về được đảo Lớn. Nên ngày xuân có chiếc bánh chưng, bánh tét cùng cành mai là vui lắm rồi.
Anh Nguyễn Văn Anh, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh chia sẻ, cuộc sống của những người giữ rừng, giữ các tài nguyên biển cũng khá đơn giản. Dù có điện thoại nhưng hầu như không có sóng, anh em phải lấy các thùng xốp chắn sóng, gió biển và đặt máy vào đó, mở loa ngoài mà đàm thoại. Còn lấy ra chỗ khác thì không có sóng, không nghe được. Ti vi cũng không có. Nhưng không vì thế mà anh em sống đơn điệu.
Tại trạm Hòn Bảy Cạnh này có khoảng chục anh em chiến sỹ, ngày xuân về, anh em cũng bày nhiều cách để vui. Ngoài thời gian lo nhiệm vụ tuần tra, canh gác để không cho các đối tượng xấu khai thác, bắt trộm các loại hải sản quý, nguồn tài nguyên động thực vật rừng quý hiếm thì anh em cũng tổ chức ca hát, trồng cây, tăng gia sản xuất. Anh Nguyễn Viết Hoàn, kiểm lâm viên, quê Nghệ An chỉ tay về phía mấy cây đu đủ trái trĩu cành nói vui: Xuân về, hoa đơm trái kết đầy vườn, anh em chuẩn bị vui vẻ đón Xuân.
Anh Ngô Trí Thủy, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Bãi Ông Đụng chia sẻ, sáu anh em ở đây cũng chung vui với nhau bằng những cách ấy. Có thêm là những loài động vật gần gũi đã được thuần hóa, đó là khỉ, sóc mun, cua xe tăng và nhất là rùa biển... Với họ những con vật này như những người bạn của mình. Anh Thủy cho biết, hiện Trạm cũng đang ấp hơn 60 quả trứng rùa. Xuân này, nó sẽ nở và các anh sẽ thả nó ngược về biển, mang may mắn cho một năm mới đầy hứa hẹn.
Tình yêu vượt sóng đại dương
Tại các hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo, chúng tôi có những giây phút thư giãn, tâm tình cùng những anh lính biển. Những người đang làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió này đa phần là trẻ, khỏe, năng động và tràn đầy nhựa sống. Trong tâm thức họ, ngoài công việc ra thì nhiệm vụ quan trọng và tối thượng là cùng với quân dân huyện đảo và cả nước giữ cho được sự bình yên trên đảo, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam. Vì thế, không ít chiến sỹ đã lập gia đình và đưa cả vợ con ra đảo sinh sống và lập nghiệp.
Giây phút thư giãn của những chiến sỹ kiểm lâm. |
Với chúng tôi, anh Hoàn là người có một câu chuyện tình may mắn. Anh chị mới có thêm thành viên, đó là một "quý tử". Anh Hoàn chia sẻ: "Quê tôi ở Nghệ An xa xôi, tôi lấy vợ là người cùng quê. Sau đó, vợ tôi cũng theo ra đảo và hiện làm việc tại Ban quản lý VQG Côn Đảo. Dù gia đình tôi đang còn khá nhiều vất vả, phải ở nhà tập thể nhưng như thế cũng là hạnh phúc rồi. Cuộc sống ở đảo tuy còn khó khăn nhưng với sức trẻ, chúng tôi đang cùng góp sức cho việc bảo vệ hòn đảo đầu sóng ngọn gió này".
Trạm trưởng Thủy cũng có mối tình rất lãng mạn. Cả hai anh chị cũng là người miền Trung. Sau "tình thắm duyên quê", anh chị ra đảo sinh sống và lập nghiệp. Hiện, chị đang công tác ở Bưu điện huyện. Hỏi về những khó khăn, thiếu thốn nơi đảo xa, anh Thuỷ cho biết, nhiều anh em đang công tác ở những đảo khác trên mọi miền Tổ quốc còn gian nan, vất vả hơn trăm, ngàn lần, mình ở đây chưa thấm vào đâu.
Còn mối tình của chàng trai biển Trạm trưởng Anh cùng cô gái ở TP.HCM lại khác hẳn. Hiện anh chị đã có hai cháu, đang ở cùng mẹ ở Q.4 (TP.HCM). Chúng tôi hỏi, làm sao anh chị có thể quen nhau được, khi mà hai người ở xa nhau như thế này? Trạm trưởng Anh chia sẻ: "Trong những lần nghỉ phép trước đây, tôi có người quen ở TP.HCM nên về đó chơi. Tình cờ tôi quen cô ấy. Như hiểu được nỗi vất vả của tôi, nên cô ấy đồng cảm, chia sẻ. Dần dần, chúng tôi liên lạc qua lại rồi bén duyên. Thi thoảng được nghỉ phép, tôi lại về đất liền và thăm vợ con".
Bên cạnh những người có gia đình, cũng còn đó rất nhiều chiến sỹ trẻ khác còn độc thân. Họ cho biết, sẽ cố gắng kiếm "mối tình vắt vai" và đưa vợ ra đảo sinh sống như những đàn anh đi trước.
Tiếp xúc, chúng tôi được biết, anh em kiểm lâm viên ở VQG Côn Đảo đến từ nhiều miền quê khác nhau. Nhưng, với sức trẻ, tình yêu quê hương, đất nước, họ đang ngày đêm chung vai, chung sức cùng với nhân dân huyện đảo và cả nước giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chia tay anh em, chúng tôi cũng bịn rịn, hẹn quay lại trong một ngày sớm nhất. Chúc cho các anh luôn "chân cứng đá mềm" để góp phần giữ bình yên cho huyện đảo.