(ĐSPL) - “Con cứ yên tâm công tác, ở nhà bố mẹ sẽ lo tết cho cháu đầy đủ", đó là lời nhắn nhủ mà bố Thượng uý Đinh Trần Lê nhắn đến người con trai đang công tác ở huyện đảo Phú Quý 13 năm không đón tết ở nhà.
Chật vật cuộc sống vợ chồng người lính đảo
Về xóm 9, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào những không khí đón Tết Nguyên đán không còn xa. Không quá khó để chúng tôi tìm ra nhà Thượng uý Đinh Trần Lê (SN 1976), đang công tác tại trạm rada 55, thuộc sư đoàn 377, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), bởi người dân nơi đây ai cũng biết hoàn cảnh gia đình anh. Sau khi tốt nghiệp THPT, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Thượng úy Lê đã lên đường nhập cũ. Nhờ phấn đấu, rèn luyện tốt, sau đó anh được đơn vị cử đi học. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ thuật phòng không không quân, anh Lê về nhận công tác ở trạm rada 55. Đến năm 2006, anh tình nguyện ra đảo Trường Sa làm việc 2 năm rồi lại quay về làm việc tại đảo Phú Quý. Cho đến nay sau hơn 13 năm công tác, là con trai trưởng nhưng anh Lê chưa một lần được về quê đón tết cùng gia đình. Sau khi ổn định công tác tại đảo Phú Quý, đầu năm 1999, anh Lê kêt hôn với chị Hoàng Thị Hoà. Những ngày nghỉ hiếm hoi sau đám cưới nhanh chóng kết thúc và anh lại xa gia đình quay trở về đơn vị công tác. Lần đi này, anh yên tâm hơn khi đã có vợ thay mình chăm sóc bố mẹ già.
Thời gian cứ thế trôi, năm 2000, anh chị vỡ ào trong niềm hạnh phúc khi đón thêm cậu con trai đầu lòng và cũng là cháu đích tôn của gia đình ông bà nội. Cháu Đinh Hoàng Trần Hiếu không chỉ là niềm vui mà còn là động lực, niềm an ủi với chị Hoà khi chồng vì nhiệm vụ phải đi biền biệt quanh năm. Thế nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang", gia đình như chết lặng khi phát hiện cháu Hiếu bị viêm não Nhật Bản bẩm sinh. Đến nay tuy đã 15 tuổi nhưng Trần Hiếu chỉ nặng 25kg, chân tay cháu co quắp, mọi hoạt động hằng ngày diễn ra khá khó khăn bởi chân trái của cháu phát triển không bình thường, có dấu hiệu bị teo dần và liệt hẳn. Cha mẹ già yếu, con bệnh tật… mọi gánh nặng đè lên đôi vai người vợ trẻ. Tuy nhiên, ngay từ khi chấp nhận lấy anh Lê, chị Hoà đã xác định tư tưởng “mình là vợ lính đảo”, khó khăn vất vả còn nhiều nhưng chị quyết chăm lo tốt cho gia đình để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.
|
Ảnh cưới của Thượng uý Đinh Trần Lê |
Năm 2005, anh chị quyết định sinh tiếp cháu thứ hai là Đinh Hoàng Quỳnh Anh. Nhưng lại một lần nữa, số phận trêu ngươi khi cháu Quỳnh Anh ra đời và không may mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, những đứa con tưởng chừng sẽ là niềm an ủi cho gia đình Thượng uý Lê những ngày anh vắng nhà thì nay lại là niềm đau mà cuộc sống đè lên đôi vai vợ chồng anh. Hàng tháng, gửi cháu Hiếu cho ông bà nội, chị Hoà và cháu Quỳnh Anh lại khăn gói đưa nhau đi xạ trị ở Bệnh viện Ung bướu Trung ương. Cứ thế những ngày tháng khó khăn lần lữa trôi đi, anh Lê vì nhiệm vụ vẫn chấp nhận xa gia đình, không thể đồng hành cùng vợ con những khi bệnh tình hoành hành. Mấy năm trở lại đây, để thuận tiện cho việc đưa cháu Quỳnh Anh đi thăm khám định kỳ hằng tháng, chị Hoà đành gửi cháu Hiếu lại cho ông bà nội rồi vào miền Nam thuê nhà ở, buôn bán kiếm sống qua ngày.
16 năm làm vợ với 2 lần “vượt cạn” liên tiếp chị Hòa vẫn chỉ một mình. Mỗi năm anh chỉ về nhà dăm ba ngày tranh thủ rồi lại quay lại đơn vị để đảm bảo công việc nên hầu như mọi việc từ bé đến lớn đều 1 tay chị Hòa lo liệu. Mãi rồi cũng quen, giờ việc to, việc nhỏ trong nhà, chị tự tay làm hết. Cái nồi cắm cháo cho con rò điện, chị tự sửa lấy. Ổ điện hỏng, chị dùng tua vít tháo ra lắp lại. Cô con gái nhỏ thể trạng yếu, hay ốm vặt, có hôm bé sốt cao, bế con đến bệnh viện, chị vẫn tự nhủ đừng báo tin cho chồng vì sợ anh không yên tâm công tác… Thế nhưng mỗi năm cứ độ tết đến là 3 mẹ con chị lại không khỏi chạnh lòng.
|
Mẹ con chị Hoà trong đợt điều trị gần đây nhất của cháu Quỳnh Anh |
Tết lại về, con lại chẳng ghé nhà
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Đinh Trần Chương (SN 1947), bố đẻ của Thượng uý Đinh Trần Lê. Ngôi nhà nhỏ nơi cuối xóm lặng lẽ trong cơn mưa chiều mùa Đông. Lúc này, ông Chương đang khó nhọc từng bước đi lúi húi dọn dẹp căn phòng cho cậu đích tôn Đinh Hoàng Trần Hiếu. Biết cháu bệnh tật lại xa bố mẹ, ông luôn cố gắng bù đắp mọi thiệt thòi để Hiếu không chạnh lòng. Hai ông bà bớt xén từng đồng lương hưu ít ỏi của người thương binh hạng nặng để lo lắng đứa cháu bệnh tật. Từ bữa cơm, giấc ngủ ông bà nội luôn tâm niệm phải làm thế nào để Hiếu được đảm bảo nhất. Hai ông bà cũng không quên nhắc cháu mình phải luôn cố gắng, bố mẹ ở xa có gọi điện về dù nhớ cũng phải vui vẻ để bố mẹ yên tâm.
Ông Chương chia sẻ: “Lê vắng nhà nhiều năm nay, mỗi năm cứ độ tết đến xuân về thì mọi việc từ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc đến cúng giao thừa, đưa quà Tết cho hai bên nội, ngoại, tất tật đều do 2 bác lo lắng. Thương hoàn cảnh gia đình con, thương cháu bệnh tật nên dù tuổi cao, lại là thương binh hạng nặng, sức khoẻ không tốt nhưng hai bác vẫn nén tất cả nỗi lòng để biến thành động lực cố gắng giúp con an tâm công tác.”
Riêng mẹ thượng uý Lê khi được hỏi đã rơm rơm nước mắt: “Ừ, tết này Lê lại không về cháu ạ. Ông bà lại phải vừa làm ông bà vừa làm cha mẹ lo cho cháu Hiếu từ bộ đồ mới đến đôi dép mới để cháu được vui xuân đón tết như bao bạn khác.”
|
Cháu Đinh Hoàng Trần Hiếu khép nép bên ông nội |
Được biết, hơn 16 năm kể từ khi vào ngành chưa một lần gia đình anh Lê được đoàn tụ, đón 1 cái tết ấm áp bên gia đình. Cháu Trần Hiếu dù bệnh tật vẫn cố gắng học tập thật tốt, nhiều năm liền cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Hiện tại, cháu đang là học sinh lớp 8C trường THCS Nghi Long. Nói về đứa cháu trai của mình, ông Chương cho biết: “Hiếu ngoan và chịu khó học lắm nhưng vì sức khoẻ cháu không đảm bảo nên ảnh hưởng đến thành tích học tập. Từ ngày cháu bắt đầu đi học chỉ có ông nội là người đồng hành, nhiều hôm giờ ra về đến đón cháu thấy các bạn được bố mẹ đưa đón đôi mắt cháu mình ánh lên sự thèm khát thực sự. Nhìn mà thấy thương”.
Đến bên cậu bé 15 tuổi khép nép bên ông nội, thân hình mảnh khảnh, chân tay phát triển không đều nhìn Hiếu thương đến lạ. Khi chúng tôi hỏi cháu về bố mẹ, cậu bé chỉ gật gù không nói gì. Hồi lâu, cậu bé chạy vội đến chỗ học của mình lấy từ trong chiếc hộp nhỏ tập ảnh của bố mẹ và em gái. Hiếu tự tay lấy từng bức ảnh đưa cho chúng tôi, lúc này chợt em mỉm cười khi chỉ vào ảnh và nói: “Em gái cháu ngày chưa chuyền thuốc nên chưa bị rụng tóc đó ạ.”
Nhìn ánh mắt ngây thơ bỗng nhanh nhẹn, rạng ngời khi nói về gia đình khiến cho ai chứng kiến cũng đều thấy thương cảm cho cậu bé sớm phải chịu cảnh xa cách. Khi được hỏi, tết này Hiếu muốn bố về mua nhiều quà hay được vào với bố?, Suy nghĩ hồi lâu rồi cậu bé trả lời thỏ thẻ : “Tết này con chẳng cần quà chỉ mong bố về đưa con đi xem pháo hoa”.
Nói về hoàn cảnh gia đình Thượng uý Lê, ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch xã Nghi Long chia sẻ:“Gia đình anh Lê có truyền thống cách mạng từ lâu, hiện tại bố anh là thương binh hạng nặng. Hoàn cảnh vợ chồng anh chị khá đáng thương, cả 2 con đều mang những căn bệnh quái ác. Vì điều kiện công tác anh rất ít về thăm quê, hiện vợ chồng anh phải gửi cháu đầu ở nhà với ông bà nội. Chính quyền địa phương rất quan tâm đến trường hợp này, chúng tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho gia đình tại địa phương để anh Lê yên tâm công tác”.
Gia đình Thượng uý Lê chỉ là một trong số vô vàn các gia đình có người thân đang chắc tay súng ngoài biển khơi, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Một mùa xuân mới lại về. Trong mỗi gia đình lính đảo, vốn đã thấm thía nỗi nhớ mong da diết và không khỏi lo lắng khi người thân mình đang đứng nơi quanh năm sóng vỗ, nhưng những ngày tết của họ vẫn trọn vẹn niềm vui, tự hào bởi mỗi dịp xuân về, chính quyền, đoàn thể các cấp vẫn luôn đến tận nhà quan tâm, động viên, thăm hỏi, chúc Tết, giúp họ vơi đi nỗi nhớ chồng, nhớ con. Để nơi xa kia, các anh có thể yên lòng dù không thể quây quầy bên gia đình vào ngày tết, Đảng, nhà nước, đồng đội, bạn bè, bà con hàng xóm sẽ sưởi ấm cho cha mẹ, vợ con của các anh, tiếp thêm sức mạnh để các mẹ, các chị tiếp tục là hậu phương lớn, là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho chồng, con vững chắc tay súng.
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: BáoĐời sống và Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống& Pháp luật tại Miền Trung. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chat-vat-cuoc-song-gia-dinh-nguoi-linh-dao-va-13-cai-tet-vang-nha-a79513.html