Chạy qua lũ trẻ đang hì hục đá bóng, cãi nhau ỏm tỏi, hỏi những đứa mô là con chị Lạc, cụ già hàng xóm đang ngồi tránh nắng bảo: "Là bọn chúng hết đấy, tập trung đủ thì được một đội hình chính và 3 đứa dự bị".
Cưới nhau năm 1992, hiện tại đôi vợ chồng anh Đỗ Ngọc Nam và chị Huỳnh Thị Lạc, trú tại thôn Ba Hương, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là đôi vợ chồng thuộc thế hệ 7X đông con nhất Quảng Nam, có tổng cộng 14 đứa con san sát nhau.
Anh ngắc ngứ đọc tên em
Nắng hấp như làm khô quắt cả thôn Ba Hương. Chúng tôi hỏi nhà "anh Nam, chị Lạc đẻ nhiều" thì được cụ già ở ngay con dốc đầu làng bảo: "Vợ chồng nó đi chặt keo thuê tối mịt mới về. Mấy đứa lớn cũng đi dắt trâu cho người ta, mấy đứa đi học. Còn lại ở nhà có dăm bảy đứa chứ mấy".
Nếu huy động đủ thì con cái của anh Nam, chị Lạc đủ một đội bóng đá gồm đội hình chính và 3 dự bị. Ảnh: Công an Đà Nẵng |
Ngôi nhà của cặp vợ chồng này cũng rất đặc biệt. Vào từ phía sau thì phải đi bộ, vật lộn với con dốc tức ngực. Vòng ra phía trước thì phải lái xe máy đâm thẳng xuống bìa ruộng, rồi cài số 1 mà bò lên. Chạy qua lũ trẻ đang hì hục đá bóng, cãi nhau ỏm tỏi, hỏi những đứa mô là con chị Lạc, cụ già hàng xóm đang ngồi tránh nắng bảo: "Là bọn chúng hết đấy, tập trung đủ thì được một đội hình chính và 3 đứa dự bị".
Trong nhà bếp có mấy đứa khác, xúm quanh cô gái mặt buồn buồn như thiếu phụ. Hỏi mới biết đó là Đỗ Thị Hương, con gái thứ năm, một tay bế đứa em tuổi rưỡi, một tay trảy bắp. Hương năm nay 18 tuổi, học đến lớp 6 thì nghỉ, ở nhà không biết làm gì nên xin đi bán quán nhậu, chủ quán chê không nhanh nhẹn nên cho nghỉ việc, giờ ở nhà lủi thủi trông em.
Anh của Hương là Đỗ Văn Hà vừa ngủ trưa dậy. Học chưa hết lớp 9 thì nghỉ học nên giờ đã 21 tuổi mà Hà cũng không tìm được việc gì ngoài đi phụ hồ. "Bữa đực bữa cái, đi làm thì kiếm được ngày trăm bạc, còn không thì ở nhà chứ làm chi chừ. Bữa tết ra đến nay chỉ ăn với ngủ", Hà nói.
Theo Hà, cậu ta là người được học cao nhất trong mấy anh chị em. Trừ mấy đứa chưa đến tuổi, cả nhà chỉ còn 3 đứa được đi học, còn lại hoặc đi chăn trâu, bò thuê hoặc ở nhà lo chuyện cơm nước. Đang nói chuyện thì nghe lạo xạo dưới bếp. Thì ra Hương đang đong gạo để nấu cơm. Chính xác mỗi bữa phải nấu 9 lon gạo.
Tôi hỏi Hà, nửa đùa nửa thật, là có nhớ hết tên và thứ tự của anh em trong nhà không. Hà nói "có chứ". "Vậy đứa đang cắn bắp tên gì, thứ mấy?", "nó tên Thuận... không phải, tên Hòa, đứa thứ... 12", "vậy đứa đang chụp gôn?", "À, bọn nó sát nhau quá, để xem...". "Thôi, đọc hết tên anh chị em cũng được", "Tinh, Hà, Đông, Nhị, Hưng, Triều, Trường, Thọ, Phú, Cường, Thuận, Hòa, Mỹ, Châu", Hà đọc hết 3 hơi!
"Đáng ra tui chỉ đẻ 10 đứa là hung"
Tối mịt anh Nam chị Lạc mới về. Biết nhà có người lạ, chị Lạc men theo con dốc phía sau vào nhà để nghe ngóng xem có phải là cán bộ dân số không. Nếu đúng thế chị sẽ lánh mặt, để không hiện diện cùng lúc cả hai vợ chồng. Bật cái bóng điện mờ mờ duy nhất trong 2 gian nhà, anh Nam ngồi thừ người ra tu cả ca nước, chị Lạc quay mặt vào tường vừa cho đứa nhỏ bú vừa nói chuyện, vừa hét đám nhỏ dừng đá bóng để dọn cơm.
"Cái võng" này đã ru 6 đứa. Ảnh: Công an Đà Nẵng |
"Vất vả lắm anh ơi, hai vợ chồng làm thuê quần quật cả ngày mới đủ nuôi chúng. Nhà được 3 sào ruộng, mùa màng thuận lợi thì được vài trăm ang lúa. Mà chúng ăn ít lắm hỉ, mỗi bữa gần 10 lon gạo. Anh xem cái nhà trống trơn, ngủ cũng phải ngủ dưới nền", chị Lạc than thở.
Vừa cởi cái áo vàng khè vì mồ hôi muối, anh Nam cũng tiếp lời vợ, rằng thực ra đi phát keo cho người ta, mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm được trăm rưỡi đến hai trăm nghìn, nhưng mỗi bì gạo cả nhà ăn được dăm ngày thì chịu chi thấu.
"Biết khổ, sao còn đẻ nhiều?". "Mô có, đáng ra vợ chồng tui đẻ cỡ 10 đứa là hung. Cán bộ y tế thôn bản và cán bộ dân số của xã nói mấy biện pháp tránh thai bình thường không xi-nhê nên khuyên vợ tui đặt vòng. Tui chở bả ra ngoài xã, cán bộ nói bó tay, đẻ nhiều quá không đặt vòng được nữa. Nên mới có 4 đứa sau", anh Nam giải thích.
Thấy tôi tròn mắt, anh vừa la mấy đứa con dọn cơm vừa nói oang oang: "Nói anh đừng cười, cái gì họ cũng đưa hết, nói phải làm thế này, làm thế nọ. Tui cũng cầm hết, nhưng rồi bỏ đó, chẳng dùng cái chi. Với lại cũng nghĩ ngày xưa làm thuê mỗi ngày họ trả 5 ký lúa mà đẻ ra còn nuôi được nữa là giờ. Mà đứa nào cũng đẻ ở nhà hết, không đi trạm xá bao giờ. Chúng khỏe lắm. Hai đứa đã lấy chồng, mấy đứa nhỡ nhỡ đi dắt trâu thuê cũng làm ra tiền đấy chứ".
Cả nhà chen nhau ngồi vào bàn ăn cơm. Mới được một nửa "quân số" nhưng một tô cơm to như cái thau rửa chén và dĩa rau muống xào nhoắng một cái đã hết vèo.
"Hết thuốc rồi, nhưng chưa chắc hết đẻ
Người hàng xóm nói một câu như vậy về cặp vợ chồng Nam - Lạc. Ngay ông Trà Văn Tài, bà con bên gia đình anh Nam cũng lắc đầu: "Họp thôn cũng nói, qua nhà chơi cũng nói. Vợ chồng nó ậm ừ nói không đẻ nữa, nhưng rồi cứ tòi ra mỗi năm một đứa. Cán bộ y tế thôn bản đến cho mòn đường, nói cho phát ngại ra mà rồi như nước đổ đầu vịt, quay đi quay lại thấy cái bụng lùm lùm ra rồi".
Nhắc câu chuyện kỷ lục đẻ ở thôn Ba Hương, ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông cũng đỏ mặt tía tai. Nào là Ban chỉ đạo dân số xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở thôn thay nhau đến động viên, tuyên truyền và phổ biến các biện pháp phòng ngừa. Câu trước còn nói vui vẻ, cười hềnh hệch, câu sau là hai vợ chồng vặc lại. Nói đẻ được thì nuôi được, có cần hộ nghèo hộ nghiếc gì đâu mà nói ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Nghe đâu có lúc cùn quá, cả hai quay qua lý sự: "làm nhà không cần thuê nhân công, gặt lúa trước nhà huy động bọn chúng ra xếp hàng khuân vào, mỗi đứa cách nhau mấy mét là lúa vào nhà, cả năm bảy đứa mà đi chăn trâu thuê, thu nhập có tháng cao hơn cán bộ" (!). Còn áp dụng biện pháp tránh thai, có biện pháp nào đơn giản hơn đi, chứ "bao bì" thì phiền phức, vòng thì đặt không được, tiêm ngừa thì 3 tháng phải ra xã một lần, quên là hỏng!.
"Nhắc đến chuyện ni, xã cũng xấu hổ lắm. Trừ chuyện các cụ ngày xưa quan niệm trời sinh voi, sinh cỏ và cả để có người đi đánh giặc, thì đây có lẽ là kỷ lục không muốn của xã, của huyện, có khi của tỉnh nữa", ông Anh tâm sự.
Bà Hoàng Thị Minh Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ Bắc Trà My nắm rõ cả tên tuổi, năm sinh của từng đứa con anh Nam chị Lạc. "Cán bộ vào phía trước thì họ trốn cửa sau, không khi mô gặp được cùng lúc 2 vợ chồng. Cái việc này, tuyên truyền vận động là chính chứ có cách mô khác", bà Đoàn tâm sự. Bà Đoàn cũng cho hay, giờ có vẻ như họ đã thay đổi được nhận thức, bắt đầu tham gia tiêm ngừa tránh thai rồi, 3 tháng tiêm một lần.
Tôi chợt nghĩ, đây có lẽ cũng là biện pháp cuối cùng có thể áp dụng, mà rồi công việc cũng phải đặt lên vai cán bộ, bởi nội chuyện tiền điện, tiền nước, trả nợ ngân hàng... là những việc phải làm định kỳ hàng tháng mà nhiều người còn quên, huống chi người ta đi làm quần quật suốt ngày. 3 tháng mới "chích" một lần, thưa quá!