Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay, ngành đang triển khai nhiều chương trình công tác lớn, nhạy cảm nên rất cần được xã hội, phụ huynh chia sẻ, góp ý và hiến kế. Đổi mới là hết sức cần thiết nhưng phải đi liền với kiểm định chất lượng…
Cô giáo Lương Thúy Hoa dạy lớp 4A môn Tiếng Việt - Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội) được học sinh tặng hoa chúc mừng nhân ngày 20/11. Ảnh : Ngọc Châu. |
Đổi mới cần dũng cảm
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm 2015, toàn ngành GD&ĐT đã tập trung nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Trong lĩnh vực giáo dục đại học đã có những thành công trong nhiều mặt. Ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học. Những ý tưởng cốt lõi của luật đã được hướng dẫn cụ thể như tự chủ ĐH, đổi mới cơ cấu hệ thống kiểm định chất lượng, phân tầng, xếp hạng các cơ sở GD ĐH.
Ngành GD&ĐT cũng tập trung tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích, vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường ĐH, CĐ làm công tác tuyển sinh, góp phần làm giảm áp lực đối với thí sinh và xã hội, giúp các trường tuyển được những thí sinh phù hợp vào học các ngành nghề khác nhau và giúp cho thí sinh tránh được những rủi ro khi điểm cao mà vẫn trượt.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngành đã thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện ở 12 trường ĐH và được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thí điểm tự chủ toàn diện từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, thu chi tài chính… Đây là sự thành công bước đầu rất quan trọng tạo tiền đề để các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ theo quy định của Luật GD ĐH.
Trong mùa tuyển sinh năm 2015, các trường tự chủ đều có kết quả tuyển sinh rất tốt mặc dù mức thu học phí cao hơn các trường chưa thực hiện tự chủ. Điều này cho thấy chất lượng, uy tín của nhà trường luôn là yếu tố thu hút mạnh mẽ thí sinh, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài.
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, phân tầng, xếp hạng cơ sở GD ĐH cũng đã và đang được đẩy mạnh. Bộ GD&ĐT đã thành lập 4 Trung tâm kiểm định chất lượng GD ĐH. Sau thời gian chuẩn bị, các trung tâm đã khởi động hoạt động kiểm định.
Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng là cơ sở GDĐH đầu tiên được kiểm định theo hệ thống mới. Kinh nghiệm này sẽ được nhân rộng trong toàn hệ thống. Trên cơ sở kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được phân tầng và xếp hạng. Đây là bước quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản giáo dục đại học.
Thứ trưởng Bộ GD&DDT Bùi Văn Ga trong đợt kiểm tra và chỉ đạo cán bộ coi thi 2015. Ảnh: Như Ý. |
Khách quan về tích hợp môn học
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề đang gây “bão” dư luận trong mấy tuần gần đây về phương án tích hợp môn học, dạy tích hợp trong chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, bản thân ông có niềm tin tích hợp sẽ thành công!
Ông Hiển phân tích: Tích hợp các môn học cũ sẽ đạt hiệu quả giáo dục tốt hơn khi ta để riêng rẽ như hiện nay. Đây là trách nhiệm với đất nước, với học sinh. Làm tốt hay không, học sinh sẽ trả lời. “Không chỉ tôi có niềm tin mà cả tập thể cũng có niềm tin vào điều này. Vì khi tích hợp khéo, kiến thức gần nhau, liên quan đến nhau sẽ soi rọi cho nhau”, ông Hiển nói.
Khoa học giáo dục hiện đại đã chỉ rõ khi tích hợp sẽ loại bỏ trong môn học những kiến thức cần thiết cho khoa học nhưng lại không nhất thiết phải dạy cho học sinh, vì nó xa rời cuộc sống hoặc quá hàn lâm, quá khó, gây quá tải cho học sinh.
Ở THCS các trường theo mô hình trường học mới đã có sách thiết kế môn học tích hợp theo kiểu này cho lớp 6, lớp 7; giáo viên và học sinh đang dạy và học tốt, thấy rõ hiệu quả của môn học mới. Không có lý gì ở THCS làm được mà THPT lại không làm được, tôi có niềm tin vào việc này. Chúng ta sẽ thực hiện tích hợp từng bước theo từng mức độ từ thấp đến cao. Không có bước đi còn chập chững ban đầu, sẽ không đi nhanh được về sau.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, khi thiết kế dạy tích hợp, có mức độ yêu cầu khác nhau. Đơn giản nhất là liên hệ, cao hơn là lồng ghép, tiếp theo là tích hợp, ngay cả tích hợp cũng có nhiều mức. Phụ thuộc vào năng lực đội ngũ giáo viên mà lựa chọn mức nào cho phù hợp. Chủ đề tích hợp khó dạy hơn nhưng giáo viên có thể dạy được vì thực tế đó đều là kiến thức phổ thông.
Còn về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, cứ dạy các môn như hiện nay cũng vẫn phải bồi dưỡng nâng cao năng lực. Khi đi vào thực hiện chương trình mới, sẽ bồi dưỡng giáo viên để dạy. Ngoài giáo viên dạy thử nghiệm trong trường học mới, hiện nay giáo viên THCS, THPT đã trải qua 2 năm cuộc thi dạy chủ đề tích hợp.
Giáo viên tự thiết kế ra chủ đề để dạy và họ đã đi xa hơn yêu cầu của chương trình mới. Năm 2000 khi xây dựng chương trình, Bộ đã đặt ra vấn đề tích hợp, nhưng dư luận cho rằng giáo viên không dạy được. Nhưng hiện nay, đội ngũ giáo viên cũng đã bắt đầu được tiếp cận với vấn đề này và cách làm đã được sáng tỏ.
Ông Hiển khẳng định, thách thức không phải là năng lực giáo viên mà đầu tiên là nhận thức của giáo viên. Do đó, vấn đề đầu tiên phải giải quyết là nhận thức cái mới là gì, nó hay ở chỗ nào mà cần đổi mới.
Theo Tiền Phong
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]KE5OpM0KZD[/mecloud]