+Aa-
    Zalo

    Đổi đời nhờ “sống chết” với nghề nuôi cá vược

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau nhiều thất bại, anh Liệu đã trở thành “ông trùm cá vược” trên đất Thụy Liên, Thái Bình. Mỗi năm, anh xuất bán hơn 20 tấn cá thương phẩm với doanh thu hơn 3 tỷ đồng.

    Sau nhiều thất bại, anh Liệu đã trở thành “ông trùm cá vược” trên đất Thụy Liên, Thái Bình. Mỗi năm, ao nuôi của anh xuất bán hơn 20 tấn cá thương phẩm với doanh thu hơn 3 tỷ đồng.

    Tin tức trên báo Dân Việt cho biết, không chấp nhận cuộc sống làm nông vất vả, nghèo nàn, anh Nguyễn Văn Liệu (trú tại thôn Trà Bôi, xã Thụy Liên) đã vào Nam làm thuê cho các chủ đầm, chủ trang trại ở Bạc Liêu, rồi Cà Mau.

    Trong thời gian này, anh nhận ra rằng quê mình cũng có gần trăm ha diện tích vùng đầm bãi, ven sông có điều kiện, tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản còn để hoang nên quyết định trở về quê và rủ bạn vay tiền nhận thầu trên 30ha vùng bãi ven sông Diêm đầu tư nuôi trồng thủy sản.

    Theo lời anh Liệu, lúc đầu khởi nghiệp khó khăn trăm bề, đầm bãi hoang hóa, mặt bãi chỗ thấp chỗ cao, nhiều lúc mưa bão nước ngập trắng cả mặt bãi. Muốn cải tạo đầm bãi nhưng nông dân nghèo như anh không có vốn...

    Với diện tích 6,5ha ao nuôi, mỗi năm anh Liệu xuất bán hơn 20 tấn cá - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái bình

    Để có vốn đầu tư, anh Liệu vừa khai thác thủy sản tự nhiên vừa nuôi một số đối tượng thủy sản theo phương thức quảng canh cải tiến. Đến năm 1999, anh Liệu mạnh dạn đưa con tôm sú, cua xanh vào nuôi thử nghiệm. Những gian truân vất vả đã được bù đắp bằng những vụ nuôi tôm, cua đầu tiên liên tiếp thắng lợi đem về cho anh thu nhập cả tỷ đồng.

    Để trang bị thêm những kiến thức cơ bản để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, anh Liệu theo học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang.

    Cũng trong thời gian này, nghề nuôi tôm sú, cua xanh bắt đầu kém hiệu quả do môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Sau nhiều ngày trăn trở giải pháp tháo gỡ, cuối cùng anh Liệu đã lựa chọn con cá vược là đối tượng mới thay thế.

    Ban đầu anh nhập giống từ miền Nam về ương nuôi, nuôi thương phẩm, nhưng do con cá vược chịu rét kém, không giữ giống được qua mùa đông, tỷ lệ sống dưới 20%. Trong khi đó, anh Liệu để ý giống cá vược sống tự nhiên ở biển vẫn tồn tại tốt qua mùa đông.

    Anh lao vào nghiên cứu, tìm tòi và dành trọn cả năm 2007 để tiến hành thử nghiệm. Những thất bại liên tiếp không làm anh Liệu nản lòng mà lại là động lực giúp anh thêm ý chí, nghị lực theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn lựa. Cuối năm 2008, quy trình lưu cá vược qua đông thành công ngoài mong đợi. Hiệu quả đạt được của các quy trình là cho tỷ lệ cá sống trên 95%. Năng suất nuôi thương phẩm đạt được trên 7 tấn/ha.

    Báo Thái Bình cho biết thêm, trong quá trình nuôi, anh Liệu nhận ra cá vược phàm ăn, tuy nhiên khi nuôi đơn, vấn đề mà người nuôi thường gặp phải là lượng thức ăn cho cá thường dư thừa, ảnh hưởng xấu đến môi trường nước nuôi, dễ gây dịch bệnh, làm giảm chất lượng đàn cá nên đã kết hợp với cá rô phi lai xa và động vật hai mảnh vỏ (vộp).

    Ông Phạm Văn Tân, cán bộ phòng nông nghiệp huyện cho biết: đây là mô hình nuôi ghép 3 đối tượng với nhau rất phù hợp, được thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ về đặc điểm, tập tính sống của từng loài.

    Với diện tích 6,5ha ao nuôi, mỗi năm anh Liệu xuất bán hơn 20 tấn cá thương phẩm đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng.

    Vũ Hạnh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-doi-nho-song-chet-voi-nghe-nuoi-ca-vuoc-a204841.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan