(ĐSPL) - Ngoài việc giá xe ô tô nhập khẩu sẽ có nguy cơ đội lên, theo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, DN nhập khẩu ô tô sẽ phải nộp tới 2 lần thuế...
Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kêu cứu lên Thủ tướng
Thông tin trên báo Tiền phong, các nhà nhập khẩu xe ô tô chính hãng tại Việt Nam vừa cùng ký gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, 8 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng còn gửi tới Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội.
Đơn kiến nghị nêu rõ, rằng: khi Nghị định số 108/2015/NĐ-CP vừa được ban hành quy định hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 lại sắp bị thay thế.
Theo đó, các hãng nhập khẩu xe ô tô chính hãng cho biết, Quốc hội đang bàn tiến hành sửa đổi bổ sung Luật này, dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo dự thảo, cách tính thuế TTĐB bị thay đổi khác đi so với hướng dẫn của Nghị định 108/2015/NĐ-CP vừa ban hành hôm 28/10.
Các nhà nhập khẩu cho rằng, việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian quá ngắn gây ra hệ lụy khó khăn lớn cho doanh nghiệp nói chung trong việc theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng nói việc thay đổi liên tục chính sách thuế sẽ tạo nên tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung cũng như phát triển ngành ô tô nói riêng tại Việt Nam.
Các nhà nhập khẩu cho rằng, việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế ngoài việc giá sẽ đội lên, theo cách tính mới DN nhập khẩu ô tô sẽ phải nộp tới 2 lần thuế. (Ảnh minh họa). |
“Việc một Nghị định vừa mới được ban hành lại gần như bị sửa đổi hoàn toàn bởi một văn bản luật khác có nội dung hoàn toàn khác biệt gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến sức mua của cả ngành ô tô nói riêng”, văn bản của các nhà nhập khẩu giải thích.
Trong trường hợp phải chỉnh sửa chính sách thuế theo dự luật thuế TTĐB mới, các hãng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính lùi thời gian áp dụng Nghị Định 108 sang ngày 1/7/2016 thay vì từ 1/1/2016.
“Điều này giúp các doanh nghiệp có thời gian nghiên cứu hiểu đúng cách thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động, đầu tư nhân sự và tránh xáo động kinh doanh, người lao động, thị trường, người tiêu dùng”, các nhà nhập khẩu kiến nghị.
Ngoài ra, các đơn vị này đề nghị Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các nhà nhập khẩu được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp, sản xuất trong nước trước khi phê duyệt cách tính thuế TTĐB và ban hành áp dụng.
Đây là lần đổi cách tính thứ 2 trong năm, sau khi NĐ 108 vừa được ban hành và có hiệu lực vào tháng 10.2015. Trong khi DN đã gửi văn bản đề nghị hướng dẫn cách tính thuế theo NĐ 108 vẫn chưa có hồi âm thì dự thảo luật mới đã ra đời.
Ngoài việc giá sẽ đội lên, theo cách tính mới DN nhập khẩu ô tô sẽ phải nộp tới 2 lần thuế. Theo quy định trước, xe nhập về cập cảng, giá xe bao nhiêu đóng thuế 1 lần. Bây giờ xe cập về cảng, DN đóng thuế TTĐB lần 1, đến khi bán ra phải đóng tiếp thuế trên lãi chênh lệch, rồi khấu trừ lại lần nộp thứ nhất.
Xe nhập tăng nóng để “né” thuế
Tin tức trên báo Thanh niên, sản lượng ô tô từ đầu năm đến nay tăng nóng, đến 60\% so với năm ngoái, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô 9 tháng năm 2015 tăng đến 88,5\% về lượng và tăng 113\% về giá trị. Nhưng theo các DN, sự tăng trưởng này phần lớn không phải do người tiêu dùng có nhu cầu cao hơn, mà do họ có nhu cầu mua để “chạy” thuế theo cách tính mới.
Các DN cho rằng, việc điều chỉnh thuế thay đổi liên tục trong thời gian ngắn sẽ tác động đến sự ổn định của thị trường. Chẳng hạn trong dự thảo luật, thuế TTĐB cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, loại có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống, từ ngày 1/7/2016 đến hết ngày 31/12/2017 là 40\%, từ năm 2018 là 30\%, năm 2019 giảm xuống 20\%; xe có dung tích xi lanh trên 1.000 - 1.500 cm3, từ 1.7.2016 đến hết năm 2017 thuế 40\%, từ năm 2018 là 35\%, năm 2019 là 25\%...
“Thuế suất không ổn định tạo tâm lý người mua sẽ đợi, làm ì thị trường, hoặc người mua đổ xô đi mua trước khi thuế tăng làm thị trường tăng nóng giả tạo trong thời gian ngắn. Điều này sẽ tạo ra một thị trường chạy theo chính sách và thuế, các DN khó dự báo để hoạch định chiến lược kinh doanh. Năm 2012 đã từng thay đổi thuế trước bạ tăng lên rồi giảm xuống làm thị trường giảm hơn 30\%. Sau khi điều chỉnh lại, thị trường dần ổn định và tăng trưởng trở lại cho đến nay thì lại thay đổi tiếp”, đại diện một hãng xe than phiền.
AN NHIÊN (Tổng hợp)