+Aa-
    Zalo

    “Đọc xong hơn 4.000 điều kiện, tôi mất luôn mong muốn được kinh doanh”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - TS. Phan Đức Hiếu đã nói như vậy tại tọa đàm về điều kiện đầu tư kinh doanh do Vụ Pháp luật dân sự kinh tế tổ chức ngày 27/9.

    TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nói như vậy tại tọa đàm về điều kiện đầu tư kinh doanh do Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 27/9.

    Điều kiện kinh doanh nhiều như “ma trận”

    TS. Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng CIEM cho biết, các điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con liên tục “biến thiên”, do vậy cuộc đấu tranh để chống lại những rào cản vô lý sẽ không chỉ là vấn đề hôm nay mà còn sau này.

    Ông Hiếu ví von các điều kiện kinh doanh giống như một “ma trận”. “Giả sử luật quy định là cha thì nghị định là điều kiện con, thông tư là các điều kiện cháu, chắt... Theo ma trận hình cây như thế, mỗi lần chúng ta sửa một quy định nào đó thì nó lại thay đổi trật tự và cấu trúc của nó”, ông Hiếu nói.

    Điều kiện kinh doanh tại các bộ ngành. Số liệu: CIEM.

    Ông Hiếu ví dụ, luật quy định rất chung là khi kinh doanh dịch vụ kế toán thì cần phải được cấp một giấy chứng nhấn đủ điều kiện kinh doanh. Sau đó luật quy định để cấp giấy này phải đảm bảo 3 yếu tố: đủ điều kiện góp vốn, điều kiện kinh doanh, có ít nhất 2 thành viên góp vốn là kế toán hành nghề.

    “Tuy nhiên vẫn chưa đủ, sau đó lại cần phải có điều kiện để đảm bảo thành viên góp vốn là công ty TNHH thì 1 trong 2 thành viên phải đăng ký hành nghề kế toán tại công ty, nếu là thành viên là tổ chức được góp 35%. Sau đó là có quy định thế nào là kế toán viên? Kế toán viên thì phải có đạo đức tốt, trung thưc, liêm khiết, có bằng tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm hành nghề…”, ông Hiếu nói.

    Phó viện trưởng CIEM cho biết, chính ví cấu trúc rất phức tạp nên mỗi lần sửa là rất khó. Điều đáng nói theo ông Hiếu, những thứ mà chúng ta gọi là điều kiện kinh doanh mới chỉ là một phần của tảng băng thôi.

    “Hiện nay, CIEM mới chỉ đang cân nhắc nguồn lực để kiến nghị phần nhỏ trong hệ thống pháp luật thôi. Tiến tới, tất cả những gì gây gánh nặng, rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều cần được bãi bỏ chứ không riêng gì điều kiện kinh doanh”, ông Hiếu cho biết.

    Theo vị này, điều cốt lõi vẫn là phải nắm quan điểm, phương pháp để cải thiện việc hạn chế sinh ra điều kiện kinh doanh. Chúng ta phát triển kinh tế thị trường. Chúng ta không cần hiểu nó quá phức tạp kinh tế thị trường là gì? Chỉ đơn giản nó là nền kinh tế mà hoạt động của doanh nghiệp do thị trường quyết định, chứ không phải quy định pháp luật. Để tạo ra thị trường, Nhà nước chỉ cần ngừng ban hành quy phạm pháp luật can thiệp vào thị trường. Hoặc nếu đã ban hành thì bỏ nó đi, ông Hiếu nhấn mạnh.

    “Vậy Nhà nước phải làm gì? Nhà nước có vai trò quan trọng đó là duy trì cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng bằng tư duy mới, phương pháp mới. Vậy thôi”, ông Hiếu nói.

    Ông Hiếu cũng chia sẻ, khi rà soát các điều kiện kinh doanh, cá nhân ông khi đọc khoảng hơn 4.000 điều kiện kinh doanh thì tự nhiên mất đi mong muốn kinh doanh.

    “Tôi thấy làm sao để tuân thủ điều kiện kinh doanh đã không dễ dàng, chưa nói đến việc làm thế nào để sống sót trên thương trường”, ông Hiếu nói. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, từ thực tiễn vừa qua khi Bộ Công Thương chủ động đề xuất cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh thì chúng ta có thể lạc quan và tin tưởng rằng không có vấn đề gì không thể làm được...

    Không thống kê chính xác bao nhiêu điều kiện kinh doanh?

    Ông Quách Ngọc Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, trong quá trình rà soát mới thấy nhiều điều kiện kinh doanh không biết “sinh ra” để làm gì.

    “Chẳng hạn như việc yêu cầu nhân sự phải có đạo đức tốt, sức khoẻ tốt. Nhưng không biết đánh giá đạo đức tốt là như thế nào, sức khoẻ tốt là như thế nào, tiêu chuẩn ra sao. Doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ thì chỉ cần kiểm tra sản phẩm, dịch vụ có tốt không thôi chứ?”, ông Tuấn nói.

    Quy định về điều kiện kinh doanh. Nguồn: Viện CIEM.

    Cũng theo ông Tuấn, còn quá nhiều điều kiện đặt ra lại làm hạn chế về tiếp cận thị trường như những ràng buộc về quy mô, về vốn. “Những doanh nghiệp mới thành lập rất khó đáp ứng được những điều kiện này. Vô hình chung quá nhiều rào cản như vậy sẽ cướp đi cơ hội của kinh doanh của người dân. Việc khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp khó có thể đạt mục tiêu”, ông Tuấn cho biết.

    Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, thực tế nhiều cơ quan nhà nước cũng không thống kê hết nổi điều kiện kinh doanh hiện nay.
    Lúc đầu số quy định về điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương đưa ra là 1152. Sau một thời gian rà soát lại, Bộ Công thương lại phát hiện ra con số này là 1216 trên 27 ngành nghề (chưa tính ngành sản xuất, nhập khẩu ô tô), ông Tú lấy ví dụ.

    Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, điều kiện kinh doanh quá nhiều là rào cản phát triển, dập tắt sáng tạo.

    “Dùng kinh nghiệm để kiểm soát sáng tạo thì không bao giờ khuyến khích xã hội phát triển, thiếu bình đẳng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là việc rất khó, bởi nếu không có sức ép họ không dễ gì từ bỏ nguồn lực”, ông Toàn nói.

    Vì vậy, ông Toàn cho rằng cần tổng rà soát lại toàn diện các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, trong các lĩnh vực ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với các nhà đầu tư...

    Nguồn: Tạp chí Diễn đàn đầu tư

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-xong-hon-4000-dieu-kien-toi-mat-luon-mong-muon-duoc-kinh-doanh-a203355.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan