Lợi ích khi ăn cây dọc mùng
Báo VietNamNet dẫn lời lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cho biết dọc mùng còn gọi là bạc hà, mon thơm, được trồng nhiều ở các địa phương trong cả nước. Cây dọc mùng dễ phát triển ở nhiều loại đất khác nhau nhưng hay mọc ở nơi ẩm ướt.
Theo y học hiện đại, trong khoảng 100g dọc mùng chứa 95g nước, 0,25g protein và lương bột đường là 3,8g. Dọc mùng chứa lượng lớn phốt pho, kali, canxi, magie, sắt, vitamin C.
Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, không có độc, tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Vì vậy, ngoài dùng làm thực phẩm nấu canh cá, canh sườn, dọc mùng còn có tác dụng chữa bệnh. Thân và lá dọc mùng tiêu ứ, trừ giun. Củ dọc mùng phơi khô tán bột để chữa bệnh ngoài da.
Dọc mùng hợp với các món giàu chất đạm. Ngày hè, dọc mùng được nhiều người ưa thích vừa thanh mát, giải độc, ngon miệng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng dọc mùng tốt cho những người bị mỡ máu, cholesterol máu cao, được coi như “máy quét”mỡ ra khỏi cơ thể. Đây cũng là thực phẩm đầu bảng tốt cho giảm cân, hệ tim mạch.
Dọc mùng có thể dùng tươi hoặc phơi khô làm thuốc. Để điều trị bệnh sởi, người ta lấy bẹ dọc mùng rửa sạch, phơi khô và đem nấu với nước cho tới khi cô đặc lại, uống 2-3 lần/ngày, kiên trì trong 4-5 ngày. Dọc mùng còn sử dụng trong trị cảm cúm bằng cách phơi khô, sắc cô đặc, uống khi còn ấm nóng.
Những người "đại kỵ" với dọc mùng
Người bệnh gout và viêm khớp không nên ăn
Thông tin từ báo Tiền Phong, dọc mùng là món ăn kèm rất tuyệt vời nhưng những người bệnh gout và viêm khớp không nên ăn loại thực phẩm này. Bởi khi thường xuyên tiêu thụ dọc mùng sẽ gây tăng lượng acid uric trong máu có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Người có cơ địa dị ứng không nên ăn dọc mùng
Bác sĩ khuyến cáo rằng, những người mang cơ địa dị ứng, mang gen đặc biệt thì nên tránh ăn rau dọc mùng vì có thể dẫn tới sốc phản vệ, nhẹ thì gây mẩn ngứa, nặng thì tắc phế quản, ngạt thở, giãn mạch máu dẫn đến trụy tim mạch và có thể gây tử vong.
Các bác sĩ cho rằng triệu chứng của dị ứng dọc mùng thường đi kèm với dấu hiệu ngứa miệng, phát ban, sưng môi, lưỡi, khó thở... Trường hợp nặng sẽ là phù nề đường hô hấp, sưng họng, mất ý thức... bệnh cần được phát hiện xử trí kịp thời, nhanh chóng trước khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngoài ra, Lương y Trung khuyến cáo người tăng axit uric hạn chế ăn dọc mùng.
Những lưu ý khi ăn dọc mùng
Không như các loại rau khác, dọc mùng cần được sơ chế và nấu thật chín kỹ nếu không chúng sẽ tiết ra các chất gây ngứa họng, vô cùng khó chịu. Để tránh ngứa khi ăn dọc mùng, các gia đình cần đặc biệt lưu ý khi chế biến.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cây dọc mùng thường hay bị nhầm với cây ráy. Trái ngược với hương vị giòn ngọt, tươi mát của dọc mùng sau khi chế biến cẩn thận, ăn phải lá hoặc thân ráy thường dẫn tới các triệu chứng tê môi lưỡi, cứng hàm, méo miệng. Triệu chứng này xuất phát từ hàm lượng sapotoxin có trong cây ráy.
Để phân biệt cây ráy và cây dọc mùng, bạn lưu ý, cuống lá của dọc mùng có màu xanh nhạt và phủ một lớp phấn trắng bên ngoài. Cuống lá của cây ráy to và cứng cáp, khi tiếp xúc trực tiếp với da thường gây phản ứng ngứa rát.
Nguyễn Linh(T/h)