(ĐSPL) – “Tưởng cho đóng cửa cây xăng ai ngờ phạt có hơn triệu bạc thì đáng gì... Phạt 1 triệu xong ăn cắp 1 tháng được mấy chục triệu lãi to còn gì”, phản hồi của độc giả gửi tới báo Đời sống và Pháp luật.
Sau khi gian lận tại cây xăng số 143 Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) bị vạch trần, Đội Quản lý thị trường số 26 quyết định phạt cây xăng này 1,5 triệu đồng, theo quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 80 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên hầu hết độc giả cho rằng mức phạt này chỉ như “phủi bụi”, chưa thấm vào đâu so với số tiền mà các nhân viên tại đây “móc túi” người tiêu dùng trong suốt thời gian vừa qua.
Đội Quản lý thị trường số 26 làm việc với quản lý cây xăng 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. |
“Việc kết luận chỉ 3 trong số 6 nhân viên của cây xăng có hành vi gian lận - lấy cắp xăng ra ngoài sau đó chờ khách hàng sơ hở để đổ nối số liệu có chính xác? Thêm vào đó chỉ căn cứ vào 5 lít xăng gian lận trong 3 ngày để xử phạt liệu có quá vội vàng?”, là câu hỏi được độc giả có nickname Mai Tram đặt ra về sự việc diễn ra tại cây xăng 143 Trần Phú.
Đồng quan điểm, bạn đọc Liễu Phạm bức xúc: “Tôi không tin có chuyện các nhân viên này chỉ móc túi khách hàng trong vòng 3 ngày với 5 lít xăng. Đây là hành vi gian lận đã kéo dài từ rất lâu, nếu không được phát hiện liệu họ có dừng lại 3 ngày không? Bán hàng mà ăn bớt, rồi mang về dùng thì không thể chấp nhận được, đáng xấu hổ và bị lên án. Theo tôi cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay xử lý những nhân viên và cây xăng có hành vi gian lận như đóng cửa 1-3 tháng, nếu tái diễn sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Đồng thời, xử phạt cả người quản lý vì không có trách nhiệm với nhân viên, để họ qua mặt”.
Bình luận của độc giả liên quan đến mức xử phạt hành vi gian lận tại cây xăng 143 Trần Phú. |
Hoài nghi về số tiền gian lận khách hàng, bạn Ngô Quang lập luận: “Mỗi lần nhân viên "móc túi" người dân từ 5.000 - 9.500 đồng. Một ngày có biết bao người đổ xăng, số tiền "ăn cắp" phải lên đến hàng triệu đồng. Trong khi cây xăng 143 Trần Phú gian lận suốt thời gian dài như vậy, chỉ xử phạt 1,5 triệu là quá nhẹ. Tại sao bên Quản lý thị trường không tự điều tra bắt quả tang để mức xử phạt thỏa đáng hơn. Tôi nghĩ trước mắt nên đóng cửa cây xăng dừng mọi hoạt động kinh doanh để điều tra cho thỏa đáng, không thể hời hợt như vậy được”.
So sánh số tiền phạt với số tiền gian lận của các nhân viên cây xăng này, bạn Nguyễn Hùng Cường cho rằng: “Tưởng cho đóng cửa cây xăng ai ngờ phạt có hơn triệu bạc thì đáng gì... Phạt 1 triệu xong ăn cắp 1 tháng được mấy chục triệu lãi to còn gì”.
Thực tế, hành vi gian lận trong hoạt động bán xăng tại một số điểm bán xăng dầu nhằm rút bớt lượng xăng của khách hàng so với số tiền mà họ bỏ ra đã được báo chí phản ánh nhiều lần và diễn ra nhiều năm trở lại đây.
Người tiêu dùng hàng ngày phải đối mặt với nỗi lo tăng giá, thắt chặt chi tiêu nay lại bị "móc túi" trắng trợn không khỏi phẫn nộ và bức xúc. Hơn ai hết, để bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ và có hình thức xử lý triệt để tình trạng trên.
Độc giả phản ánh các sự việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, đề nghị gửi về địa chỉ email: [email protected] | Hotline: 0942 368 555. |