+Aa-
    Zalo

    Độc đáo tục "bắt chồng" và đám cưới không đêm tân hôn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Chăm H'Roi là một nhánh của dân tộc Chăm, sống tập trung chủ yếu ở Phú Yên, Bình Định với nhiều phong tục độc đáo. Trong đó có tục cưới mà không có đêm tân hôn.

    (ĐSPL)- Chăm H'Roi là một nhánh của dân tộc Chăm, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định với nhiều phong tục độc đáo. Trong đó có tục cưới mà không có đêm tân hôn của cô dâu và chú rể.
    Hiện nay, phong tục này vẫn được người dân tộc Chăm H'Roi gìn giữ và phát triển.
    Câu chuyện cọc đi tìm trâu
    Vượt gần 700km từ TP.HCM ra Bình Định để tìm hiểu về những phong tục bí ẩn của người Chăm H'Roi, chúng tôi đã may mắn được nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Nhân giới thiệu và tìm gặp vị già làng Lơ ó Tằm. ông là một người Chăm H'Roi chính gốc. ông cũng là người nắm giữ những bí ẩn về các phong tục của người Chăm H'Roi và là người dành cả cuộc đời để khôi phục các giá trị văn hóa đó.
    Từ trung tâm TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chúng tôi vượt hơn 100km đường rừng để tìm tới làng Suối Mây (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). Tại đây, khi hỏi tới nhà của ông Lơ ó Tằm ai cũng biết. Đi theo sự chỉ dẫn của người dân bản xứ, vượt qua ba con núi trập trùng và băng qua một con suối, chúng tôi đến được nhà của ông Lơ ó Tằm. Đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn đậm chất văn hóa Chăm H'Roi, ông Lơ ó Tằm hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những phong tục, tập quán độc đáo của người Chăm H'Roi.
    Theo ông Lơ ó Tằm, người Chăm H'Roi là dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Vì thế, người con gái được phép "bắt chồng".  Người Chăm H'Roi gọi đây là nghi thức cúng Pơ Sốp (cúng cưới). Nghi thức này được xem là nghi thức quan trọng nhất trong lễ cưới của người Chăm H'Roi. Thanh niên nhà trai tổ chức giấu chú rể ở một nhà nào đó trong vùng để thanh niên nhà gái đi tìm. "Nhờ có thần linh mách nước chỉ đường", nhà gái tìm được chú rể, người em vợ cầm tay dắt anh rể lên nhà sàn làm lễ Pơ Sốp nghi thức này do những người mai mối nhà trai đảm nhiệm.
    Theo quy định, bên nhà trai phải dẫn đủ chín người còn nhà gái thì dẫn đủ bảy người. Khi đoàn nhà gái tới, nhà trai phải đứng chờ sẵn với những cồng chiêng, múa xoang dưới sân để chúc mừng lễ cưới. Các cô gái của nhà trai sẽ phải mời rượu nhà gái cho tới khi khách không uống nữa mới thôi. Lúc này, hai vợ chồng ngồi bên nhau, có một ông No (người mai mối - PV) ngồi giữa ngăn cách, một ông No khác của nhà trai đến cầm tay hai vợ chồng áp vào nhau, tròng vào tay cô dâu chiếc vòng sính lễ cầu hôn của chú rể và mang vào tay chú rể chiếc vòng đáp lễ ưng thuận của cô dâu.
    Sau khi cha mẹ nhà gái sang nhà trai thì gia đình nhà trai sẽ tiến hành các nghi lễ cúng mừng báo cho ông bà, thần linh là "con về nhà vợ", mừng cô dâu sang đón chồng. Trong không gian sinh hoạt chung của nhà sàn truyền thống, trai gái giao duyên với nhau. Theo hướng dẫn của người làm mai mối, gia đình nhà gái sẽ phải chuẩn bị rượu cần, làm thịt heo, đánh cồng chiêng lên mời bà con lối xóm đến để gia đình nhà gái thưa chuyện. Sau đó, cô gái sẽ nhờ người thân mang theo vòng đeo tay (coong) đến nhà chàng trai dạm hỏi. Nếu nhà trai đồng ý sẽ tiến hành nghi lễ cưới. Đặc biệt, trong mối giao tình, gia đình nhà trai nói chuyện thâm tình gửi gắm con cháu của họ cho nhà gái, nhờ nhà gái chăm sóc.
    Độc đáo tục
    Một đám cưới của người Chăm H'Roi.
    Ngày thứ tư mới được  "động phòng hoa chúc"
    Sau lễ cưới, thanh niên nam nữ hai họ trai và gái đánh trống, cồng chiêng vui chơi  thâu đêm. Cô dâu và chú rể cũng phải thức để tiếp chuyện mọi người. Cho đến sáng hôm sau, hai họ và con cháu vẫn uống rượu ca hát vui vẻ suốt cả ngày. Đến khoảng chiều tối, họ nhà gái mới chào họ nhà trai để về. Lúc này, em của cô dâu sẽ lấy khăn cột vào tay anh rể và dắt đi. Trước khi được dẫn về nhà gái, chú rể sẽ được dắt ra chạm vào nồi cơm của cha mẹ ruột ba lần, dắt đi vòng quanh nhà ba lượt sau đó chú rể được dắt về nhà cô dâu. Khi dắt về, người nhà của cô dâu phải dắt chú rể đi được trên 100m mới được tháo khăn ra.
    Trong lễ cưới của người Chăm H'Roi, lễ vật cưới hỏi mà nhà gái mang đến nhà trai là khá nhiều. Không chỉ có bò, heo mà còn nhiều vật phẩm khác dành để biếu gia đình bên chồng. Đây có thể xem là trở ngại thách cưới. "Giờ đây do ảnh hưởng của phim ảnh trên ti vi, trai gái tự do tìm hiểu nhau, bình đẳng trong quan hệ nhiều hơn trước. Lắm khi, chúng nó ưng bụng thì cha mẹ cũng phải chiều theo ý con. Nếu gia cảnh không cho phép, thì các thủ tục thách cưới có thể giảm bớt. Cái hay là trai gái yêu nhau không bị chia cách bởi sự giàu nghèo, phù hợp với xã hội hiện đại. Nhưng cái buồn là bản sắc văn hóa của nghi lễ cưới hỏi của người Chăm H'Roi lại nhạt dần theo thời gian", ông Lơ ó Tằm cho biết.
    Độc đáo tục
    Ông Lơ ó Tằm kể lại cho chúng tôi nghe về những phong tục của người Chăm H'Roi.
    Cô dâu và chú rể sẽ không được "động phòng hoa chúc" ngay trong đêm tân hôn mà phải về nhà gái theo đúng phong tục người Chăm H'Roi. Trước khi đón chú rể về, nhà gái phải làm lễ khấn thần linh, khấn tổ tiên và bưng khay trầu rượu đi ra cổng đến nơi hẹn ở giữa đường để đón chú rể. Nếu không có lễ này, chú rể sẽ bị xem là "đi không ai đón, về không ai mời".
    Sau đó, cả cô dâu và chú rể sẽ trải qua những nghi thức bắt buộc của người Chăm H'Roi xem như một lời chúc tốt đẹp cho đôi vợ chồng trẻ. Đến khi khách lần lượt ra về, cả cô dâu và chú rể vẫn phải thực hiện một số nghi thức khác. Lúc này, sẽ có một mâm cơm dọn lên để đôi vợ chồng mới dùng. Họ chỉ được ngồi trò chuyện, ăn uống cùng nhau. Xung quanh đó, các mâm lễ vật, chiếu ngồi và lá bùa yểm dưới gối cũng phải được nằm nguyên ở vị trí cũ. Lúc này, những người thân trong nhà sẽ vào tặng quà cho cô dâu, chú rể. Trong ngày cưới, họ nhà trai không phải trao quà cho nhà gái như người Kinh. Khi nhận quà, cô dâu, chú rễ sẽ rót rượu mừng cho những người thân trong nhà.
    Đến khi mọi người về hết, cô dâu chú rể trở lại phòng và thực hiện nghi lễ cuối cùng của người Chăm H'Roi trước khi chính thức làm vợ chồng. Mọi vật trong phòng giữ nguyên, cô dâu và chú rể phải ngồi đúng vị trí cũ của mình. Trước đó, do đã được dặn dò, nên họ biết phải làm gì và không được làm gì. Thế nên họ chỉ nằm bên nhau mà không được đi quá giới hạn. Cứ như thế, sau ba ngày họ mới chính thức trở thành vợ chồng.
    Theo những người Chăm H'Roi lớn tuổi, sở dĩ có phong tục này là bởi ngày xưa, cha mẹ là người quyết định hôn nhân. Nhiều cặp đôi thậm chí chưa từng nói chuyện, quen biết nhau nên còn e dè, ngại ngùng cho nên thời gian ấy để họ quen biết và thân mật với nhau hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho biết phải nghỉ ngơi ba ngày để giữ gìn sức khỏe, bởi lẽ, nhiều nghi thức khiến cô dâu chú rể mệt mỏi, khoảng thời gian nghỉ ngơi này giúp họ thư thái tận hưởng đêm tân hôn.
    Đến ngày thứ tư, sau khi vượt qua hết các quy định, cô dâu chú rể sẽ được người mai mối đến làm lễ động phòng. Lễ này cũng khá đặc biệt, mâm lễ gồm có bốn miếng trầu têm, bốn ly rượu. Sau khi khấn vái xong, người mai mối sẽ gỡ tất cả các bùa phép đã yểm trước đó. Những lá bùa từ gối, tóc cô dâu, vách tường được nhẹ nhàng lấy xuống. Sau đó, ông trải chiếu cho đúng chiều rồi mọi người uống ly rượu mừng cho cô dâu chú rể. Trước khi ra về, người mai mối sẽ dặn dò đôi vợ chồng mới những kiến thức trước khi động phòng, họ cũng không quên dặn những cách khắc phục sự cố để hai vợ chồng thêm phần trọn vẹn trong ngày cưới.                                            

    Phải có nghĩa vụ với nhau

    Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Nhân cho biết, sau khi chính thức hợp thức hóa, đôi vợ chồng mới phải có trách nhiệm và nghĩa vụ sống với nhau suốt đời. Tuy nhiên, ngày nay, các đôi vợ chồng mới này còn phải ra chính quyền địa phương đăng ký kết hôn. Nếu có ly dị thì chủ yếu là do thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, người con trai phải ra đi với hai bàn tay trắng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-tuc-bat-chong-va-dam-cuoi-khong-dem-tan-hon-a40093.html
     Dính vòng lao lý vì... tập tục

    Dính vòng lao lý vì... tập tục "bắt vợ"

    Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà Đậu đã yêu một cháu gái mới 14 tuổi rồi đưa về làm vợ theo tục “bắt vợ” của người Mông mà không biết mình phạm tội.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
     Dính vòng lao lý vì... tập tục

    Dính vòng lao lý vì... tập tục "bắt vợ"

    Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà Đậu đã yêu một cháu gái mới 14 tuổi rồi đưa về làm vợ theo tục “bắt vợ” của người Mông mà không biết mình phạm tội.