+Aa-
    Zalo

    Độc đáo Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru – Vân Kiều

    (ĐS&PL) - Lễ hội Mừng cơm mới là nghi lễ được tiến hành khi kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới. Người Bru – Vân Kiều cúng tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho họ có một vụ mùa tươi tốt, đồng thời cầu xin thần lúa và các vị thần sông, thần núi cho họ mùa lúa mới “mưa thuận gió hòa”.

    Lễ hội của cộng đồng

    Người Bru - Vân Kiều cư trú ở xã miền núi phía tây Quảng Bình. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân nơi đây vẫn gìn giữ được các nét sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng đặc sắc của mình, trong đó có Lễ hội Mừng cơm mới. Trong đời sống thường ngày, người Bru Vân Kiều định ra các ngày và tên ngày tháng qua quan sát sự chuyển dịch của mặt Trăng, đồng thời họ cũng quan niệm có những ngày tốt (ngày mồng 4,7 và 9), những ngày xấu (30 và mồng 1). Mỗi năm, lịch nông nghiệp của người Bru - Vân Kiều gồm 10 tháng, thời gian trồng trọt thường bắt đầu vào tháng 5 (Rool) kéo dài đến thời gian trăng mọc (Ca xơ lây) của tháng 6. Đến tháng 10 lúa chín, người Bru Vân Kiều tổ chức thu hoạch.

    Cây lúa được xem là loại lương thực quý, nên người Bru – Vân Kiều có những quy định rất “ngặt nghèo” trong những ngày cho thu hoạch. Đặc biệt, ngày đầu thu hoạch, họ không cho người lạ mặt vào bản, rẫy. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 11. Sang tháng 12 là lúc nghỉ ngơi. Trong truyền thuyết thần lúa tượng trưng hình trái bầu, không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lụt lớn mà còn mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc họ. Bởi vậy người Bru - Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, Lễ Mừng cơm mới.

    anh 01
    Các già làng, trưởng bản làm Lễ Mừng cơm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

    Cứ 3 đến 5 năm một lần, vào ngày trung tuần của tháng 12 Âm lịch, người Bru – Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, lại rộn ràng tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới. Người Vân Kiều gọi là tư ka bôn. Đây là nghi lễ được tiến hành khi kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới. Họ cúng tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho họ có một vụ mùa tốt, đồng thời cầu xin thần lúa, và các vị thần sông, thần núi cho họ mùa lúa mới mưa thuận gió hòa. Đồng bào Vân Kiều có câu tục ngữ: "Ca xay oong, ta oong ngoai cha" (Nghĩa là tháng Chạp là tháng ăn chơi). Tháng 12 thường là tháng nghỉ ngơi sau một kỳ thu hoạch, là lúc đồng bào thăm viếng, sinh hoạt cộng đồng với các lễ hội và sau đó dồn công sức cho vụ mùa sau.

    Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Bru - Vân Kiều do bà con tự đóng góp lại. Lễ hội thường được tổ chức theo nhóm, hay từng dòng họ. Mỗi dòng họ đóng góp theo suất của từng hộ gia đình... Các suất được quy định như 1 con lợn, 7 con gà, 1 ché rượu và chung tiền để mua 1 con trâu tổ chức đâm trâu. Trâu là con vật hiến sinh mang ý nghĩa thiêng liêng, là nguồn thực phẩm dồi dào được đồng bào ưa chuộng, là món ăn chính trong ngày hội.

    "Ăn trâu" để tạ ơn thần linh

    Trong Lễ Mừng lúa mới, đồng bào tổ chức đâm trâu hay còn gọi "ăn trâu". Đây là một nghi lễ cổ xưa nhất, xuất phát từ tín ngưỡng nguyên thủy vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều. "Ăn trâu" để tạ ơn thần linh, cầu cho thóc lúa đầy kho, dân làng khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, mưa thuận gió hòa. Đây cũng là dịp để đồng bào vui chơi, nghỉ ngơi, chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới.

    Trước khi vào lễ, đồng bào chuẩn bị dựng cột nêu trang trí hình cây lúa, có buộc túm lúa sai hạt vào cột, trên cột có trang trí hình học đơn giản, hình chim muông, mặt Trăng, mặt Trời, với các đường nét đơn giản nhưng thanh thoát. Thường thì đồng bào chỉ dùng 2 màu đen đỏ để trang trí. Cột nêu này để buộc trâu và tổ chức đâm trâu. Dân làng đứng xung quanh thành vòng tròn đi lại đánh chiêng, fèng la và hát vang dội núi rừng.

    Mục đích là để tế thần lúa (a bôn) và cám ơn các vị thần linh đã cho dân làng một mùa màng bội thu. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để cầu phúc, cầu sức khỏe cho dân làng được an bình, hạnh phúc. Lễ được kéo dài 2 ngày 1 đêm. Trong niềm vui hân hoan, anh Hồ San, trú xã Ngân Thủy, chia sẻ: “Lễ hội Mừng lúa mới được coi là cái Tết của người Bru - Vân Kiều. Trong dịp này, người dân chọn ra những loại gạo nếp mới ngon nhất để nấu xôi, thịt gà lợn, thịt trâu bày mâm cỗ sau khi đâm trâu để vui lễ”.

    anh 02
    Người dân cùng khách mời tham dự Lễ hội Mừng cơm mới cùng đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Ngân Thuỷ.

    Sau nghi thức Lễ, các cụ già uống rượu và hát các làn điệu dân ca o oát, sa nớt, hát chà chấp. Một số đánh chiêng, thổi khèn, thổi sáo, kèn pi, sáo khsui, kèn amam, ta riêm, đàn achung, pư kua... Lời hát là các làn điệu dân ca truyền thống cầu chúc cho cuộc sống an bình, ấm yên. Trong lễ hội các món ăn truyền thống được đồng bào chế biến như canh cải, cháo ra vẻ, mắm a tăn làm từ thịt con vượn, ngoài ra còn có chuối, mía do đồng bào trồng và làm bánh bằng bột nếp và vừng đen giã nhuyễn gói lại như bánh tét.

    Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy, cho biết, Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở địa phương được tổ chức nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của người dân. Qua đó, góp phần giúp người dân tại các bản làng ở xã Ngân Thủy có thể làm du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch văn hóa cộng đồng lấy giá trị văn hóa của người Bru - Vân Kiều làm trọng tâm để kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Lệ Thủy.

    Mới đây, Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hoá-Thể thao tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Lệ Thuỷ tổ chức buổi trưng bày và thực hành trình diễn Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thuỷ thuộc mô hình kết nối di sản văn hoá phi vật thể (VHPVT) "Lễ hội mừng cơm mới/lúa mới của người Bru-Vân Kiều" trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình, Quảng Trị. Việc lựa chọn Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thuỷ là một điểm để kết nối với di sản tương đồng của người Bru-Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị thể hiện sự quan tâm của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Cục Di sản Văn hóa và các cơ quan, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Đây cũng là dịp để đồng bào giao lưu, quảng bá sản phẩm văn hoá cộng đồng ra bên ngoài.

    Ngô Huyền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-le-hoi-mung-com-moi-cua-nguoi-bru-van-kieu-a563039.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Người S'tiêng và nét văn hóa linh thiêng đến từ âm điệu

    Người S'tiêng và nét văn hóa linh thiêng đến từ âm điệu

    Mỗi dân tộc lại có những điểm đặc sắc riêng trong nét văn hóa của mình. Đối với người S'tiêng, Tây Nguyên, âm điệu của tiếng cồng, chiêng là điều linh thiêng, quý báu vì giai âm này kết nối họ với thần linh, trời đất. Cồng, chiêng còn trở thành biểu tượng của vị trí cao quý trong cộng đồng dân tộc này.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Người S'tiêng và nét văn hóa linh thiêng đến từ âm điệu

    Người S'tiêng và nét văn hóa linh thiêng đến từ âm điệu

    Mỗi dân tộc lại có những điểm đặc sắc riêng trong nét văn hóa của mình. Đối với người S'tiêng, Tây Nguyên, âm điệu của tiếng cồng, chiêng là điều linh thiêng, quý báu vì giai âm này kết nối họ với thần linh, trời đất. Cồng, chiêng còn trở thành biểu tượng của vị trí cao quý trong cộng đồng dân tộc này.

    Huyện Yên Lập, Phú Thọ: Giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

    Huyện Yên Lập, Phú Thọ: Giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

    Yên lập - Phú Thọ là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường, Dao, Mông và Cao Lan (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay) sống chủ yếu. Những năm qua, Yên Lập đã có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau.