Là một tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, Bình Phước có diện tích tự nhiên khoảng 7 triệu km2, dân số gần 1 triệu người gồm có 40 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 20,14% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người dân tộc S’tiêng có khoảng 100.000 người. Đồng bào S’tiêng Bình Phước được xem là người dân tộc bản địa, sống lâu đời tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long. Đến với mỗi buôn làng của người S’tiêng tại các huyện Bù Gia Mập hay Bù Đăng chúng ta có thể tìm hiểu nhiều nét văn hóa độc đáo trong cách ăn, mặc, ở và đặc biệt là mối quan hệ gia đình làng xã.
Đồng bào S’tiêng ở đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và sử dụng sắc thái văn hóa truyền thống, qua làn điệu dân ca, điệu nhạc cồng chiêng làm nền tảng sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần. Có thể nói, nhịp chày giã gạo của đồng bào S’tiêng cùng với âm thanh trầm bổng của tiếng nhạc từ cồng chiêng là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào S’tiêng. Cồng chiêng trong đời sống các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người S’tiêng nói riêng có một ý nghĩa lớn lao, trở thành biểu tượng văn hóa tộc người.
Không có lời ca, nhưng với người S’tiêng tiếng khèn, tiếng chiêng đã gợi nên một bức tranh quê hương rất sống động. Theo tài liệu tham khảo, người S’tiêng có hai nhóm chính là S’tiêng Bù Lơ (sinh sống ở vùng cao) và S’tiêng Bù Đế (sống ở đồng bằng hoặc vùng trung du). Bộ cồng chiêng của hai nhóm người S’tiêng đều là một bộ cồng (có núm ở giữa) gồm 5 chiếc và một bộ chiêng gồm 6 chiếc, những chiếc cồng hoặc chiêng trong một bộ có nhiều cỡ, đường kính từ 20-60cm, loại cực đại có thể lên tới 120cm và tạo ra âm thanh, âm điệu khác nhau.
Đến với thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, chúng tôi được gặp già làng Điểu Đố, già khoe với chúng tôi Dân tộc S’tiêng có rất nhiều loại nhạc cụ truyền thốn như: Trống, đàn bầu, sáo…, nhưng cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu và linh thiêng nhất. Gia đình dòng họ nào có nhiều bộ chiêng quý không chỉ thể hiện sự giàu có, mà còn thể hiện sức mạnh vị trí cao quý trong cộng đồng. Do giá trị của cồng, chiêng quá đắt và quý nên người S’tiêng không tùy tiện mượn cồng, chiêng của người khác để sử dụng.
Âm thanh của Cồng, Chiêng như sự báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của chủ nhà, đối với trời đất cộng đồng vì thế người S’tiêng không lấy Cồng Chiêng ra đánh một cách tùy tiện. Từ quan niệm vạn vật hữu linh người S’tiêng cho rằng Cồng Chiêng cũng có thần linh, nên đây cũng là lý do không phải Cồng, Chiêng lúc nào cũng đánh được nếu không có sự kiện lớn và các sự kiện đó phải có rượu cần, thịt để cúng tế thần linh.
Để tỏ lòng tôn kính thần linh, người S’tiêng tổ chức một nghi lễ cúng trước khi mang Cồng, Chiêng sử dụng, lễ cúng lớn nhỏ, tùy theo mức độ của Lễ Hội và khả năng, điều kiện tài chính của chủ sở hữu mà lễ cúng phức tạp hay đơn giản, lớn hay nhỏ, lễ cúng này cũng có thể bắt đầu cho một nghi lễ mới như, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ quay đầu Trâu, thì người S’tiêng thực hiện trước khi vào lễ chính. Một lễ cúng đơn giản bao gồm, 1 con gà, 1 chai rượu, gạo muối.
Hôm nay là lễ hạ Chiêng của già làng Điểu Đố tại ấp Ủ Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, đầu lễ ông đã dùng rượu và gà để làm vật phẩm tế thần, và thực hiện nhiều nghi thức cổ xưa khá cầu kỳ trước khi hạ Chiêng. Già Làng kết thúc nghi lễ bằng việc ngồi lau cẩn thận từng chiếc Chiêng, ông lau xong rồi gõ như thử tiếng của từng chiếc, nắm tay cẩn trọng gõ nhẹ vào từng chiếc và lắng nghe. Lễ hạ Chiêng kết thúc khi tất cả những người trong nhà lần lượt chung uống một chén rượu cần do chính ‘’Già làng’’ rót mời. và lúc này âm thanh của Cồng, Chiêng vang lên bắt đầu hòa nhịp theo từng điệu múa, động tác của người nghệ nhân.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, cồng chiêng của Bình Phước là một bộ phận trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong nhiều năm qua, những người làm văn hóa ở Bình Phước đã khuyến khích các hoạt động văn hóa có sử dụng cồng chiêng; đồng thời, duy trì tổ chức các liên hoan cồng chiêng thường niên ở cấp xã, huyện và tỉnh.
Hiện hầu hết các thôn, sóc người S’tiêng trên địa bàn Bình Phước đều có các đội cồng chiêng phục vụ đồng bào sinh hoạt cộng đồng. Thông qua các hoạt động, Sở huy động các đội cồng chiêng, các nghệ nhân người S’tiêng tham gia nhằm truyền cảm hứng và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cồng chiêng. Bên cạnh đó, tại các trường dân tộc nội trú cũng được khuyến khích đưa môn cồng chiêng vào truyền dạy cho các bậc học sinh người đồng bào dân tộc S’tiêng.
Tiếng Cồng, Chiêng liên tục vang lên không dứt như thúc dục các đôi chân nhún nhảy, cùng nhau mời gọi những người trong gia đình, thôn bản, bước vào hội vui, cùng đoàn kết, thân ái, chung sống yêu thương. Từ bao đời nay, cồng chiêng là niềm tự hào, gắn bó mật thiết trong đời sống cộng đồng, nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng nói chung và Bình Phước nói riêng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng luôn được các cấp, ngành tại địa phương này rất quan tâm, chú trọng. Các già làng tại các thôn, sóc vẫn âm thầm “giữ và truyền lửa”. Qua đó, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của người S’tiêng trên đất Bình Phước.