+Aa-
    Zalo

    Doanh nhân và Ngày Doanh nhân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chúc mừng Doanh nhân vào Ngày Doanh nhân Việt Nam, là bày tỏ tình cảm yêu mến và lòng biết ơn, thể hiện sự kỳ vọng vào đội ngũ tinh hoa này.

    Chúc mừng Doanh nhân vào Ngày Doanh nhân Việt Nam, là bày tỏ tình cảm yêu mến và lòng biết ơn! Chúc mừng Doanh nhân cũng là thêm một dịp thể hiện sự kỳ vọng vào đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung!

    Bắt đầu từ 2004, ngày 13/10 hàng năm được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, theo quyết định số 990/QĐ-TTG, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành ngày 20/9/2004. Quyết định chọn ngày 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ là theo đề nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính quyền nhân dân non trẻ được hình thành. Trong một bối cảnh cực kỳ ngặt nghèo, thù trong giặc ngoài, đất nước kiệt quệ vì nạn đói khủng khiếp, ngân khố thì trống rỗng… Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã ngay lập tức đặt niềm tin vào giới tư sản yêu nước và họ đã hết lòng ủng hộ. Bản Tuyên ngôn Độc lập được khởi thảo ngay trên bàn của một nhà tư sản tại con phố buôn bán lớn nhất ở Hà Nội. Chưa đầy nửa tháng sau, với sự hằng tâm hằng sản của biết bao nhiêu người có công có của, Ngày Quốc khánh 2/9/1945, ra mắt Chính phủ, tuyên bố Việt Nam độc lập và tự do, đã được tổ chức trọng thể. Cuồn cuộn những dòng người, vang động những thanh âm “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”…

    Bác Hồ với giới công thương năm 1946.

    Cũng chưa đầy nửa tháng sau, “Tuần lễ Vàng”, biểu tượng của giới công thương và các nhà tư sản thiết thực ủng hộ nước nhà độc lập, để kêu gọi mọi người dân hiến góp vàng bạc và của cải cho Chính phủ tổ chức kiến quốc, đã lên thành cao trào. Ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng giữa một tập hợp thật xum vầy các đại diện của giới công thương tại cuộc gặp gỡ ở Bắc Bộ phủ. Một tấm ảnh đen trắng đã ghi lại, giờ thành lịch sử!

    Ngày 13/10/1945, Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Một bức thư chỉ với hơn 200 chữ, nhưng có ý nghĩa như một văn bản kinh tế riêng biệt đầu tiên của Chính phủ giữa bộn bề đại sự lớn lao. Đó là một văn bản mang tính chất hiệu triệu. Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công – thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người phân tích: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Người gửi gắm niềm tin vào các nhà công nghiệp và thương nghiệp hãy mau mau “cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

    59 năm sau bức thư của “Thuở ban đầu dân quốc ấy”, ngày 13/10 trên tiêu đề bức thư lịch sử này, được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

    Một sự lựa chọn rất đỗi tự hào và nhiều ý nghĩa.

    Doanh nhân Việt Nam, từ xa xưa, đến cận đại và thời đại hiện nay, đã dần dần khẳng định vị trí và đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Họ, cũng như những người nông dân, công nhân, trí thức, đã vượt qua biết bao nhiêu nhọc nhằn, lấm láp, có lúc nhục, có khi vinh, trong những biến cải thăng trầm dâu bể của nước non.

    Những người làm giàu cho mình, cho xã hội, từ chưa có tên gọi trong từ điển, phải gọi bằng những cái tên có phần coi nhẹ hoặc trung tính, vì nhiều căn nguyên nhận thức, khúc nhôi lịch sử, từ sau công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay, đã trang trọng được định danh là Doanh nhân. Từ Doanh nhân đã đi vào trong Nghị quyết của Đại hội Đảng, đi vào trong Hiến pháp.

    Thủ tướng với các nữ doanh nhân tại sự kiện Đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân ngày 30/9/2017.

    Nhà nước đã có đạo luật riêng là Luật Doanh nghiệp, điều chỉnh và bảo hộ cho hoạt động của Doanh nhân. Đảng ta đã có nghị quyết riêng về Doanh nhân là Nghị quyết 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế (2011). Mới đây nhất, vào tháng 6/2017, hai nghị quyết của Trung ương đã được ban hành: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đảng, Nhà nước và nhân dân càng ngày càng nêu cao vai trò và động lực của Doanh nhân trong sự nghiệp chung vì dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội.

    Doanh nhân là một danh từ cao quý mà xã hội dùng để gọi những con người có khát vọng và ý chí, biết vượt lên để làm giàu.

    Doanh nhân ngày nay, đã được yêu mến và kính trọng như là những con người tinh hoa và có công trạng lớn đối với đất nước.

    Doanh nhân đã trở thành một trong những hình mẫu đẹp của giấc mơ nhiều em bé đang ngồi trên ghế trường phổ thông. Doanh nhân đã là lựa chọn trong khởi đầu hành trình lập thân lập nghiệp của nhiều người trẻ tuổi hiện nay.

    Chúc mừng Doanh nhân vào Ngày Doanh nhân Việt Nam, là bày tỏ tình cảm yêu mến và lòng biết ơn! Chúc mừng Doanh nhân cũng là thêm một dịp thể hiện sự kỳ vọng vào đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung, đưa đất nước tiến mạnh mẽ về phía phồn vinh và thịnh vượng!

    Nguồn: Nhà đầu tư

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nhan-va-ngay-doanh-nhan-a205096.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan