+Aa-
    Zalo

    Doanh nghiệp lữ hành quốc tế vật lộn vượt "bão" COVID-19: Sớm thích nghi để "chung sống an toàn với dịch"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hơn một năm qua, do tác động rộng lớn từ dịch COVID-19 mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.

    Theo thống kê của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ước tính thiệt hại của ngành du lịch trong năm 2020 là hơn 20 tỷ USD, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

    Trước tình trạng khó khăn trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động. Tuy nhiên, là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn khi diễn biến của dịch bệnh tiếp tục phức tạp.

    doanh nghiep lu hanh quoc te lao dao giua bao covid 19 01
    Bãi biển Nha Trang ảm đạm, đìu hiu do ảnh hưởng của COVID-19.

    Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, chị Trần Cẩm Lệ, chủ của một công ty du lịch chuyên phục vụ khách quốc tế ở Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết, không riêng gì công ty của chị mà các doanh nghiệp lữ hành ở địa phương hay nhiều tỉnh thành khác trên cả nước có lẽ đều rơi vào tình cảnh éo le khi đại dịch bùng phát.

    “Mọi nguồn thu dừng đột ngột nên chủ doanh nghiệp phải tự xoay sở, đương đầu với khó khăn. Mới đầu chỉ nghĩ là dịch vài tháng thôi, ai cũng cố duy trì đội ngũ nhân viên rồi xe cộ nhưng 1 năm rồi sắp 2 năm, nhiều doanh nghiệp không còn thể gồng gánh nổi và đã phải bán tháo tài sản để trả nợ ngân hàng”, chị Lệ cho hay.

    Đồng quan điểm, anh Hoàng Xuân Phong, Giám đốc công ty SMI Travel, cho biết khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên thế giới vào cuối năm 2019 đầu 2020, ngành du lịch đã được dự báo về sự hạn chế của du khách quốc tế ở nhiều thị trường tới Việt Nam. Tuy nhiên đến cuối quý 1 năm 2020 thì tình hình đã trở nên nghiêm trọng ngoài dự tính khi số ca nhiễm toàn cầu tăng vọt khiến chính phủ các nước áp đặt nhiều biện pháp hạn chế ngặt nghèo, như ngừng cấp visa du lịch hoặc yêu cầu cách ly khiến số lượng khách sụt giảm liên tục.

    “Với thị trường chính của công ty chúng tôi là du khách từ Nhật Bản, cùng việc tạm dừng đón khách du lịch quốc tế của nước ta để đối phó với dịch bệnh, kể từ đó tới thời điểm này, du khách Nhật Bản qua công ty chúng tôi với mục đích du lịch gần như là con số 0. Tình trạng như vậy cứ tiếp tục đến hiện này và chắc chắn sẽ còn kéo dài cho tới khi nhà nước cho phép mở cửa trở lại”, anh Phong chia sẻ.

    Khách du lịch nước ngoài không thể nhập cảnh thì đương nhiên doanh thu của các công ty lữ hành quốc tế tại Việt Nam cũng bằng 0. Để có thể trụ vững qua đại dịch, công ty chị Lệ phải dần chuyển sang tìm hiểu thêm về ngành lữ hành nội địa để kiếm việc cho nhân viên làm và hi vọng xoay sở được thêm chút chi phí duy trì khả năng hđ của công ty.

    Bên cạnh đó, chị Lệ cho biết dù rất buồn nhưng công ty vẫn phải cắt giảm bớt nhân viên và chỉ có thể duy trì mức tối thiểu để không bị lún quá nhanh vào cơn khủng hoảng, đồng thời tìm mọi cách để có thể xin hỗ trợ từ các đơn vị ngân hàng như giảm lãi suất.

    “Thực tế tại Nha Trang hiện nay, các công ty du lịch chỉ còn thoi thóp để đợi được đón khách trở lại”, chị Lệ chia sẻ.

    Cùng cảnh ngộ, số lượng nhân viên tại công ty SMI Travel của anh Phong cũng đã giảm tới 80% so với trước khi có dịch. Bên cạnh việc chuyển hướng khai thác thêm vào nguồn khách nội địa, công ty anh Phong cũng đã thực hiện thêm nhiều biện pháp khác nhau nhằm thích nghi với điều kiện khó khăn của thị trường và tạo thêm doanh thu để duy trì sự tồn tại của công ty ở mức độ tối thiểu.

    “Về thị trường nước ngoài, chúng tôi tiếp tục làm dịch vụ cho các nhân viên, gia đình của các chuyên gia đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam du lịch trong nước, vào các thời điểm hiếm hoi du lịch nội địa được mở cửa. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung thực hiện các dịch vụ nhập cảnh cho các chuyên gia và lao động có tay nghề cao vào Việt Nam theo quy định của chính phủ.

    Ngoài ra chúng tôi cũng cố gắng tạo thêm doanh thu qua việc nhập khẩu hàng hóa đặc trưng từ Nhật Bản về tiêu thụ tại thị trường trong. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội kinh doanh khác trong thời gian chờ đợi sự hồi phục của thị trường du lịch quốc tế”, anh Phong cho hay.

    doanh nghiep lu hanh quoc te lao dao giua bao covid 19 02
    Đội hướng dẫn viên du lịch của công ty SMI Travel trong một sự kiện trước khi bùng phát dịch COVID-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Trước thực tế khó khăn, mô hình “bong bóng du lịch” bỗng nổi lên như một chiếc phao cứu sinh có thể đưa ngành du lịch thoát khỏi cơn khủng hoảng.

    “Bong bóng du lịch” được định nghĩa là “hành lang du lịch an toàn” thời COVID-19, là một thỏa thuận giữa các quốc gia hoặc địa phương cho phép du khách đáp ứng đủ các điều kiện quy định được tham quan, đi lại tự do không phải cách ly khi nhập cảnh.

    Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo nghiên cứu thí điểm đón du khách đến Phú Quốc trong tháng 10/2021, hướng tới mục tiêu tiếp đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách du lịch cuối năm. Một số địa phương nổi tiếng với ngành du lịch như ở Vũng Tàu, Khánh Hòaa cũng đã có đề xuất được thí điểm mô hình này.

    "Theo tôi, hiện nay với những địa phương đã khống chế đc dịch và hoàn thành chương trình tiêm chủng thì hoàn toàn có thể đón khách trở lại theo phương án ‘du lịch bong bóng'. Tôi cho rằng chúng ta khó có thể loại bỏ hoàn toàn virus mà chỉ có thể sống chung với nó cũng như đã sống chung với các loại virus cúm khác.

    Khánh Hoà cũng đã phê duyệt phương án đón khách theo mô hình “du lịch bong bóng” ở Cam Ranh trước rồi dần mở rộng vào thành phố. Hy vọng mọi việc sẽ khả quan để anh em trong ngành có cơ hội trở lại nghề!", chị Lệ cho hay.

    Cùng quan điểm ủng hộ mô hình “du lịch bong bóng”, anh Phong cho rằng đây là tin tốt cho ngành du lịch và là những bước đầu tiên để khởi động lại cho ngành công nghiệp không khói này.

    "Tôi nghĩ rằng với các tiêu chí cụ thể với các điều kiện nhất định cho việc thí điểm đón khách, thì đây sẽ không phải là bước đi mạo hiểm mà nó sẽ giống như một hình mẫu để nhiều đơn vị và địa phương khác trên cả nước học tập và áp dụng cho địa phương mình khôi phục lại ngành du lịch sau đại dịch”, anh Phong nói, đồng thời dẫn chứng rằng một số các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hiện đang áp dụng các sáng kiến du lịch, trong đó có 'du lịch bong bóng' như ở Malaysia, Singapore hay Thái Lan.

    "Tôi cho rằng mỗi quốc gia đều có những nền tảng điều kiện xã hội đặc thù nên việc áp dụng bong bóng cần phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện hạ tầng xã hội của từng quốc gia. Vấn đề mấu chốt hàng đầu vẫn là việc phủ rộng tiêm vaccine 2 mũi cho người dân tại những điểm đến trong chương trình thí điểm cũng như lực lượng tham gia trực tiếp vào hoạt động dịch vụ .

    Đây là một trong những điều kiện bắt buộc để đảm bảo sự thành công của việc thí điểm giúp ngành du lịch nhanh chóng thích nghi với phương châm của Chính phủ là 'chung sống an toàn với dịch'", anh Phong nhấn mạnh.

    Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

    Hoa Vũ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-lu-hanh-quoc-te-vat-lon-vuot-bao-covid-19-som-thich-nghi-de-chung-song-an-toan-voi-dich-a516885.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đà Nẵng - Quảng Nam: Sẵn sàng đón khách, kỳ vọng phục hồi du lịch

    Đà Nẵng - Quảng Nam: Sẵn sàng đón khách, kỳ vọng phục hồi du lịch

    Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 dần được kiểm soát và “hộ chiếu vắc xin” được phủ trên diện rộng, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng các phương án mở cửa đón khách du lịch vào cuối năm 2021 với kỳ vọng mang đến sự phục hồi kinh tế cho khu vực trọng điểm miền Trung.

    CEO Trung Nguyễn: Người chuyển đổi số ngành du lịch ngay giữa mùa dịch

    CEO Trung Nguyễn: Người chuyển đổi số ngành du lịch ngay giữa mùa dịch

    Du lịch Việt Nam được Nhà nước xem là một ngành kinh tế mũi nhọn vì cho rằng đất nước ta có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Năm 2019, du lịch Việt Nam nhận giải thưởng điểm đến di sản hàng đầu thế giới do World Travel Awards trao tặng, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới do World Golf Awards trao tặng.