Các chỉ số tăng dần đều nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch
Chỉ tính riêng trong quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 161,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4%. Các chỉ số tăng trưởng này phần lớn nhờ vào hoạt động du lịch được Nhà nước kích cầu, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi sau khi “cơn bão” Covid-19 đi qua. Bởi vậy, không có gì lạ khi doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8% - tức là gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước (Tổng cục Thống kê ghi nhận).
Thói quen và hành vi của người dân đã thay đổi rất nhiều sau gần 2 năm “đóng băng”, từ đó cũng mở ra nhiều xu hướng du lịch mới: Xu hướng du lịch gần - các gói du lịch với mức giá phải chăng, do tiết kiệm được phần lớn chi phí di chuyển nhưng lại không kém phần hấp dẫn; Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe - một sự phối hợp nhịp nhàng giữa khám phá văn hóa truyền thống và trị liệu, chăm sóc sức khỏe, xua tan mệt mỏi sau một khoảng thời gian “gồng mình” với công việc và gia đình; Xu hướng du lịch sinh thái, trải nghiệm - hướng tới và giáo dục con người về bảo tồn thiên nhiên, di tích thắng cảnh nổi tiếng bao đời; và cuối cùng là Xu hướng du lịch gia đình – những chuyến đi mang tinh thần gắn kết, sum họp đầy cảm xúc giữa các thành viên, thế hệ.
Dường như tất cả mọi sự thay đổi đều đang “đổ dồn” sự thuận lợi về Đồ Sơn – nơi cách trung tâm TP Hải Phòng chỉ khoảng 20km và cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 1 giờ lái xe.
Đồ Sơn – đã từng ngủ quên trong hào quang
Tạo hóa đã quá ưu ái cho Đồ Sơn khi nơi đây hội tụ đầy đủ tất cả các lợi thế về thiên nhiên – địa hình và hạ tầng giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường thủy nội địa và quốc tế, đường sắt và đường hàng không. Nhưng Đồ Sơn lại “ngủ quên” trong vầng hào quang của chính mình. Đã từng đứng hạng Nhất, Nhì trong lòng người dân về du lịch biển những năm 90, nhưng 20 năm trôi qua, kể từ trước thời điểm đại dịch Covid bùng phát, trong khi nhiều tỉnh thành du lịch đã thay đổi đến chóng mặt, ví như Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, Đà Nẵng Phú Quốc, … còn mọi thứ ở Đồ Sơn thì… vẫn yên bình và nguyên sơ như vậy.
Ở Đồ Sơn, các cơ sở lưu trú vẫn nguyên vẹn như trong ký ức của 20 năm trước, vẫn là những kiến trúc khách sạn từ thời “ô kìa” với lớp sơn hoen ố, những nền gạch hoa lát sàn như thời bao cấp, những chiếc “ti-vi màu” rất có hơi hướng hoài cổ mà giới trẻ vẫn gọi là “vintage” được trang trí trong phòng nghỉ.
Covid đi qua, kéo về một “Đồ Sơn mới lạ”
Hơn 2 năm đại dịch Covid hoành hành cả thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng người ta cũng không khỏi bất ngờ khi thời điểm “cơn bão” Covid đi qua cũng là thời điểm xuất hiện của một “Đồ Sơn rất khác” với siêu quần thể du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao và vui chơi giải trí có quy mô 480ha được đầu tư và xây dựng hoàn toàn trên biển. Chỉ trong hơn 2 năm du lịch của cả thế giới đang “nằm yên” thì đó lại chính là quãng thời gian để Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng thi công thần tốc, làm sống dậy một Đồ Sơn mới, trở nên hưng thịnh và nhộn nhịp hơn bao giờ hết với bãi biển nhân tạo xanh trong, với khách sạn 5 sao sang – xịn – mịn, với công viên nước hấp dẫn, với sân golf đẳng cấp view 360 độ đang lần lượt ra mắt chào hè 2023, thu hút gần 300 nghìn lượt du khách về Đồ Sơn trong dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua. Đặc biệt, phân khu cửa ngõ Kim Long cũng đang tiến hành bàn giao cho các chủ nhân mới và sớm hiện thực hóa các mô hình kinh doanh tiềm năng.
Giờ đây khái niệm du lịch của người dân không chỉ là ăn rẻ - chơi bền mà là ăn ngon - chơi lạ - sống “ảo”, bởi trong thời kỳ kỷ nguyên số - mọi khoảnh khắc, mọi hoạt động đều được “khoe” trên các nền tảng mạng xã hội một cách rộng rãi. Du khách cần sự trải nghiệm và hưởng thụ, những nơi họ đặt chân đến, những nơi họ sử dụng dịch vụ đều phải khoác lên mình một chiếc áo đẹp, rực rỡ sắc màu mới lạ.
Ngọc Diệp
(Còn tiếp…)