+Aa-
    Zalo

    “Đo” năng lực học sinh để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chương trình đánh giá diện rộng quốc gia của học sinh cuối cấp cho thấy, học sinh nữ có kết quả học tập tốt hơn học sinh nam ở hầu hết các môn học, các khối lớp.

    Chương trình đánh giá diện rộng quốc gia của học sinh cuối cấp cho thấy, học sinh nữ có kết quả học tập tốt hơn học sinh nam ở hầu hết các môn học, các khối lớp.

    Đánh giá kết quả học tập cuối cấp - bước đệm quan trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

    Lực học của nữ nổi trội hơn nam

    Mới đây, tại Hà Nội, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị Tổng kết chương trình Đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 5, 9, 12 năm học 2019 - 2020. Đây là một trong những cấu phần của dự án RGEP tham mưu xây dựng chính sách để phát triển bền vững chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Chương trình được thực hiện trong hai năm. Trong đó, năm 2019 là xây dựng, thử nghiệm và chuẩn bị công cụ khảo sát, đánh giá diện rộng. Năm 2020 là giai đoạn bước vào thực hiện khảo sát chính thức; phân tích xử lý dữ liệu và báo cáo; khảo sát thử nghiệm ba môn lớp 12 và xây dựng ngân hàng câu hỏi bổ sung.

    Chương trình có mục tiêu chính là đánh giá, phát hiện khoảng cách giữa năng lực của học sinh đang học chương trình hiện hành so với chuẩn đầu ra mong đợi của chương trình giáo dục phổ thông mới, để có những giải pháp bổ sung, điều chỉnh, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho học sinh khi chuyển sang học chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là học sinh lớp 5 sẽ bắt đầu học vào năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 9 sẽ học từ năm học 2022 - 2023. Chương trình đồng thời nghiên cứu những yếu tố có ảnh hưởng kết quả học tập của học sinh, như: Hệ thống chính sách; các điều kiện giảng dạy - học tập...

    Cụ thể, nhằm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ GD&ĐT đã tổ chức đánh giá (chọn mẫu ngẫu nhiên) trên gần 57.000 học sinh của ba khối lớp 5, 9, 12; gần 51.000 phụ huynh học sinh; hơn 5.200 giáo viên, 1.029 Hiệu trưởng, của 1.029 trường tiểu học, THCS, THPT trên 63 tỉnh thành.

    Tại hội nghị Tổng kết chương trình Đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 5, 9, 12 năm học 2019 - 2020, ông Phạm Quốc Khánh - Cục phó cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT) - báo cáo, theo kết quả đánh giá đa số học sinh của chương trình hiện nay nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản và vận dụng vào giải quyết tình huống thực tiễn quen thuộc hoặc tương đối phức tạp.

    Học sinh nữ có kết quả học tập tốt hơn học sinh nam ở hầu hết các môn học, các khối lớp; mức độ đạt chuẩn yêu cầu của chương trình mới giữa học sinh các vùng miền có sự khác biệt...

    Để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình đánh giá khuyến nghị tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới, đổi mới hoạt động quản trị nhà trường. Việc nâng cấp hệ thống học liệu, cơ sở vật chất phục vụ dạy học cần được quan tâm đầu tư hơn, bên cạnh việc xây dựng và thực thi một số biện pháp gắn kết giữa cha mẹ học sinh với nhà trường trong hoạt động hỗ trợ giáo dục học sinh.

    Trao đổi về chương trình này, ông Nguyễn Hoàng Chương - Trưởng phòng Khảo thí (sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk) - cho biết: “Năm nay, tỉnh Đắk Lắk có 24 cơ sở giáo dục được lựa chọn ngẫu nhiên lấy kết quả đánh giá học sinh cuối cấp. Sở GD&ĐT tại các địa phương phối hợp cùng trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT), tập huấn cho các học viên và phổ biến, hướng dẫn đến các trường, chuyển dữ liệu lên trung tâm để chọn ngẫu nhiên, đánh giá kết quả”.

    Giá trị thực tiễn và tác động lớn

    Nhận xét về chương trình Đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 5, 9, 12, đại diện các sở GD&ĐT cho rằng, đây là hoạt động rất cần thiết, có giá trị thực tiễn và tác động lớn. Chương trình giúp “nhận diện” chính xác thực tế giáo dục của nhà trường, địa phương, quốc gia; biết được các học sinh lớp 5, lớp 9 cần bổ sung kiến thức như thế nào để có thể tiếp cận ngay với chương trình mới khi lên lớp 6, lớp 10.

    Trước đó, TS. Lê Thị Mỹ Hà - Giám đốc trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục – nhấn mạnh: “Đội ngũ giáo viên toàn quốc có trình độ khác nhau là đương nhiên. Các thầy cô ở thành phố sẽ có nhiều lợi thế, điều kiện tiếp xúc thông tin hơn các thầy cô ở vùng nông thôn, miền núi. Chính vì vậy khi tiếp xúc với một vấn đề mới, với những nền tảng khác nhau thì sự tiếp nhận và xử lý của các giáo viên cũng sẽ khác nhau.

    Mỗi chương trình tập huấn đều có những phương pháp, định hướng và mục tiêu, kết quả cụ thể. Với chương trình này, chúng tôi đặt ra mục tiêu rất rõ ràng để làm sao sau khi được bồi dưỡng, thực hành thì tất cả các giáo viên đều có những kiến thức lý luận và khả năng thực hành xây dựng câu hỏi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, chất lượng câu hỏi như thế nào cũng phụ thuộc từng giáo viên cụ thể”.

    Tới đây, bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn các nhà trường tổ chức việc dạy học cho học sinh lớp 5, lớp 9 để có bước chuyển tiếp sang học chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả. Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về đánh giá diện rộng nói riêng và hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục nói chung.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (4)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/do-nang-luc-hoc-sinh-de-dap-ung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-a352182.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan