Luật sư Nguyễn Minh Long nêu rõ, trường hợp chậm công bố thông tin hoặc công bố thông tin không đầy đủ thì doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều phải chịu trách nhiệm cụ thể theo luật định.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc lại chỉ đạo của Chính phủ về việc yêu cầu các DNNN thực hiện việc công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn có không ít doanh nghiệp nhà nước (gọi tắt là DNNN) bị “bêu tên” vì lý do chậm công bố thông tin, hoặc công bố thiếu thông tin theo quy định; trong đó, có cả những DNNN có quy mô lớn và hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm. Điển hình như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là một trong những DNNN hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm chậm công bố một số thông tin theo quy định. Ảnh minh họa |
Riêng tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016, hạn công bố vào ngày 31/03/2016 nhưng đến ngày 21/12/2016 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới công bố, tức là muộn hơn gần 9 tháng so với quy định. Đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2017, hạn công bố là ngày 31/03/2016 nhưng đến nay đã là tháng 6/2017, muộn hơn 2 tháng so với quy định nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa công bố thông tin...
Ngoài ra, các Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2016 (hạn công bố vào ngày 31/03/2017); Báo cáo tài chính năm 2016 (hạn công bố vào ngày 31/05/2017); Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp năm 2016 (hạn công bố vào ngày 31/03/2017) cũng bị chậm công bố theo quy định.
Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội để có được những thông tin cụ thể hơn về nội dung, trình tự, thủ tục, trách nhiệm công bố thông tin cũng như chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm công bố thông tin của các DNNN.
Luật sư Nguyễn Minh Long |
PV: Thưa Luật sư, được biết hiện nay các doanh nghiệp Nhà nước có nghĩa vụ phải công bố thông tin định kỳ. Vậy, xin được hỏi, doanh nghiệp nhà nước có nghĩa vụ phải công bố các thông tin nào và thời hạn phải công bố các thông tin đó theo quy định của pháp luật?
Luật sư Nguyễn Minh Long: Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước có nghĩa vụ phải công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó DNNN có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường. Trong đó:
Các thông tin phải công bố định kỳ bao gồm:
a) Chiến lược phát triển của doanh nghiệp: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày chiến lược phát triển của doanh nghiệp được phê duyệt, doanh nghiệp thực hiện công bố chiến lược trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố theo quy định.
b) Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm (05) năm của doanh nghiệp: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm (05) năm của doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, doanh nghiệp thực hiện công bố kế hoạch trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố theo quy định.
c) Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp: Sau năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phê duyệt, doanh nghiệp thực hiện công bố kế hoạch trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp đồng thời gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố theo quy định. Thời hạn công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp không muộn hơn ngày 31/3 của năm thực hiện kế hoạch.
d) Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và ba (03) năm gần nhất tính đến năm báo cáo: Thời hạn công bố và gửi báo cáo tới cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 20/6 của năm liền sau năm thực hiện báo cáo.
đ) Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có): Thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 20/ 6 của năm liền sau năm báo cáo.
e) Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm: Thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 31/3 của năm liền sau năm thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
g) Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp: Thời hạn công bố và gửi báo cáo tới cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 20/ 6 của năm liền sau năm báo cáo.
h) Báo cáo tài chính sáu (06) tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp: Thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 15/8 của năm báo cáo đối với báo cáo tài chính sáu (06) tháng và không muộn hơn ngày 31/ 5 của năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm.
i) Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp: Thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 31 tháng 3 của năm liền sau năm báo cáo.
Các thông tin phải công bố bất thường bao gồm:
a) Tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong tỏa hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa;
b) Tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến kinh doanh của công ty;
c) Sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc bất kỳ giấy phép, giấy chứng nhận khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;
d) Thay đổi người quản lý công ty, gồm thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, trưởng phòng tài chính kế toán;
đ) Có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của Tòa án đối với một trong số các người quản lý doanh nghiệp;
e) Có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc của cơ quan quản lý thuế về việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp;
g) Có quyết định thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập, hoặc bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính;
h) Có quyết định, thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty con; quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.
Thời hạn để DNNN công khai các thông tin bất thường trên là không muộn hơn 36 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.
PV: Các doanh nghiệp phải công bố các thông tin đó ở đâu, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Minh Long: Việc công bố thông tin của DNNN phải được thực hiện đồng thời qua các phương tiện công bố thông tin sau: Báo cáo bằng văn bản, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.
Các báo cáo, ấn phẩm và công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định.
Cổng hoặc trang thông tin điện tử: http://www.business.gov.vn
PV: Vậy trong trường hợp này, chế tài xử lý đối với các vi phạm về công bố thông tin là gì, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Minh Long: Trường hợp vi phạm công bố thông tin, thì:
1. Đối với doanh nghiệp:
a) Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định này;
b) Doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
c) Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định này dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý doanh nghiệp.
2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này; không thực hiện việc đăng tải công khai, kịp thời trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan về các thông tin công bố định kỳ và bất thường của doanh nghiệp do mình quản lý.
3. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin đầy đủ, đúng quy định theo quy định tại Nghị định này; chậm công bố thông tin đến hai mươi (20) ngày làm việc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm công khai danh sách các doanh nghiệp trên địa chỉ http://www.business.gov.vn và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước biết để đôn đốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định./.