+Aa-
    Zalo

    Đìu hiu quang cảnh đền Bà Chúa Kho những ngày cuối năm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không như những năm trước, năm nay, đền Bà Chúa Kho tại Bắc Ninh lại vắng vẻ, thông thoáng lạ thường. Lượng người đến lễ tạ vắng vẻ, thưa thớt hơn nhiều.

    (ĐSPL) - Thời điểm nửa cuối tháng Chạp những năm trước, hàng nghìn người với những mâm lễ đầy ắp tiền, vàng mã cùng chen lấn đến để trả lễ tại đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Bên cạnh đó, cảnh khấn thuê, cò mồi đốt vàng hương... vẫn diễn ra. Nhưng năm nay, cảnh tượng tại đây lại khác hẳn, lượng người đến lễ tạ vắng vẻ, thưa thớt hơn nhiều.

    Với quan niệm “đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ”, nhiều người dân đến đền bà Chúa Kho với mong muốn đầu năm làm lễ xin bà cho vay lộc rơi lộc vãi, để rồi sau một năm làm ăn, lao động, có chút thành quả, quay lại trả nợ. Nhưng cuối năm nay, tại đền Bà Chúa Kho là cảnh đìu hiu, vắng vẻ hiếm có lạ thường.

    Theo tin tức trên báo Công lý, từ nơi để xe, đến hàng quán trên đường dẫn vào đền, lác đác vài nhóm người mang theo đồ lễ. Khu vực cổng vào, cổng chính cho đến phía trong đền thưa thớt người, khác hẳn quang cảnh đông đúc tấp nập chen chúc như những năm về trước.

    Những người bán hàng ở khu vực cổng vào Đền cho biết, năm nay lượng khách giảm hẳn so với mọi năm, không khí người dân đi lễ trả nợ Bà Chúa Kho không còn tấp nập như mọi khi nữa mà thay vào đó là cảnh đìu hiu, vắng lặng. Vì thế hàng hóa cũng ế ẩm, các chủ hàng ngồi tập trung tám chuyện với nhau để giết thời gian chứ không bận rộn bán hàng như trước.

    Hình ảnh Đền Bà Chúa Kho dịp đầu và cuối năm hàng năm luôn kẹt cứng người. H.H - H.L
    Cùng hình ảnh đó của năm nay, Đền Bà Chúa Kho vắng vẻ lạ thường. Ảnh: H.H - H.L

    Cũng chia sẽ trên báo này, ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho cho biết: “Lượng khách năm nay không có nhiều biến động, tập trung đông vào những ngày cuối tuần. Những ngày cuối năm này và thời điểm đầu năm là thời gian chúng tôi đón nhiều lượt khách đến nhất vì người dân đến đây với quan niệm, đầu năm xin lộc còn cuối năm làm lễ tạ.

    Tình trạng đổi tiền lẻ cũng giảm hẳn đi, một phần do ý thức của người dân và một phần do phía BQL đã có những việc làm cụ thể như tập trung các hòm công đức tại một số khu vực. Dịch vụ đổi tiền lẻ và thuê người khấn thuê đã hạn chế được ở mức tối đa.

    BQL đã phối hợp cùng Công an thành phố, Công an phường và an ninh trật tự người cao tuổi để tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân, đồng thời siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, để du khách và người dân có được không khí thoải mái khi đến thăm Đền”.

    Hàng quán bên ngoài cổng Đền ế ẩm, đìu hiu. H.H - H.L
    Địa điểm nơi nhà Đền phát lộc cho khách đến lễ vắng bóng người. H.H - H.L

    Dẫn nguồn tin trên báo Dân trí, theo những người dân chuyên làm dịch vụ sắm lễ quanh khu vực đền, hiện tượng vắng khách như thời điểm này là điều rất hiếm khi xảy ra. Du khách đến đây không còn sợ cảnh chen chúc, mất an ninh trật tự, trộm cắp nữa mà có thể thoải mái đi lại, làm lễ trong khuôn viên của đền. Dù vắng khách nhưng lò đốt vàng mã tại đền vẫn luôn đỏ lửa.

    Theo những người dân địa phương, vắng khách đi lễ như vậy là điều hiếm thấy. Ảnh: Đ.C

    Tổ an ninh của Ban quản lý di tích tại đền Bà Chúa Kho vẫn thường xuyên đi tuần, túc trực khu vực xung quanh đền để đảm bảo an ninh trật tự. Do làm tốt công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh nên hiện tượng khấn thuê, chèo kéo khách đã hạn chế rất nhiều.

    Dù vắng khách nhưng lò đốt vàng mã tại đền vẫn luôn đỏ lửa. Ảnh: Y.A

    Giadinh.net thông tin thêm, theo truyền thuyết Bà Chúa kho là một người phụ nữ Việt Nam thời nhà Lý đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt (chống quân Tống năm 1076). Bà đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077), được nhà vua phong là Phúc Thần và nhân dân lập đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi bà là Bà Chúa kho.

    Thực hư chuyện “vay – trả”, “xin – tạ” linh nghiệm thế nào không rõ nhưng xét về công lao được phong thần của bà Chúa kho thì việc mọi người ùn ùn đến không phải để tưởng niệm bà mà để “xin, vay”. Theo BS Mai Xuân Phương, một người làm công tác truyền thông xã hội thì đây là suy nghĩ lệch lạc, khiến bà Chúa kho như người “cho vay nặng lãi”, đầu năm vay 1, cuối năm trả gấp 10 lần. “Những hành vi cầu xin là ỷ lại vào thánh thần, không nỗ lực phấn đấu, muốn “đi ngang về tắt”. Tất cả những điều đó không đúng với công lao bà góp phần phò vua, cứu nước”, ông Phương nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diu-hiu-quang-canh-den-ba-chua-kho-nhung-ngay-cuoi-nam-a82591.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan