+Aa-
    Zalo

    Định hướng phát triển Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phát triển sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội tầm nhìn giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị gia tăng

    Thực hiện Nghị quyết Đại Hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2015-2020 Hà Nội đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, từng bước chuyển dịch nền nông nghiệp từ một vùng nông nghiệp thuần nông, giá trị thu nhập thấp sang một nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

    Phát triển sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội tầm nhìn giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

    Bối cảnh và những thách thức chủ yếu đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM ở Hà Nội trong 10 năm tới

    Phát triển sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, dẫn tới đất đai vốn đã nhỏ lẻ, manh mún càng bị phân cắt nhỏ hơn, điều này sẽ đi ngược với yêu cầu đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất và sự thiếu hụt nguồn lực lao động đã bị thu hút vào khu vực công nghiệp và du lịch.

    Mặt khác, quá trình công nghiệp hoá và đô thị cũng tác động không nhỏ đến môi trường sản xuất đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tưới và khí bụi phát thải trong công nghiệp và xây dựng.

    Hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp vùng đô thị thấp hơn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, do đó khó thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, khó thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản an toàn.

    Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp công nghệ cao là hướng ưu tiên phát triển của Hà Nội

    Nguồn lực lao động thông thôn có nguy cơ bị già hoá và chất lượng giảm do bị tác động của quá trình đô thị hoá, điều này sẽ đi ngược với yêu cầu chuyển đổi nền sản xuất từ số lượng sang nền sản xuất chất lượng, nông nghiệp 4.0. Sự thiếu hụt nguồn lực lao động cũng là yếu tố cản trở, giảm năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội do tăng giá thành sản xuất.

    Việc đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật có thể gặp khó khăn do năng lực đầu tư không đồng đều ở các địa phương, chủ yếu dựa vào đầu tư của nhà nước và việc đầu tư có thể gặp rủi ro khi quy hoạch các vùng sản xuất không ổn định.

    Yêu cầu của xã hội về chất lượng nông sản đặc biệt là nông sản an toàn tiếp tục gia tăng, trong khi đó nguồn nông sản tham gia vào thị trường tiêu thụ ở Hà Nội vẫn phải tiếp tục dựa vào nguồn tại chỗ và nguồn từ các địa phương khác, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng.

    Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch vùng nông thôn gắn với cảnh quan du lịch, bảo tồn các giá trị văn hoá ở các vùng nông thôn tiếp tục gặp khó khăn do tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hoá.

    Một số định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2021-2030

    Cần coi trọng và đẩy mạnh việc lập và quản lý thực hiện nghiêm túc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên cơ sở sở tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, phát triển chuỗi liên kết, giám sát chất lượng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật. Đẩy mạnh việc quản lý vùng sản xuất theo hướng quản lý mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc và cấp chứng nhận chất lượng.

    Tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi tập trung quy mô trang trại vừa; giảm cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt và chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở các vùng đất lúa ven đô, kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị đặc biệt là cây ăn quả và hoa, cây cảnh.

    Đẩy mạnh việc quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch các vùng nông nghiệp ven đô gắn với giá trị văn hoá vùng miền để thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái.

    Tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản thông qua hệ thống cấp chứng nhận như VietGAP, Global GAP; nâng cấp cơ sở phòng thí nghiệm (địa phương và trung ương trên địa bàn Hà Nội) để chủ động giám sát chất lượng; đẩy mạnh hoạt động của các chợ đầu mối, các chuỗi cửa hàng, siêu thị để giám sát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ hệ thống bán lẻ tiến tới xoá bỏ việc bán hàng rong, chợ cóc, bán hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc và không có chứng nhận chất lượng trên địa bàn Hà Nội.

    Thu hút đầu tư và hỗ trợ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật để thúc đẩy phát triển chế biến nông sản theo hướng xây dựng các cơ sở chế biến vừa và nhỏ, gắn với các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

    Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

    Đẩy mạnh và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nâng cao năng lực và kỹ năng tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng, tiếp cận thị trường, thông tin về sản phẩm để thúc đẩy thị trường tiêu thụ, tạo giá trị gia tăng để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các kênh thông tin, truyền thông của Thành Phố và Trung ương để giới thiệu, quản bá cho các địa chỉ vàng về nông sản an toàn.

    Tăng cường liên kết với các địa phương vùng phụ cận Hà Nội để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với giám sát và cấp chứng nhận chất lượng phục vụ thị trường Hà Nội.

    Những đột phá mà ngành NN & PTNT Hà Nội cần xác định cho giai đoạn mới 2021-2030.

    Hình thành và quản lý các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với nâng cấp hạ thầng kinh tế, kỹ thuật; phát triển liên kết sản xuất, giám sát chất lượng, cấp chứng nhận sản phẩm và chế biến nông sản.

    Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và áp dụng khoa học công nghệ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi và chế biến nông sản; từ cây lúa sang các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

    Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh lành để các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, xây dựng thương hiệu và kinh doanh nông sản chất lượng, an toàn; tổ chức quản lý chặt chẽ thị trường, đẩy mạnh hệ thống thông tin, truyền thông để quảng bá và phát triển mạng lưới thị trường tiêu thụ nông sản an toàn đa dạng, hiệu quả (chuỗi siêu thị, bán hàng qua mạng v.v.).

    PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn/Sức khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dinh-huong-phat-trien-nong-nghiep-va-xay-dung-nong-thon-moi-cua-ha-noi-giai-doan-2021---2030-a270972.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan