Là một diễn viên nổi tiếng, giàu có, nhưng ít ai biết rằng, Quyền Linh từng có cuộc sống khốn khó. Anh đã chịu không ít cay đắng để đến được ngày hôm nay.
Sợ nhất tiếng thở dài của má
Mỗi khi chúng tôi gặp nhau, Quyền Linh luôn cười, nhưng đằng sau đó là sự suy tư, hiu hắt. Anh bảo, lâu lắm rồi không tiếp xúc với báo chí, không phải vì “chảnh” mà là không có gì mới để sẻ chia. “Mình hoạt động trong nghề đã lâu, lên báo cũng nhiều, cái gì về mình khán giả cũng biết hết rồi. Cứ để các bạn trẻ lên báo, chia sẻ về sự nghiệp, cuộc đời để có cơ hội phát triển”, anh cười. Ngồi bên nhau, gợi chuyện về ngày xưa, anh lại nhìn xa xăm: “Buồn nhưng nhớ lắm!”.
Để có được chỗ đứng như hiện tại Quyền Linh đã có những ngày đầu lập nghiệp nhiều gian nan. |
Anh kể, nhà ở miệt Tiền Giang, giữa đồng, trước lúa, sau lúa, mênh mông bốn bề là lúa. Cứ mỗi độ lúa chín, mùi hương đồng thơm dịu phảng phất vào cả trong giấc mơ. Ngày anh còn nhỏ tí, ba bỏ má, để lại ba đứa con thơ. Căn nhà lá trống hoắc càng buồn hơn khi gió lướt qua. Mỗi đêm, anh nghe tiếng rấm rứt của má mà nước mắt ướt đẫm gối. Anh từng tự vấn, tại sao ba có thể bỏ mẹ cùng các con nheo nhóc để đi tìm hạnh phúc mới như thế? Nhưng,... vẫn không thể có câu trả lời.
Chưa tròn 10 tuổi, anh đã ra đồng phụ má. “Ở cùng làng, có một chú cũng gặp cảnh “đứt gánh” thấy má vất vả nuôi ba đứa con nên thường sang giúp đỡ. Chú bảo: “Để tui rải phân, bơm thuốc, làm cỏ đồng cho. Việc này nặng nhọc, phụ nữ không gắng sức được đâu”. Má ngại ngần nhưng sức yếu vai mềm cũng phải nhờ vả. Có bữa, má nói: “Tui chẳng biết lấy gì đền đáp cho anh”. Chú cười hiền: “Chị cho tui ăn cùng bữa cơm là được rồi”. Chú đối xử với ba anh em tôi như chính con ruột. Má cảm nhận được sự chân thành nên quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Rồi, má sinh hạ thêm ba đứa con. Từ đó, tôi có hẳn 5 đứa em”, Quyền Linh nhớ lại.
Lớp 9, Quyền Linh xin má được nghỉ học để dành phần cho đứa em lớp 6. Má ậm ừ nhưng sau một ngày lại bảo: “Mày học gần đến đích, cứ học tiếp đi”. Đêm ấy, anh nghe tiếng thở dài của má. Trong lòng, anh vừa muốn được đến trường vừa muốn nghỉ học. Bởi, anh biết, với hoàn cảnh gia đình mình, nếu tiếp tục đi học thì sẽ cướp mất cơ hội của em. Nhưng, điều anh sợ nhất là những tiếng thở dài của má. Anh vẫn đến trường, cõng thêm giấc mơ con chữ của các em...
Năm cuối cấp, trường Nghệ thuật sân khấu 2 về tuyển sinh tại Tiền Giang. Anh theo chân bạn bè đăng ký. Ba tháng sau, anh nhận được giấy báo nhập học. Má cầm tờ giấy run run: “Cố gắng nắm bắt cơ hội nghe con”. Đêm ấy, má cầm cây đuốc, dắt anh ra xã xem văn nghệ. Trên đường, má cười: “Mày phải xem, để còn biết người ta diễn sao mà làm theo”. Rồi, má nói: “Tao thấy, diễn viên được bôi son, trét phấn đẹp lắm, còn đi xe Huê Kỳ (xe ô tô - PV). Sau này, mong mày cũng được như thế”. Lời của má là động lực giúp anh vững bước trên con đường nghệ thuật về sau.
Ngày lên đường, má chuẩn bị lỉnh kỉnh nhiều thứ như gạo, mắm... cùng chiếc nồi đã cũ móp méo. Anh ngồi thừ nhìn bồ hóng ở đáy nồi. Má thở dài thườn thượt, vào trong, cầm chiếc radio đã cũ, nhưng là vật có giá trị nhất nhà đi bán, mua chiếc nồi mới cùng vài ba thứ nhét vào hành trang của con trai. Thấy ánh mắt con ái ngại, má nói: “Mày là thanh niên, lại lên thành phố, chẳng nhẽ cầm theo cái nồi cũ à?”. Đêm ấy, anh lại nghĩ: “Radio bán rồi, mỗi sáng cha nghe thời sự bằng gì? Mỗi đêm làm sao má nghe cải lương?”.
Sẽ về quê ở...
Vừa lên đến thành phố, Quyền Linh liền gom tiền mua một cái bơm, rảnh lại ra ngã ba đường bơm xe đạp dạo. Thấy chẳng kiếm được bao nhiêu, anh lại chuyển nghề lượm ve chai. Có hôm, anh ra chợ ở quận 1, chờ xe rau đến để vác hàng. Anh không lấy tiền mà chỉ xin lượm rau quả giập mang rửa và bán ở ven đường. Nhiều hôm, đang bán, đứa bạn cùng lớp đi ngang, anh ngần ngại kéo vành mũ che mặt. “Thanh niên mà, thằng nào tuổi ấy mà chẳng như thế”, anh chia sẻ.
Sau nhiều nỗ lực, Quyền Linh đã có được chỗ đứng vững chắc trong làng giải trí Việt. |
Tốt nghiệp, anh chẳng xin được việc làm. Không còn là sinh viên, anh bị đuổi, đành sống chui trong ký túc xá. Nhiều đêm, đang ngủ, bị bảo vệ phát hiện, mắt nhắm mắt mở gật gù bỏ chạy. Nằm trên ghế, co chân, cố kéo chiếc chăn vá chằng chịt nhưng vẫn bị muỗi cắn. Anh khóc vì nhớ má, nhớ cha dượng và 5 đứa em. Rạng sáng hôm sau, anh lê lết về quê. Má thấy con trai miệng nở nụ cười nhưng đôi mắt buồn hiu hắt: “Không ở trển được thì cứ về với má. Ruộng đồng chẳng phụ ai bao giờ con ạ!”. Chừng một tuần, má cầm chiếc rổ sang hàng xóm mượn gạo. Tờ mờ sáng hôm sau, khi mọi người vẫn còn ngon giấc, anh xách ba lô lên thành phố với ước nguyện: “Không thể cứ để má và các em khổ hoài vậy được”.
Quyền Linh cứ sống lay lắt bên lề thành phố. Nửa năm sau, đoàn Kim Cương tuyển diễn viên, anh ứng tuyển và đậu. Cứ tưởng đời đã thay đổi. Ai ngờ, diễn viên mới, anh chỉ được đóng các vai phụ, quần chúng. Sau mỗi đêm, chỉ nhận được số tiền mua được vài gói mì tôm. Gắng gượng với nghề lắm nhưng cơm áo gạo tiền đè nặng. Anh nghĩ: “Chắc Tổ không đãi mình”. Khi đang dọn dẹp áo quần định bỏ đi thì cô Kim Cương bảo: “Lâm Hùng đi nước ngoài biểu diễn, đêm nay mày đóng vai Chu Xung nha”. Anh đặt ba lô xuống, hóa trang rồi bước lên sân khấu. Anh dồn hết tâm lực để diễn. Sau đêm ấy, anh được mọi người trong đoàn đánh giá cao và dành các vai diễn thứ chính. Anh được nhiều khán giả biết đến. Số tiền kiếm được cũng nhỉnh hơn trước.
Một lần, má lên thăm hăm hở bảo sẽ đi xem con biểu diễn. Anh háo hức đến bầu show xin một vé cho má. Nước mắt anh đã ứa ra, khi nhận được câu trả lời: “Mày chưa nổi tiếng đến mức có vé mời”. Anh về, nói với má: “Đêm nay con không diễn”. Đứng trên sân khấu, anh tưởng tượng má ngồi ở hàng ghế khán giả, chăm chú xem con diễn. Thi thoảng, má lấy tay khều khều bà bạn bên cạnh: “Con tôi đó. Nó diễn hay ghê”. Vở diễn kết thúc, anh quyết định rời đoàn không chút nghĩ suy.
Không muốn bỏ nghề diễn, anh tiếp tục làm thuê, làm mướn và tham gia đóng các vai quần chúng. Anh đăng ký tham gia cuộc thi tuyển Diễn viên điện ảnh triển vọng và đoạt giải 4. Sau đó, anh được nhận đóng vai phụ trong bộ phim Khát vọng sống. Đến ngày quay, diễn viên chính Lê Công Tuấn Anh bất ngờ “rút” khỏi dự án. Anh casting và giành được vai chính đầu tiên của sự nghiệp. Sau bộ phim này, anh được hàng loạt dự án mời như Vườn đào năm ấy, Đứa con rơi... Đến 1999, anh vào vai trong phim Đồng tiền xương máu và nhận được nhiều giải thưởng...
Gia đình hạnh phúc của diễn viên - MC Quyền Linh. |
Sau Đồng tiền xương máu, sự nghiệp của anh lên như diều gặp gió. Rồi anh được mời làm MC. Anh bảo, trong tất cả các chương trình gameshow từng dẫn, thích nhất là Vượt lên chính mình. Bởi, chương trình viết nên ước mơ cho những người gặp khó khăn. Mỗi chương trình, anh đều có sự đồng cảm, vì các nhân vật có cuộc sống giống hệt mình ngày xưa.
Thành công, anh mua được nhà ở thành phố, đón má lên sống cùng. Chưa được một tuần, má đòi về vì: “Ở đây không có đồng, có lúa”. Ngày anh cưới vợ, rồi sinh con, má đều bảo: “Nếu buồn cứ về quê, ruộng đồng không phụ lòng ai bao giờ”. Anh bảo, đến bây giờ, dù không quá giàu sang nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. Nhiều người từng nói, giờ có điều kiện, sao không sắm hàng hiệu để chưng diện? Anh chỉ cười. “Mình khởi nguồn từ quê, dù đi đâu cũng là người của quê. Mặc đồ hiệu mà làm gì. Cứ giữ số tiền ấy cho con cái, người thân hay giúp đỡ các cảnh đời khó khăn”, anh chia sẻ.
Đã sống ở thành phố mấy mươi năm, nhưng Quyền Linh vẫn không thể quen được. Nhiều hôm, nhớ nhà, lại chạy xe rong ruổi ra ngoại ô ngắm cây, ngắm cỏ. Lắm đêm, đang ngủ lại nhớ quê, đưa mắt nhìn ra cánh cửa mà chẳng biết đang nghĩ gì. Rồi, anh giật mình cứ ngỡ tiếng gà gáy hay ngửi thấy mùi ruộng đồng, hương lúa... Nhiều khi anh nghĩ, hay dọn về quê sống, ở đó có ba, có má, có các em, các cháu... Nhưng, nghĩ là nghĩ thôi, công việc vẫn dồn dập, níu anh từ ngày này đến tháng khác. Anh thở hắt: “Hai con lớn, chắc chắn tôi sẽ về quê. Ở đó, còn quá nhiều kỷ niệm”.
Huy Cường
Dẫn nguồn từ báo giấy Đời sống & Pháp luật