Mang thương hiệu Trung Quốc nhưng vì giá thành rẻ và cấu hình tốt, các dòng điện thoại của Xiaomi vẫn đang được nhiều cửa hàng nhập về bán trong nước.
Điện thoại Xiaomi xuất hiện tại Việt Nam qua đường xách tay. |
Theo một chủ cửa hàng bán điện thoại xách tay ở khu Cầu Giấy, Hà Nội, người tiêu dùng Việt lâu nay không chuộng các sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc. Dù vậy, những thông tin về mức độ bán chạy trên truyền thông cũng như cấu hình tốt, giá bán rẻ đã khiến các điện thoại của Xiaomi trở thành hiện tượng và vẫn bán được. Nhiều cửa hàng liên tục nhập về và thông báo bán, gửi hàng trên toàn quốc. Trong đó, đối tượng mua được ghi nhận chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Có hai sản phẩm nổi bật của hãng này đang được bán tại Việt Nam dưới dạng xách tay bao gồm Mi-3 giá 6 triệu đồng và Redmi Note giá 4,7 triệu đồng. Trong đó, Redmi Note được cho là tự động gửi dữ liệu về một máy chủ tại Trung Quốc. Ngay cả khi người dùng đã root máy (chiếm quyền điều khiển cao nhất) và cài các bản firmware khác nhưng máy vẫn tự động gửi dữ liệu cá nhân bao gồm cả ảnh và tin nhắn về một máy chủ có địa chỉ IP ở Trung Quốc.
Xiaomi Redmi Note. |
Thành Tiến, sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội cho biết vừa mua chiếc Redmi Note được một tuần vì giá rẻ, cấu hình tốt, màn hình lớn và quan trọng hơn cả là đọc được nhiều thông tin về mức độ bán chạy trên toàn cầu nên khá yên tâm. Nhưng sau khi đọc được các thông tin về hoạt động kiểu "gián điệp", dù chưa được khẳng định, nhưng Tiến vẫn thấy hoang mang. "Nếu phát hiện các máy bán ở Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự, mình sẽ bỏ 'không thương tiếc'. Cảm giác có người xem được dữ liệu của mình rất khó chịu dù dữ liệu đó không quan trọng".
Các máy Redmi Note ở thị trường trong nước hiện nay phần lớn được nhập thẳng từ thị trường Trung Quốc, nhưng cũng có một số máy đến từ Hong Kong, nơi người dùng phát hiện ra hiện tượng tự động gửi dữ liệu nói trên. Chủ một số cửa hàng xách tay khẳng định nếu có thông tin các máy đang bán tại Việt Nam cũng đều dính hiện tượng kiểu gián điệp sẽ không tiếp tục nhập về bán.
Đây không phải là lần đầu tiên điện thoại Trung Quốc gặp phải các cáo buộc về "gián điệp". Gần nhất là vào giữa tháng 6, điện thoại Star N9500 được sản xuất tại Trung Quốc cũng bị phát hiện chứa sẵn trojan Uupay.D từ khi chưa mở hộp. N9500 nhái thiết kế của Galaxy S4 và được cài chương trình gián điệp từ khi sản xuất. Chương trình này vờ hoạt động như là kho ứng dụng Google Play Store và có thể thu thập, sao chép thông tin cá nhân, tự động ghi âm cuộc gọi, kích hoạt micro trên máy để nghe lén hay gửi tin nhắn tới các dịch vụ thu phí..
Mi-3, chiếc điện thoại được quảng bá là bán chạy kỷ lục - 1.000 chiếc trong 86 giây. |
Xiaomi là cái tên khá mới trên thị trường di động thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, hãng này đã có những thành công lớn sau khi có lượng đặt và mua hàng kỷ lục, như bán 1.000 chiếc Mi-3 trong 86 giây hay 10.000 chiếc Redmi Note bán hết trong 1 giây. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Counterpoint, hãng này cũng có tới hai model nằm trong top 10 di động bán tốt nhất trong tháng 5 vừa qua.