Mới đây người ta phát hiện ra một điện thoại Trung Quốc được cài sẵn... phần mềm gián điệp.
Công ty an ninh mạng của Đức G Data vừa cho biết mẫu điện thoại Star N9500 - một smartphone Android giá rẻ được sản xuất tại Trung Quốc- có cài phần mềm gián điệp dùng để đánh cắp thông tin của người dùng.
Công ty G Data cho biết sau khi nhận được nhiều lời than phiền từ người sử dụng smartphone, họ đã nghiên cứu và phát hiện sản phẩm này được cài sẵn Usupay.D, một phần mềm gián điệp Trojan nguy hiểm. Theo G Data, đây là trường hợp đầu tiên họ phát hiện phần mềm Trojan được cài trên một sản phẩm di động.
Trong giai đoạn thử nghiệm, G Data đã phát hiện phần mềm độc hại này gửi nhiều thông tin đến một máy chủ tại Trung Quốc nhưng G Data vẫn chưa đủ bằng chứng chắc chắn để khẳng định có nguồn gốc Trung Quốc, cũng như không rõ làm thế nào phần mềm Trojan này được cài lên smartphone.
Phần mềm này còn có thể điều khiển từ xa nhiều tính năng của smartphone nói trên, bao gồm việc kích hoạt camera, lại được cài đặt vào Firmware nên rất khó bị xóa khỏi điện thoại.
Hiện tại, thiết bị đang được bán với giá chỉ 217 USD (khoảng 4,5 triệu đồng) nhưng sở hữu cấu hình khá mạnh bao gồm chip lõi tứ MTK6589, màn hình 5 inch, camera chính 12 Mpx, chạy Android 4.2 trên nguồn pin 2100 mAh.
Theo dự đoán, nhiều khả năng thiết bị được tài trợ bởi một tổ chức nào đó để phục vụ cho việc nghe lén, theo dõi người dùng và có thể là đánh cắp tài khoản ngân hàng.
Trước đây, thiết bị này cũng đã từng bị một nhà nghiên cứu Kaspersky phát hiện. "Thiết bị đã được đi kèm với một phần mềm gián điệp ngay từ khâu sản xuất", nhà nghiên cứu nói.
Trong khi đó, dù được cảnh báo nhiều về sự "gian lận" của các phần mềm Trung Quốc nhưng thực tế, các mặt hàng điện thoại của quốc gia này vẫn đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là ở Việt Nam, điện thoại Trung Quốc được bày bán tràn lan trên thị trường. Cụ thể là các thương hiệu: Oppo, Huawei, Lenovo, Gionee, Haier,...
Tại thị trường điện thoại Việt Nam, hãng Huawei chính thức tuyên bố “tham chiến” trong năm 2013 với trước mắt nhắm đến các dòng smartphone thuộc phân khúc tầm trung và bình dân, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại cảm ứng đa chức năng, cấu hình cao và giá bán phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam.
Trao đổi với báo giới cuối tháng 4/2014, ông Yuan Song, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam đã tuyên bố hãng công nghệ này đặt tham vọng trong 1-2 năm tới sẽ chiếm lĩnh khoảng 10-15\% thị phần smartphone tại Việt Nam.
Còn OPPO cũng chính thức gia nhập thị trường điện thoại Việt Nam từ tháng 4/2013 với những sản phẩm chủ yếu nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
Smartphone Star N9500 được thử nghiệm tại G Data. |
Gionee được coi là “tân binh” so với các thương hiệu điện thoại Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam.
Tương tự như hầu hết các mẫu điện thoại Trung Quốc khác, thương hiệu này chạy theo xu hướng sản phẩm giá rẻ, cấu hình khủng. Gionee hiện đang bán ra thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm với giá từ vài trăm nghìn đồng cho tới model cao cấp nhất giá gần 9 triệu đồng.
Đó là chưa kể đến việc điện thoại mang thương hiệu Việt nhưng linh kiện lại của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện về Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2014, trị giá 1,87 tỷ USD, tăng 19,7\% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 70\% tổng trị giá nhập khẩu.
Đây là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Riêng nhập khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện từ thị trường này trong năm 2013 tăng 66,34\%, trị giá 5,69 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo phân tích của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), nếu tính cả số lượng điện thoại được mang về theo đường xách tay, con số này còn lớn hơn nhiều.