Ngày 27/3 (giờ địa phương), với tư cách thành viên chính thức, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu tán thành việc kết nạp thêm Phần Lan vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tỷ lệ 182 phiếu thuận và phiếu chống. Với sự ủng hộ đến từ Hungary, Phần Lan đang rộng cửa trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Dự kiến, vào cuối tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tổ chức bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này. Khi nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan sẽ chính thức được kết nạp và trở thành thành viên thứ 31 của liên minh.
Hồi tháng 5/2022, cả Phần Lan và Thuỵ Điển đã quyết định từ bỏ hàng thập kỷ trung lập để nộp đơn xin gia nhập NATO. Để chính thức được kết nạp vào khối, 2 quốc gia này cần nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 30 thành viên hiện tại của NATO. Theo đó, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 quốc gia cuối cùng đưa ra quyết định đối với đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi đầu tháng 3 tuyên bố rằng Helsinki đã "thực hiện các bước cụ thể" để đáp ứng các yêu cầu của Ankara, đồng thời tuyên bố rằng ông sẽ ủng hộ tư cách thành viên của Phần Lan.
Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của Thuỵ Điển hiện đang không thuận lợi bằng Phần Lanl. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển đã không giữ lời hứa của mình và căng thẳng giữa Stockholm và Ankara đang gia tăng do Stockholm từ chối ngăn chặn các cuộc biểu tình đốt kinh Koran hồi đầu năm 2023.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ban đầu cam kết ủng hộ tư cách thành viên cho cả Phần Lan và Thụy Điển. Nhưng sau đó, vào tháng 2, ông Orban nói rằng ông cần có các cuộc thảo luận nghiêm túc" với 2 nước này về những lời chỉ trích của họ nhằm vào chính phủ Hungary.
Trong khi thái độ phản đối của Hungary với Phần Lan đã được tháo gỡ nhưng căng thẳng với Thuỵ Điển hiện vẫn còn phức tạp.
Minh Hạnh(Theo RT)