Điện Kremli ngày 6/7 phản bác đánh giá của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cách ứng xử của Nga "gây mất ổn định".
Trả lời báo giới qua điện thoại, người phát ngôn điện Kremli, ông Dmitry Peskov nêu rõ Nga "không đồng ý với cách tiếp cận như vậy", đồng thời bày tỏ Điện Kremli "lấy làm tiếc về việc giữa Moskva và Washington thiếu sự thấu hiểu về những mong đợi đối với mối quan hệ tương lai giữa hai nước". Ông Peskov nhấn mạnh đây chính là lý do Nga mong chờ cuộc gặp đầu tiên sắp tới giữa tổng thống hai nước.
Người phát ngôn Nga đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Trump cùng ngày 6/7 thăm Ba Lan nhằm củng cố quan hệ giữa hai nước trong liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tại thủ đô Vácsava, ông Trump nói rằng Mỹ đang phối hợp với Ba Lan giải quyết "cách ứng xử gây mất ổn định" của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Andrzej Duda bày tỏ tin tưởng Washington coi trọng vấn đề an ninh của Warsaw.
Người phát ngôn điện Kremli, ông Dmitry Peskov. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cũng trong cuộc họp báo trên, Tổng thống Trump nói rằng có thể Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 mà trong đó chiến thắng thuộc về ông, song ông nhấn mạnh có thể nhiều nước khác cũng đã can thiệp vào cuộc bầu cử này.
Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề trên, cụ thể là ông có ý định đưa nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ ra thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp sắp tới hay không, ông Trump nói: "Có nhiều người can thiệp. Việc đó đã diễn ra trong một thời gian dài".
Theo kế hoạch, lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ có cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Hamburg, Đức ngày 7-8/7.
Đề cập vấn đề chi phí quân sự của các nước thành viên NATO, ông Donald Trump một lần nữa hối thúc các nước thành viên NATO thực hiện nghĩa vụ tài chính, tăng đóng góp tài chính cho các hoạt động của liên minh. Lâu nay, Mỹ kêu gọi các nước NATO tăng ngân sách quốc phòng lên mức tối thiểu tương đương với 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó nhằm giảm gánh nặng tài chính cho Mỹ hiện gánh vác tới 3/4 tổng chi phí quân sự của NATO.