Đấu thầu hàng chục tỷ đồng, tiết kiệm 0,16%
Trên thực tế, nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hay ngân sách của các cơ quan, đơn vị đều có thể thiệt hại nghiêm trọng do thất thoát từ sai phạm, tiêu cực xảy ra trong hoạt động đấu thầu.
Qua những vụ việc bị khởi tố hoặc xử lý vi phạm, có thể thấy một số hành vi vi phạm điều cấm của luật Đấu thầu, gian lận để trục lợi như: cố tình thông thầu, chênh lệch giá gói thầu so với giá thị trường và giá nhập khẩu rất lớn; gian lận hồ sơ dự thầu tại nhiều gói thầu đã trúng; không công khai thông tin nhân sự chủ chốt của nhà thầu; ưu ái cho nhà thầu thân quen…
Trước thực trạng đó, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, để đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế mất mát đáng tiếc về cả tài sản và nhân sự có trình độ. Đơn cử như tại Ban Quản lý dự án Các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Điện Biên (BQLDA Điện Biên - PV).
Thống kê thông tin từ mạng đấu thầu Quốc gia, BQLDA Điện Biên đã đăng tải 82 kết quả lựa chọn nhà thầu, với tổng giá trị trúng thầu là hơn 1.186 tỷ đồng (dữ liệu tính đến ngày 24/10/2023).
Theo nghiên cứu ngẫu nhiên của PV ở 10 gói thầu chủ yếu được thực hiện trong 2 năm 2019-2022 đều có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, thậm chí sát mức 0%. Bên cạnh đó, 5/10 gói tuy được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng lại chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu.
Tổng giá dự toán của 10 gói này là 84.152.467.857 đồng, tổng giá trúng thầu 84.018.716.685 đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đấu thầu hàng chục tỷ đồng nhưng BQLDA Điện Biên chỉ tiết kiệm cho ngân sách hơn 100 triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,16%.
Đáng chú ý trong số đó, Gói thầu số 1: Xây lắp + thiết bị thuộc dự án Trường phổ thông DTNT THPT huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (giai đoạn 2) có giá dự toán 38.533.002.554 đồng. Liên danh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Long Dương Điện Biên - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Tùng trúng thầu với giá 38.492.711.965 đồng, tiết kiệm 40.290.589 đồng, đạt tỉ lệ 0,1%.
Hay Gói thầu số 2: Thiết bị (gồm: Thiết bị chuyên dùng; thiết bị y tế thông thường; thiết bị khoa dinh dưỡng, kho) do Liên danh Công ty TNHH thiết bị y tế Trần Minh - Công ty Cổ phần Thế Kiên thực hiện với giá 19.456.552.000 đồng nhưng tiết kiệm vỏn vẹn 24.664.250 đồng, đạt tỉ lệ 0,13%.
Nhiều gói giá trị vài tỷ đồng nhưng tiết kiệm sát mức 0 đồng, ví dụ gói: Xây lắp và thiết bị công trình (STT 4 trong bảng) gần 11 tỷ đồng tiết kiệm được hơn 39 triệu đồng (tỉ lệ 0,35%); Xây lắp (Phần điều chỉnh, bổ sung) (STT 10 trong bảng) có giá hơn 3,8 tỷ đồng, tiết kiệm “tượng trưng” chỉ 4 triệu đồng (tỉ lệ 0,11%).
Tỉ lệ tiết kiệm được ngầm hiểu là một thước đo đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu ngân sách của mỗi địa phương, đơn vị trong công tác đấu thầu. Mặc dù không có quy định mức tiết kiệm sau đấu thầu bao nhiêu là đúng và đủ, nhưng tỉ lệ tiết kiệm càng cao thì càng có lợi cho quỹ ngân sách đầu tư bởi nó được tiết giảm.
Việc tiết giảm này cũng một phần là trách nhiệm của các chủ đầu tư. Bởi với vai trò “cầm cân nảy mực” khi phê duyệt kinh phí thực hiện gói thầu, bên cạnh sự công tâm lựa chọn những nhà thầu đủ năng lực chuyên môn, tài chính còn cần thực hiện đấu thầu khách quan, minh bạch, tránh gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Nhiều sản phẩm giá cao hơn gấp 2-3 lần nhập khẩu
Không chỉ tồn tại thực trạng tiết kiệm thấp sau đấu thầu, khi đi sâu hơn vào các gói thầu của BQLDA Điện Biên tổ chức, PV còn nhận thấy nhiều mã hàng hóa trong gói thầu có dấu hiệu chênh lệch giá cao gấp 2-3 lần giá nhập khẩu.
Cụ thể, ngày 16/12/2021, Phó Giám đốc BQLDA Điện Biên Lê Hồng Nam ký Quyết định số 168/QĐ-BQLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2: Thiết bị (gồm: Thiết bị chuyên dùng; thiết bị y tế thông thường; thiết bị khoa dinh dưỡng, kho) thuộc dự án: Bệnh viện đa khoa huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (giai đoạn 2). Gói này có giá trúng thầu 19.456.552.000 đồng. Đây cũng là một trong 10 gói có tỉ lệ tiết kiệm thấp đã nói ở trên.
Với gói thầu này, chủ đầu tư đã tiến hành mua sắm 175 thiết bị, hàng hóa phục vụ công tác khám chữa bệnh có giá trị từ vài chục triệu tới hàng tỷ đồng.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu ngẫu nhiên 25 sản phẩm, khi so sánh với giá nhập khẩu, PV nhận thấy có dấu hiệu chênh lệch số tiền rất lớn.
Cụ thể, máy thở cao cấp (Model: eVolution 3e; Hãng sản xuất: eVent Medical/Mỹ) có giá tại gói thầu là 672.990.000 đồng. Tuy nhiên, sản phẩm này được nhập khẩu về Việt Nam khi đã cộng 10% thuế (VAT và nhập khẩu) cũng chỉ 416.994.286 đồng. Với nhu cầu mua sắm 3 máy, tổng số tiền chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu gần 768 triệu đồng.
Máy siêu âm màu kèm máy in, có xe đẩy (Model: VERSANA BALANCE; Hãng sản xuất: GE Medical Systems (China) Co., Ltd./Trung Quốc) có giá trúng thầu là 1.114.320.750 đồng. Thế nhưng, từ thông tin PV có được sau khi cộng các loại thuế, giá trị thiết bị này là 574.295.197 đồng, thấp hơn gần một nửa giá trị thiết bị trúng thầu.
Hay máy gây mê kèm thở + máy nén khí (Model: APUS X1; Hãng sản xuất: aXcent medical GmbH/Đức) còn được chủ đầu tư mua với giá 662.498.000 đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, thiết bị này được nhập khẩu về Việt Nam hồi tháng 2/2022 chỉ có giá 275.015.257 đồng (đã bao gồm 10% thuế VAT và nhập khẩu). Tổng số tiền mà chủ đầu tư phê duyệt cao hơn so với giá nhập khẩu là hơn 387 triệu đồng.
Dẫu biết rằng, nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu tư, các thiết bị còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan như vận chuyển, kho bãi và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, số tiền chênh lệch cao hơn 5,3 tỷ đồng so với giá nhập khẩu vẫn để lại nhiều băn khoăn. Liệu việc xây dựng giá dự toán, thẩm định và phê duyệt giá dự toán đã thực sự đúng và đủ hay chưa?...
Do đó, để có thông tin khách quan, đa chiều hoàn thiện bài viết, PV liên hệ với Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Điện Biên nhưng không nhận được phản hồi.
Theo luật sư Trần Hậu - Công ty Luật hợp danh FDVN, thuộc Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng: trường hợp nếu xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá. Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…
Khi có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Theo Điều 222, trường hợp bị xử lý hình sự nặng nhất lên tới 20 năm tù nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.
Lê Vân