Mục tiêu đến năm 2020, Điện Biên sẽ cấp nước đạt quy chuẩn và đảm bảo bền vững cho 54.000 người.
Ðiện Biên là 1 trong 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng thế giới.
Ảnh: Báo Thanh tra |
Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QÐ-TTg ngày 20/8/2015. Mục tiêu của Chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn; tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở các khu vực mục tiêu; xây dựng năng lực ở cấp tỉnh, xã và thôn, bản nhằm xây dựng thể chế mạnh mẽ và cung cấp nguồn lực cần thiết để thiết kế, thực hiện, quản lý và duy trì các công trình vệ sinh, cấp nước. Chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá.
Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh ta thực hiện đầu tư tổng cộng 84 công trình (gồm cấp nước cộng đồng dân cư; cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế). Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực chương trình: Ðến hết tháng 6/2018, đã khởi công, hoàn thành và đang triển khai 45 công trình.
Trong đó, tiểu hợp phần “cấp nước cho cộng đồng dân cư” đã triển khai được 14/26 công trình với tổng mức đầu tư gần 108 tỷ đồng; tiểu hợp phần “cấp nước và vệ sinh cho các trường học” đã triển khai thực hiện 18/29 công trình, tổng mức đầu tư gần 20,8 tỷ đồng. Hợp phần “Vệ sinh nông thôn” do Sở Y tế quản lý, điều phối đã triển khai thực hiện 13/29 công trình với tổng mức đầu tư hơn 6,2 tỷ đồng. Hợp phần “Nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi; kiểm tra, giám sát và đánh giá” đã thực hiện 37 trong tổng số 345 hoạt động với tổng kinh phí 24,5 tỷ đồng.
Ước thực hiện đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh trong toàn tỉnh mới đạt 46,1%. Ðược thụ hưởng chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” là điều kiện thuận lợi để cải thiện môi trường khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Với nhiều mục tiêu ưu việt, tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh khu vực nông thôn và vệ sinh trường học song việc triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm kế hoạch. 45 công trình đã và đang thực hiện có tổng mức đầu tư 134,95 tỷ đồng song mới giải ngân được 23,23 tỷ đồng. Hiện nay mới có 11 công trình thuộc hợp phần “Cấp nước và vệ sinh cho các trường học”, 3 công trình thuộc hợp phần “Vệ sinh nông thôn” đã hoàn thành. Còn lại đều đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2020: Cấp nước đạt quy chuẩn và đảm bảo bền vững cho 54.000 người; cấp nước, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và phát huy hiệu quả bền vững 38 trạm y tế; thực hiện vệ sinh toàn xã cho 45 xã với tiêu chí: 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% số hộ có điểm rửa tay xà phòng; đảm bảo cấp nước, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và phát huy hiệu quả bền vững cho 171 trường học.
Hà Nguyễn (Điện Biên)