(ĐSPL) - Theo đánh giá của nhiều cán bộ chấm thi tuyển sinh Đại học năm 2014, phổ điểm thi đại học năm 2014 của các trường dao động từ 4-6, điểm 10 khan hiếm hơn những năm trước.
Cán bộ chấm thi tuyển sinh ĐH 2014 cho biết, điểm 10 năm nay rất khan hiếm. |
Ngày 20/7, theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TPHCM chia sẻ trên báo Tiền phong, phổ điểm của trường năm nay là từ 4-7 điểm, vì thế, dự đoán điểm chuẩn vào trường năm nay không thấp hơn năm trước. Dự kiến trường sẽ công bố điểm thi trong tuần tới.
Theo ghi nhận, năm nay trường ĐH Nông Lâm TPHCM có khoảng 31.000 bài thi môn Toán nhưng không có điểm 10 nào, cao nhất ở môn này là 9,5 điểm. Tương tự, ở môn Sinh, cao nhất của trường là 9,5 điểm; môn Lý là 9 điểm; Văn là 8,5 điểm và môn Hóa là 9,75 điểm - cao nhất trong số các bài thi của trường.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, trưởng khoa sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết , trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phổ điểm môn sử phần lớn tập trung mức 4-6 điểm (khoảng 50\%), số bài đạt 7, 8 điểm không nhiều và rất ít điểm 9. “Với đề thi môn sử năm nay, thí sinh học thuộc lòng chưa chắc có điểm cao, đòi hỏi thí sinh phải tư duy phân tích, khái quát vấn đề và sự kiện. Đề đưa ra dữ liệu yêu cầu thí sinh có câu trả lời hợp lý là có điểm, không đòi hỏi phải trả lời rập khuôn theo đáp án. Nhìn chung chất lượng bài thi khá hơn so với mọi năm, rất hiếm bài bị 0, 1 điểm” - PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, trưởng khoa sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết . Dự kiến, trường sẽ công bố điểm vào ngày 29/7.
Cũng theo cán bộ chấm thi của các trường, đáp án các môn thi tự luận, nhất là các môn khoa học xã hội, theo hướng mở nên việc chấm thi dễ hơn mọi năm.
Còn tại ĐH Sài Gòn, theo kết quả sơ bộ, phổ điểm các môn xã hội từ 4,5-5 điểm, phổ điểm môn Toán từ 4-6 điểm. Điểm số cao nhất môn Văn và Toán là 9 điểm, Lịch sử cao nhất 8 điểm. Riêng môn Anh văn đã có điểm 10. ĐH Sài Gòn dự kiến sẽ công bố điểm ngày 23/7.
Cán bộ chấm thi đánh giá việc Bộ GD-ĐT năm nay cải tiến cách ra đề các môn thi tự luận theo hướng mở đã phát huy được khả năng sáng tạo của thí sinh. Nhiều thí sinh làm các câu hỏi mở này khá tốt. Cụ thể ở môn địa, rất nhiều thí sinh trình bày khá sâu những nội dung theo yêu cầu của đề, trong đó cập nhật sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Tại Trường ĐH Luật TP.HCM đặc biệt có hai bài thi môn địa đạt điểm tuyệt đối, ba bài đạt 9,75 điểm và từ 9-9,5 điểm có đến 46 bài. Theo đánh giá của cán bộ chấm thi, “hai bài đạt điểm 10 thật sự là những bài thi hoàn hảo”. Trong khi tại Trường ĐH Sài Gòn phổ điểm môn địa tập trung mức 6-7 điểm.
Cán bộ chấm thi môn văn của nhiều trường cũng cho biết rất “thích thú và bất ngờ” với suy nghĩ của thí sinh khi bàn luận về câu: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Theo các cán bộ chấm thi, ở câu hỏi này nhiều thí sinh đưa ra những bàn luận khá sâu sắc, đồng thời lồng ghép dẫn chứng khá thuyết phục như khẳng định Trung Quốc dùng sức mạnh của nước lớn xâm phạm chủ quyền Việt Nam là một biểu hiện xấu. Hình ảnh những chiến sĩ hải quân ngày đêm canh gác bảo vệ biển đảo quê hương và các chiến sĩ cảnh sát biển kiên cường đấu tranh trên biển là thể hiện sức mạnh chân chính. “Thật sự khi chấm những bài thi như vậy chúng tôi cảm thấy rất vui. Bản thân tôi bắt gặp rất nhiều bài thi làm rất tốt các câu hỏi mở và đã cho điểm tối đa ở những câu hỏi này”- cán bộ chấm thi của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ.