Cụ thể, mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của trường ĐH Y Hà Nội năm 2022 dao động từ 19 đến 23 điểm.
Theo các ngành có mức điểm sàn cao nhất với 23 điểm gồm: Y khoa; Răng Hàm Mặt. Tiếp đó là ngành Y học cổ truyền với mức điểm sàn 21. Các ngành học còn lại cùng có mức điểm sàn là 19. Như vậy điểm sàn cao nhất của trường ĐH Y Hà Nội cao hơn quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT là 1 điểm.
Năm 2022, trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1.170 chỉ tiêu (tăng 20 chỉ tiêu so với năm 2021) với 13 ngành/chuyên ngành bằng 3 phương thức xét tuyển chính, gồm: Xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét kết hợp điểm thi với chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế.
Ở phương thức xét dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (đối với tất cả các ngành đào tạo) trường dành 75% tổng chỉ tiêu, thí sinh chỉ sử dụng tổ hợp 3 bài thi, môn thi: Toán, Hóa học, Sinh học để xét tuyển.
Về xét tuyển thẳng (khoảng 25% chỉ tiêu mỗi ngành), trường ĐH Y Hà Nội chỉ dựa vào kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế.
Trước đó, Đại học Y Hà Nội cũng đã thông báo học phí năm học 2022-2023 trong đề án tuyển sinh, với mức tăng mạnh ở một số ngành. Học phí khối ngành Y Dược (Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Y học dự phòng) là 24,5 triệu đồng/năm; khối sức khỏe (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Y tế công cộng) 18,5 triệu; Điều dưỡng chương trình tiên tiến 37 triệu.
Thủy Tiên (T/h)