Người dân quay trở lại làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải, cùng đeo khẩu trang chen chúc trên các chuyến tàu điện ngầm vào ngày 26/12 (giờ địa phương), khi hai thành phố lớn nhất Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc sống chung với dịch COVID-19, Reuters đưa tin.
Trải qua 3 năm phòng chống dịch COVID-19 một cách nghiêm ngặt, vào tháng 12, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách phong tỏa và xét nghiệm liên tục trước làn sóng biểu tình cũng như hiện tượng bùng phát dịch bệnh lan rộng.
Sau việc thay đổi chính sách chống dịch bất ngờ và qua một vài tuần khi người dân ở Bắc Kinh và Thượng Hải chỉ ở trong nhà, có những dấu hiệu cho thấy cuộc sống nơi đây đang trên đà trở lại bình thường.
Trong ngày quay trở lại làm việc, các chuyến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã chật kín người, trong khi một số mạch giao thông chính ở hai thành phố này bị tắc nghẽn do ô tô di chuyển chậm vào ngày 26/12.
"Tôi đã sẵn sàng sống chung với đại dịch. Phong tỏa không phải là giải pháp lâu dài", Lin Zixin (25 tuổi), cư dân Thượng Hải cho biết.
Năm 2022, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng lây nhiễm vượt khỏi tầm kiểm soát trên toàn Trung Quốc, 25 triệu người làm việc ở trung tâm thương mại đã phải chịu đựng hai tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài.
Hiện nay, hình ảnh đường phố sôi động ở Thượng Hải như một bức tranh tương phản rõ nét so với bầu không khí hồi tháng 4 và tháng 5, khi hầu như không có ai ra ngoài đường.
Chợ Giáng sinh thường niên được tổ chức tại Bến Thượng Hải, một khu thương mại ở thành phố Thượng Hải, đã thu hút đông đảo cư dân thành phố vào cuối tuần vừa qua. Đám đông đã đổ về mùa lễ hội mùa đông tại Disneyland Thượng Hải và Universal Studios của Bắc Kinh vào ngày 25/12.
Tờ báo địa phương The 21st Century Business Herald đưa tin, số lượng các chuyến đi đến các danh lam thắng cảnh ở phía Nam thành phố Quảng Châu vào cuối tuần này đã tăng 132% so với cuối tuần trước.
"Hiện tại hầu như mọi người đã trở lại nhịp sống bình thường. Bầu không khí căng thẳng đã qua", một cư dân Bắc Kinh 29 tuổi họ Han cho biết.
Làn sóng nhiễm bệnh gia tăng
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước đang trong tình trạng quá tải, với tình trạng nhân viên được yêu cầu làm việc khi bị ốm và nhân viên y tế đã nghỉ hưu ở các cộng đồng nông thôn được thuê lại để giúp đỡ.
Chính quyền tỉnh Chiết Giang, một tỉnh công nghiệp lớn gần Thượng Hải với dân số 65,4 triệu người, hôm 25/12 cho biết họ đang đối mặt với khoảng một triệu ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày, con số dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong những ngày tới.
Các cơ quan y tế ở tỉnh Giang Tây phía Đông Nam cho biết, các ca nhiễm bệnh sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 1/2023, đồng thời cho biết thêm rằng có thể số ca bệnh sẽ còn cao hơn khi mọi người đi du lịch vào tháng tới để đón Tết Nguyên đán, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Họ cũng cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm sẽ kéo dài 3 tháng và khoảng 80% trong số 45 triệu cư dân của tỉnh Giang Tây có thể bị nhiễm bệnh.
Thành phố Thanh Đảo, nằm ở phía Đông tỉnh Sơn Đông, ước tính có tới 530.000 cư dân bị nhiễm COVID-19 mỗi ngày.
Các thành phố trên khắp Trung Quốc đã chạy đua để bổ sung các đơn vị chăm sóc đặc biệt và phòng khám sốt, những cơ sở được thiết kế để ngăn chặn sự lây lan rộng hơn của bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết số phòng khám sốt trong thành phố đã tăng từ 94 lên gần 1.300, trong khi Thượng Hải có 2.600 phòng khám tương tự.
Lo ngại về khả năng đối phó với sự gia tăng của các ca nhiễm nặng ở nhiều thành phố ít giàu có hơn tại Trung Quốc, đặc biệt là khi hàng trăm triệu lao động nhập cư ở nông thông dự kiến sẽ trở về quê ăn Tết.
Bích Thảo(Theo Reuters)