Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus corona từ Trung Quốc, bộ Y tế đã tiến hành họp khẩn, đưa ra biện pháp ngăn chặn dịch vào Việt Nam.
Chiều 22/1, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam triệu tập cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo ngành y tế và các bộ ngành, các địa phương đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn và đối phó với dịch này.
Theo thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên, dự kiến, Tổ chức Y tế thế giới WHO sẽ họp khẩn ở Thụy Sỹ để bàn bạc, xem xét xem có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay không, có đóng cửa khẩu biên giới, hoặc hạn chế giao lưu đi lại là biện pháp hết sức cần thiết để phòng chống dịch hay không.
Máy đo thân nhiệt tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: PLO |
Những ngày qua, bộ Y tế kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Cơ quan này nhận định nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam hoàn toàn có thể do giao lưu đi lại, thương mại, du lịch tăng đột biến trong dịp Tết, cũng như khả năng lây lan từ người sang người.
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam, ngày 22/1, bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BYT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
Bộ Y tế giao các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, mạng lưới văn phòng đáp ứng khẩn cấp khu vực ASEAN, tổng hợp tình hình dịch trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo lãnh đạo bộ Y tế, lãnh đạo Chính phủ và các đơn vị liên quan.
Các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng, đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe đối với các hành khách nhập cảnh về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và vùng có dịch; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Các đơn vị triển khai Kế hoạch đáp ứng phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona với 3 tình huống diễn biến dịch bệnh tới các địa phương, đơn vị y tế các tỉnh, thành phố đồng thời duy trì mức hoạt động cảnh báo của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tổ chức đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế (WHO, US.CDC, FAO) và các đơn vị liên quan để kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp.
Các đơn vị y tế đẩy mạnh thực hiện giám sát viêm phổi nặng, giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng; tiếp tục tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh, trước hết tập trung vào các địa phương có cửa khẩu lớn và có đường biên giới giáp với Trung Quốc.
Những nơi xác nhận có người bị nhiễm virus corona. Ảnh: Zing.vn |
Các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng khu vực cách ly, phân khu điều trị, cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt chú ý khai thác tiền sử các bệnh nhân đi về từ thành phố Vũ Hán và vùng có dịch.
Theo các bác sĩ, virus corona gây bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Trung Quốc có thể liên quan đến loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng bùng phát năm 2002 khiến 8.000 người lây nhiễm, 916 người tử vong và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) gây tử vong cho khoảng 851 người trên toàn cầu.
Virus corona có nhiều loại khác nhau gây các bệnh cảm lạnh từ thông thường đến bệnh SARS nguy hiểm. Một vài loại có thể lây nhiễm sang người. Nhiều người lo lắng virus corona có họ hàng với virus SARS, nếu bùng phát thành dịch lớn, nguy cơ tử vong cao.
Các chủng virus corona có thể lây nhiễm qua tiếp xúc giữa người và vật. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus này cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt. Những người chăm sóc bệnh nhân đôi khi cũng bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh, theo CDC (Mỹ).
Được biết, tính đến ngày 22/1, tại Trung Quốc ghi nhận gần 300 trường hợp mắc viêm phổi cấp do virus corona và đã có 6 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều nước Châu Á đã thông báo có ca nhiễm đầu tiên.
Nguyễn Phượng (T/h)