+Aa-
    Zalo

    Địa phương phản đối cấm xe lớn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ nói gì? 

    (ĐS&PL) - Hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị lo ngại tiền ẩn ngay cơ mất ATGT nếu cấm xe tải nặng, xe khách trên 30 chỗ lưu thông vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

    Lo ngại gia tăng tai nạn giao thông 

    Ngày 1/4, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đã ký quyết định phân luồng lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Theo đó, từ 6h ngày 4/4, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm và xe tải từ 6 trục trở lên (gọi tắt là xe cỡ lớn) sẽ không đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn. 

    Theo thông báo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn), sau khi phân luồng, các phương tiện nói trên sẽ lưu thông trên quốc lộ 1A và các đường khác. 

    Ngày 2/4, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước khi Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra quyết định trên, ngày 29/3/2024, tỉnh đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam về việc góp ý phương án phân luồng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. 

    Theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Tuý Loan là tuyến giao thông trọng điểm của quốc gia trên trục Bắc - Nam; do khó khăn chung về nguồn lực, tuyến được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe đưa vào vận hành ngày 31/12/ 2022. 

    Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2/2024 khiến 3 người thiệt mạng

    Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2/2024 khiến 3 người thiệt mạng

    Mặc dù điều kiện khai thác còn hạn chế nhưng do tính cơ động và thuận lợi, ngay sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, lượng phương tiện tham gia là rất lớn và không ngừng gia tăng: năm 2022 là 1.500 - 2.000 xe/ngày đêm; năm 2023 là 2.500 - 3.500 xe/ngày đêm, đặc biệt dịp Tết (2/2024) là 5.000 - 6.000 xe/ngày đêm (tăng 100%), góp phần chia sẽ, giảm tải cho QL1 từ 30 - 40% về lưu lượng (nguồn trích xuất từ camera Hầm Mũi Trâu). Việc chia sẻ lưu lượng này cũng đã góp phần tích cực trong giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh.

    Trước khi có Cao tốc, số TNGT trên QL1A chiểm tỷ lệ cao, số người chết hàng năm chiếm 48 - 50% trên tổng số toàn tỉnh. Sau khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác sử dụng TNGT trên QL1 giảm rất nhiều, hiện nay số người chết còn chiếm khoản 18 - 20%. 

    Đại diện Ban ATGT Thừa Thiên Huế cũng cho biết dù QL1 qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 113km, có 4 làn xe nhưng là đường hỗn hợp (mọi loại xe đều được chạy) và chạy qua nhiều khu vực đông dân cư, trường học. 

    Vào giờ cao điểm người và lưu lượng phương tiện ở các khu công nghiệp, khu dân cư ở trung tâm huyện tham gia giao thông lớn, hơn nữa có 46 trường học tiếp giáp dọc tuyến QL1 nên lượng học sinh khi đến trường và khi tan trường cũng rất lớn, đặc biệt là đối tượng học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi được đi xe dưới 50cc, chưa được đào tạo, hướng dẫn khi tham gia giao thông, gây nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao. 

    Do vậy, thực tế nếu để số lượng xe khách trên 30 chỗ, xe tải trên 6 trục, xe container… chạy xuống quốc lộ vì không được lên cao tốc sẽ làm tăng tai nạn giao thông trên tuyến đường này. 

    "Từ những căn cứ thực tiễn như trên, Phòng PC08 Công an tỉnh Thừa Thiên Huế không đồng ý với phương án phân luồng cho các phương tiện xe khách trên 30 chổ ngồi, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ mooc, sơ mi rơ mooc lưu thông xuống QL1. 

    Đề nghị đơn vị quản lý tuyến phải khẩn trương khắc phục kịp thời các nội dung đoàn khảo sát liên ngành đã kiến nghị để khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, góp phần đảm bảo tốt trật tự ATGT chung trên địa bàn", đại diện Ban ATGT Thừa Thiên Huế kiến nghị.

    Ban ATGT tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ không đồng ý phương án phân luồng xe sang quốc lộ 1.

    Lý do là cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác đã giảm rất lớn lưu lượng ôtô qua TP.Đông Hà và QL1 phía nam của tỉnh. Năm 2023, tỉnh đã giảm cả ba tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông. 

    Cơ quan này cho rằng việc phân luồng xe tải nặng và xe khách trên 30 chỗ sang QL1, xuyên qua TP.Đông Hà sẽ khiến ách tắc, tai nạn giao thông tăng trở lại. 

    Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã mãn tải

    Về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi Ban ATGT, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, giải trình về phương án phân luồng giao thông Dự án Cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

    Theo Cục Đường bộ Việt Nam, Dự án Cam Lộ - La Sơn được triển khai từ tháng 9/2019 và cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 31/12/2022, dự án được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả khi thu hút một lượng lớn phương tiện tham gia giao thông, góp phần chia sẻ một phần lưu lượng xe trên Quốc lộ 1.

    Cao tốc Cam Lộ - La Sơn khai thác cuối năm 2022, với quy mô 2 làn xe, trừ một số đoạn cho phép vượt mở rộng 4 làn xe

    Cao tốc Cam Lộ - La Sơn khai thác cuối năm 2022, với quy mô 2 làn xe, trừ một số đoạn cho phép vượt mở rộng 4 làn xe

    Tuy nhiên, việc chưa đưa vào thu phí dẫn đến thu hút nhiều loại phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư), đặc biệt là các xe tải trọng lớn, xe container, nên đã làm mất cân bằng về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và khả năng thông hành của cả 2 tuyến đường. 

    Đối chiếu số liệu đếm xe của Tư vấn thiết kế (do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lựa chọn) và số liệu thu thập tại các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 cho thấy với năng lực thông hành của tuyến cao tốc là 9.200 - 11.000 xe tiêu chuẩn (PCU)/ngày đêm và tuyến QL1 là 31.000 - 33.000 PCU thì tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã mãn tải, còn trên QL1 vẫn chưa mãn tải, có thể cho phép phân luồng một số xe sang tuyến QL1. 

    Qua theo dõi trong thời gian đưa vào khai thác tạm đến nay (15 tháng), với đặc thù quy mô mặt cắt ngang còn hạn chế (2 làn xe), điều kiện địa hình đi qua các vùng đồi núi, về đêm hay có hiện tượng sương mù dẫn đến mặt đường ẩm ướt, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế, các xe tải nặng khi đi trên các đoạn đèo dốc thường không đạt được tốc độ tối thiểu theo quy định (thực tế tốc độ chỉ đạt 35-40km/h so với yêu cầu 60km/h). 

    Mặt khác, tuyến có quy mô 2 làn xe, khoảng 8 - 10km mới bố trí một điểm tránh vượt xe, việc các xe tải nặng leo dốc với tốc độ chậm dẫn đến các xe phía sau phải xếp hàng nối đuôi đã tạo tâm lý ức chế đối với người tham gia giao thông trên tuyến, dễ xảy ra việc vượt xe tự phát tại những vị trí cấm vượt, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và giảm năng lực thông hành của tuyến. 

    Thêm vào đó, do điều kiện địa hình tuyến khó khăn, các xe tải nặng dễ bị hư hỏng khi tham gia giao thông trên tuyến, kết hợp mặt cắt ngang đường hẹp, khi xe bị hư hỏng hoặc sự cố các xe này thường dừng, đỗ chiếm một phần làn xe chạy dẫn đến nguy cơ tai nạn cho các xe cùng chiều khi lái xe thiếu tập trung quan sát hoặc khi điều kiện thời tiết bất lợi, tầm nhìn bị hạn chế (theo số liệu thống kê, phần lớn các vụ tai nạn trong thời gian qua đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các xe tải nặng). 

    Đối với nhóm các xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, trong điều kiện địa hình khó khăn, trên tuyến có nhiều vực sâu, nếu xảy ra tai nạn đối với nhóm đối tượng này sẽ có nguy cơ thương vong rất lớn. 

    Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, trong thực tế thời gian khai thác tạm vừa qua, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã từng kiến nghị và được Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế ủng hộ việc phân luồng đối với các xe tải nặng trên 10 tấn (số lượng phương tiện phân luồng nhiều hơn so với phương án lần này) không lưu thông trên tuyến cao tốc trong thời gian 4 tháng để thi công điểm sụt trượt Km69+800 và thực tế số vụ tai nạn trên QL1 trong thời gian này không tăng đột biến so với những tháng trước đó. 

    Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục đầu tư mở rộng tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Nếu được Quốc hội thông qua và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, dự kiến dự án sẽ cơ bản thi công hoàn thành vào cuối năm 2025, khi đó sẽ đảm bảo khai thác một cách an toàn cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đồng thời giảm tải rất nhiều cho QL1.

    Khi tổ chức phân luồng giao thông theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ban ATGT, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tích cực phối hợp tạo điều kiện để Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai cắm biển chỉ dẫn, phân luồng từ xa trên các tuyến đường địa phương.

    Các đơn vị cần tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến; phối hợp kiểm tra, rà soát hiện trường, phát hiện kịp thời các bất cập về kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý, khắc phục nhằm nâng cao ATGT. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ia-phuong-phan-oi-cam-xe-lon-vao-cao-toc-cam-lo-la-son-cuc-uong-bo-noi-gi-a409942.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan