Vào dịp Tết cổ truyền 2018, mọi người đều muốn đi chơi thư giãn kết hợp với mua sắm vật dụng cho gia đình để đón chào năm mới.
Dưới đây là gợi ý một số địa điểm du xuân trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018:
Trung tâm thương mại, siêu thị
Thời gian gần đây các trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều để thỏa mãn nhu cần mua sắm, vui chơi giải trí của người dân thủ đô. Những trung tâm thương mại lớn nhất ở Hà Nội như: Tràng Tiền Plaza, Vincom Center – Bà Triệu, Vincom Center – Royal City, Big C Thăng Long – Hà Nội, Vincom Mega Mall – Time City, Aeon Mall Long Biên...
Tết đến, cũng là dịp mà các Trung tâm thương mại trang hoàng rất lộng lẫy, hãy tranh thủ sắm cho mình một chút đồ Tết và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp.
Chợ Tết phố cổ
Phiên chợ Tết phố cổ bán hoa đào, hoa mai, đồ trang trí dọc các con phố từ Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Chai… Hoa bán trong phố cổ không quá nhiều, không quá lớn vì không gian chật hẹp nhưng vẫn có những đặc sắc riêng.
Hoa chủ yếu là đào bích, đào phai và người bán cầm hoa luôn trên tay. Bán mua không quá ồn ào, khách mua hoa chủ yếu là những người sống lâu năm trong phố hoặc thích cái không gian ấm cúng, cổ kính ở đây mà đi chợ hoa.
Thời điểm gần Tết, các khu chợ Tết phố cổ đã bắt đầu nhộn nhịp không khí xuân với đủ các màu sắc rực rỡ. Phố Hàng Mã là khu vực chụp ảnh đẹp nhất bởi các cửa hàng bày bán nào là lồng đèn, bao lì xì, đèn trang trí tết… rất rộn ràng và ấm cúng.
Ngắm chợ hoa ngày Tết
Vào dịp gần Tết nguyên đán, các chợ hoa ở thành phố đều đua nhau khoe sắc thắm. Các vườn hoa, hội chợ hoa được mở rất nhiều để phục vụ thú chơi cây hoa của người Hà Nội như vườn hoa Nghi Tàm, chợ hoa Quảng Bá, vườn đào Nhật Tân... Bạn có thể dạo qua những vườn hoa, chợ hoa này để thưởng thức không khí mùa xuân ngập tràn, để mua tặng gia đình, bạn bè một vài loại cây xanh, những bó hoa tươi hoặc chỉ đơn giản là chụp những bức ảnh đẹp giữa vườn hoa rực rỡ sắc màu.
Đón giao thừa ở trung tâm thành phố
Hàng năm, tới đêm giao thừa tết âm lịch, tại Hà Nội đều có tổ chức bắn pháo hoa trên quy mô lớn đối với nhiều địa điểm khác nhau. Trong đêm giao thừa năm nay, Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa thay vào đó là rung chuông chùa.
Cà phê với bạn bè trên cao ven Hồ Gươm
Cà phê là thói quen thường ngày của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên nếu bạn ngồi cà phê với một nhóm bạn bè vào đêm 30 Tết để ngắm nhìn thành phố và chờ đón thời khắc giao thừa thì sẽ có cảm nhận rất khác, rất đặc biệt. Quanh khu vực trung tâm có rất nhiều quán cà phê với không gian đẹp, view rộng nhìn xuống Hồ Gươm để bạn có thể lựa chọn như Hàm Cá Mập, Avalon Café Lounge... hay tầng trên của Nhà hàng Thủy Tạ.
Bảo tàng Dân tộc học
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam thường tổ chức Hội Vui Xuân Tết với những hoạt động vui chơi bổ ích, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn với Tết truyền thống và tập quán mừng năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam.
Đến đây các bạn trẻ sẽ được tham gia các trò chơi dân gian trong lễ hội xuân của người dân tộc như đi goòng, chơi quay, ném pao, ném còn…, hay các trò chơi của người Việt như kéo co, đánh đu, đấu vật, pháo đất, nhảy dây, nhảy bao bố, thưởng thức ẩm thực ngày tết. Trẻ em đến chơi xuân có cơ hội làm nhiều loại đồ chơi dân gian như nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp, tô vẽ 12 con giáp bằng gốm…
Thưởng thức một bộ phim Tết
Vào dịp Tết, các rạp phim đều mở cửa từ rất sớm (khoảng mùng 2 Tết) và phục vụ rất nhiều phim hay ở nhiều thể loại như hài, tình cảm, hành động, phim kinh dị... Bạn có thể tới các rạp trung tâm như Megastar Vincom Bà Triệu, Platinum The Garden, Lotte Cinema Keangnam...
Ngoài ra, một số rạp mới khác cũng có thể đặt trong danh sách lựa chọn của bạn như Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Rạp Tháng Tám, Royal City, Times City hay Megastar Mipec Tower...
Đi lễ cầu may đầu năm
Đi lễ cầu may đầu năm là một nét văn hoá đẹp của người Việt, thời điểm đầu năm là thời điểm mọi người đi cầu bình an cho năm mới, chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía nam của Hồ Tây, là một trong những di tích linh thiêng bậc nhất của Hà Nội với những nét đẹp đặc trưng đã được bảo tồn qua nhiều thời kỳ.
Người dân Hà Nội thường ghé lại chùa Trấn Quốc vào những hôm rằm, mồng một, ngày lễ Tết để cầu bình an, chúc hạnh phúc và tìm kiếm sự thư thái trong tâm hồn sau những ngày làm việc bộn bề, mệt mỏi.
Xin chữ ông đồ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám mở cửa quanh năm nhưng dường như chỉ những ngày đầu Xuân mới tấp nập người ra vào. Các bạn học sinh sinh viên tới đây để cầu mong cho việc học hành trong năm tới suôn sẻ, thi cử đỗ đạt.
Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu cũng là một trong những truyền thống lâu đời của người dân thủ đô. Đặc biệt, từ ngày mùng 3, theo quan niệm dân gian là ngày Tết thầy, lượng khách đổ về Văn Miếu rất đông.
Tượng đài Lý Thái Tổ
Đây là địa điểm đi chơi ở Hà Nội vào buổi tối được nhiều gia đình lựa chọn vào dịp Tết. Tọa lạc tại khu vực Hồ Gươm là điểm thường xuyên diễn ra những sự kiện, hoạt động thể thao sôi nổi của thủ đô, ngoài ra tượng đài Lý Thái Tổ còn là điểm văn hóa, vui chơi và giải trí hấp dẫn vào buổi tối. Tới đây, có thể tham gia các hoạt động thể thao, trượt ván, dắt thú cưng đi dạo ngày Tết.
Thiên đường Bảo Sơn
Chào đón năm mới 2018, công viên Thiên Đường Bảo Sơn tổ chức chương trình nghệ thuật với các tiết mục sôi động, đặc sắc. Sân chơi dân gian tự do với các trò chơi hấp dẫn dành cho các em nhỏ và đặc biệt là chương trình giá vé ưu đãi.
Tham quan 13 Làng nghề truyền thống, Phố cổ, Vườn lan, Bảo tàng bướm, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật ở Đình làng với chiếu chèo rộn ràng và những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người, cùng hòa mình vào các bản làng dân tộc để ngắm nhìn các chàng trai, cô gái dân tộc Thái Mường xoay mình trong những điệu múa bông, múa khèn, nhảy sạp tại Nhà sàn Thái mường, thưởng thức chương trình nghệ thuật múa rối nước.
Hằng Thanh(T/h)