Các loại pin tròn, ví dụ như pin của đồng hồ đeo tay là những vật sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng với khoang mũi trong vòng 4 giờ.
Trẻ em thường có một trí tò mò tự nhiên và luôn muốn tìm hiểu về mọi thứ xảy ra xung quanh.
Thông thường, chúng sẽ khám phá mọi thứ bằng cách đặt câu hỏi hoặc tự khám phá thế giới bằng cách của riêng chúng. Một trong số những điều nguy hiểm có thể xảy ra do trí tò mò của trẻ em là trẻ có thể sẽ đưa các dị vật vào mũi, miệng và tai. Mặc dù đa số các trường hợp như vậy sẽ không gây ra vấn đề gì, nhưng trong một số trường hợp có thể sẽ gây ra tai nạn và đặt trẻ em vào trong những tình huống nguy hiểm hoặc nhiễm trùng.
Trẻ em dưới 5 tuổi thường sẽ gặp phải tai nạn này, trẻ lớn hơn sẽ ít khi gặp phải tai nạn này hơn.
Các vật phổ biến có thể sẽ mắc trong mũi của trẻ bao gồm:
Đồ chơi có kích thước nhỏ
Các mẩu nhỏ của cục tẩy
Giấy ăn
Bút màu
Thực phẩm
Sỏi
Nam châm
Pin tròn
Các loại pin tròn, ví dụ như pin của đồng hồ đeo tay là những vật sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng với khoang mũi trong vòng 4 giờ. Trẻ thường sẽ đút những vật này vào trong mũi vì tò mò hoặc vì trẻ bắt chước các trẻ khác. Tuy nhiên, các vật lạ này cũng có thể mắc vào trong mũi của trẻ một cách vô tình khi trẻ đang ngủ hoặc đang cố ngửi một vật khác.
Triệu chứng của tình trạng có dị vật trong mũi
Nếu bạn nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi nhưng lại không thể nhìn thấy gì trong mũi trẻ, hãy theo dõi xem trẻ có xuất hiện các triệu chứng sau đây khay không:
Chảy dịch từ mũi
Một vật lạ mắc vào trong mũi sẽ khiến cho mũi chảy dịch. Dịch nhầy từ mũi có thể trong suốt, màu hơi xám hoặc có lẫn máu. Dịch mũi có mùi khó chịu có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng.
Khó thở
Trẻ sẽ bị khó thở ở bên mũi có mắc dị vật. Dị vật mắc trong khoang mũi sẽ làm tắc nghẽn khoang mũi, khiến không khí khó lưu thông qua khoang mũi hơn. Trẻ cũng có thể sẽ thở khò khè khi thở bằng đường mũi.
Chẩn đoán
Nếu bạn nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi mà bạn không nhìn thấy, hãy đưa trẻ đến khám bác sỹ ngay. Trong khi khám, bác sỹ sẽ soi sâu vào trong mũi trẻ bằng một dụng cụ đặc biệt. Bác sỹ cũng có thể sẽ lấy mẫu dịch mũi để đem đi xét nghiệm xem liệu trẻ có bị nhiễm trùng không.
Làm thế nào để loại bỏ dị vật?
Nếu bạn nhìn thấy có dị vật trong mũi của trẻ, hãy giữ bình tĩnh. Nếu bạn hoảng loạn, có thể trẻ cũng sẽ hoảng loạn theo.
Phương pháp điều trị duy nhất cho tình trạng này là loại bỏ dị vật ra khỏi mũi. Trong một số trường hợp, việc xì mũi nhẹ có thể là việc làm cần thiết để loại bỏ dị vật ra khỏi mũi.
Bạn cũng có thể thử loại bỏ dị vật ra khỏi mũi của trẻ bằng việc sử dụng nhíp. Bạn chỉ nên sử dụng nhíp đối với những vật lớn, vì nếu sử dụng nhíp với những vật nhỏ thì có thể bạn sẽ còn đẩy vật lạ sâu hơn vào trong mũi của trẻ.
Tránh tuyệt đối không sử dụng tăm bông hoặc dùng ngón tay đút vào trong mũi của trẻ. Việc này sẽ làm cho dị vật đi sâu hơn vào trong mũi.
Ngăn không để trẻ hít mạnh, việc hít mạnh sẽ khiến vật lạ di chuyển sâu hơn vào trong mũi và gây ra tình trạng hóc nghẹn. Khuyến khích trẻ thở bằng miệng cho đến khi vật lạ được loại bỏ ra ngoài.
Nếu bạn không thể loại bỏ vật lạ ra ngoài bằng nhíp, hãy đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất. Tại đó, nhân viên y tế sẽ có những dụng cụ có thể loại bỏ được vật lạ ra khỏi mũi của trẻ. Để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, bác sỹ có thể sẽ gây tê cục bộ phần mũi của trẻ bằng thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt. Bác sỹ cũng có thể sử dụng một loại thuốc giúp ngăn chặn việc chảy máu mũi trước khi thủ thuật diễn ra.
Để dự phòng nhiễm trùng, trẻ có thể sẽ được kê uống thêm kháng sinh hoặc thuốc nhỏ mũi.
Làm thế nào để ngăn chặn tai nạn dị vật trong mũi?
Kể cả khi bạn theo dõi trẻ rất chặt chẽ, thì cũng khó có thể ngăn được việc trẻ đưa một số vật vào tai, mũi và miệng. Đôi khi, tình huống này xảy ra khi bạn chỉ lơ là trong một vài phút.
Bạn cũng không nên la mắng trẻ khi nhìn thấy trẻ đưa vật gì đó vào mũi. Thay vào đó, hãy giải thích cho trẻ hiểu mũi hoạt động như thế nào, và vì sao việc đưa mọi thứ vào mũi lại không tốt. Khi nhìn thấy trẻ đưa vật lạ vào mũi, hãy nhẹ nhàng trao đổi với trẻ, thay vì la mắng trẻ.
Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam