(ĐSPL) - Hiện nay, gạo dược liệu như gạo tím, huyết rồng, hoa sữa, hạt ngọc trời hay gạo mầm Vibigaba... đang được nhiều người tìm mua vì thông tin chúng có khả năng chữa được bệnh, thậm chí khắc chế được cả ung thư. PV báo ĐS&PL đã vào cuộc để làm rõ công dụng thực của loại gạo này.
Ảnh minh họa |
Bỏ trăm nghìn đồng rinh 1kg gạo?
Không khó để tìm mua được sản phẩm gạo dược liệu ở các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội. Thậm chí, một số siêu thị lớn như Coop Mart, E Best Mart, siêu thị Thành Đô, các sản phẩm này cũng được bày bán rất nhiều. PV tìm đến một đại lý cung ứng gạo nằm trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Cửa hàng này rộng khoảng 50m2, trưng bày đủ các loại gạo từ bình dân đến “cao cấp”. Thấy chúng tôi, bà chủ cửa hàng chạy ra đon đả chào mời: “Chị chuyên cung ứng gạo cho mấy quận vùng phía bắc Hà Nội. Gạo gì cũng có, kể cả gạo dược liệu từ bình dân đến cao cấp. Em cần loại gì, Vibigaba, huyết rồng hay ngọc trời?”.
Chủ cửa hàng cho biết, nếu mua gạo với nhu cầu chữa bệnh thì khách hàng chỉ cần nói qua về sức khỏe của người nhà, bà chủ này sẽ giới thiệu cho loại gạo phù hợp với người bệnh.
Theo quan sát của PV, tại cửa hàng này có đến hơn chục loại gạo dược liệu được gắn biển đề tên. Bằng mắt thường có thể thấy, gạo dược liệu có hạt to gấp rưỡi gạo bình thường. Đặc điểm khác biệt nhất đó là chúng không có màu trắng, trong như gạo thường mà hầu hết đều có màu tím. Một số loại có màu xanh nước biển.
Khi chúng tôi đề cập về giá cả, chủ cửa hàng khẳng định: “Đây là gạo dược liệu, có công dụng giống như một loại thực phẩm chức năng. Chính vì thế, giá của nó khá cao, gấp 4-5 lần gạo thường. Gạo mầm đen Vibigaba hữu cơ có giá cao nhất lên tới 200.000 đồng/kg. Các sản phẩm còn lại cũng có giá dao động 70.000 – 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, cửa hàng còn có tới hơn 10 sản phẩm gạo dược liệu thuộc nhiều dòng khác nhau. Khách hàng thoải mái chọn”.
Thấy chúng tôi chê đắt, bà chủ cửa hàng liền giới thiệu cho loại gạo dược liệu có giá “mềm” hơn, 50.000 đồng/kg. Thậm chí, bà ta còn quảng cáo gạo này đã được kiểm định bởi một cơ quan Nhà nước? Đó là gạo thảo dược Vĩnh Hòa. Khi PV xem trên tờ phiếu kết quả kiểm nghiệm của gạo Vĩnh Hòa có ghi rõ hàm lượng dinh dưỡng rất cao, tốt cho sức khỏe, hàm lượng caxi 16,6mg/100g, sắt 1,1mg/100g, vitamin A 57,0mg/100g. Omega 9: 1.290,0mg/100g.
Chưa dừng lại ở đó, trên phiếu này còn ghi rõ, gạo thảo dược Vĩnh Hòa giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), chất omega có tác dụng chống ung thư, chống loãng xương, khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân?
Tham khảo tại một số cửa hàng khác, PV cũng bất ngờ khi thấy gạo dược liệu được bán với nhiều giá khác nhau. Cùng một loại gạo mầm đen Vibigaba, có cửa hàng bán với giá 300.000 đồng/kg nhưng có nơi chỉ bán giá 150.000 đồng/kg.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được một số chủ cửa hàng quảng cáo một loại gạo có xuất xứ từ Nhật Bản, được gọi với cái tên gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch!
Gạo dược liệu có chữa khỏi bệnh?
Để tìm hiểu vì sao gạo dược liệu được bán với giá cao đến vậy, chúng tôi đã liên hệ với một số nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực tiếp trồng loại lúa này. Hầu hết bà con đều khẳng định, gạo dược liệu có giá “chát” một phần vì quy trình chăm sóc và thu hoạch rất khắt khe.
Khi gọi đến số điện thoại 0972xxx015 được đăng tải trên diễn đàn trongluaduoclieuxxx, chúng tôi liên hệ được với một người giới thiệu tên Nam, quê Bến Tre. Người này cho biết đã trồng lúa dược liệu hơn 5 năm. Hiện tại, anh Nam đang mở rộng diện tích lên đến gần 9 mẫu.
Trả lời PV về sự đắt đỏ của gạo dược liệu, anh Nam chia sẻ: “Để làm ra sản phẩm gạo tốt cho sức khỏe, chúng tôi phải tốn khá nhiều vốn đầu tư. Không những thế, sản lượng khi thu hoạch gạo dược liệu chỉ bằng 1/5 so với gạo thông thường. Mỗi năm, giống lúa này chỉ trồng được một vụ và chỉ canh tác được ở một số vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi thu hoạch, lúa được sấy khô và bảo quản giống như bảo quản lúa giống. Nếu không làm đúng kỹ thuật, gạo dược liệu sẽ mất đi hàm lượng dưỡng chất vốn có”.
Anh Nam cũng cho biết thêm, trong các diện tích đất đang sử dụng, anh dành khoảng 2/3 để canh tác lúa dược liệu. Hiện tại, cơ sở của anh Nam xuất khẩu 70\% số lượng gạo dược liệu ra nước ngoài, chỉ có 30\% bán ở thị trường trong nước. Thậm chí, nhiều đơn hàng xuất khẩu, cơ sở này còn không đủ hàng để cung ứng.
Theo anh Nam, nhiều thương lái trong vùng thu mua gạo dược liệu để xuất khẩu nên mặt hàng này luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Đây chính là nguyên nhân khiến giá gạo bị đẩy lên cao như hiện nay.
Được biết, ở Việt Nam, không ít người dân coi gạo dược liệu như “thần dược” có thể chữa được rất nhiều bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo. Chị Thanh Vân (Kim Mã, Ba Đình, TP. Hà Nội) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chuyên dùng gạo thơm Thái Lan. Nhưng thời gian gần đây, nhà tôi chuyển sang dùng gạo dược liệu vì nghe nói nó có khả năng chữa nhiều bệnh và kháng được ung thư. Mới đầu, gia đình chỉ định mua ăn thử vì hiệu quả chữa bệnh chưa có ai kiểm chứng. Trên mạng, nhiều người cũng nói rằng gạo này chỉ có dinh dưỡng cao chứ không hề chữa được bệnh nhưng các thành viên trong gia đình ăn đều thấy ngon nên chuyển sang dùng luôn mặc dù giá cao gấp nhiều lần loại gạo thông thường”.
Cũng giống như chị Vân, chị Mai Oanh (thị trấn Thường Tín, TP. Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi mẹ tôi mắc bệnh đường tiêu hóa, gia đình tôi cũng chuyển sang ăn gạo dược liệu. Tôi có nghe các chị em trên mạng kháo nhau rằng, ăn gạo này không những ngon mà còn có khả năng chữa bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường. Giá gạo dược liệu cao, nhiều khi cũng xót lắm nhưng nghĩ tốt cho sức khỏe nên gia đình vẫn duy trì sử dụng. Tuy nhiên, dùng cũng khá lâu rồi nhưng bệnh tiểu đường của mẹ tôi không thuyên giảm. Nhiều người bị bệnh cũng chia sẻ rằng, gạo này được quảng cáo là “thần dược” nhưng chưa có ai khỏi bệnh sau khi sử dụng. Thời gian tới, có lẽ tôi sẽ dừng mua loại gạo này vì tốn kém quá mà chưa thấy hiệu quả như quảng cáo”.
Gạo không phải là thuốc chữa bệnh Về vấn đề này, GS.TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về nông nghiệp cho rằng: “Thực tế, có một số dòng gạo chứa nhiều vitamin, dinh dưỡng, khi sử dụng rất tốt cho sức khỏe. Trong đó, các loại gạo dược liệu có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gạo thông thường. Tuy nhiên, để có hàm lượng chất dinh dưỡng cao đòi hỏi phương thức canh tác phải quy củ. Nếu làm sai quy trình, sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm không những sẽ bị giảm mà còn tích tụ độc hại. Hiện nay, nhiều loại gạo được quảng cáo chữa ung thư, tiểu đường là nói quá. Gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Ở Việt Nam, chưa có một quy chuẩn, nghiên cứu nào về các loại gạo hữu cơ, gạo thảo dược có thể chữa được bệnh cả. Để tránh nhầm lẫn, người dùng nên mua ở các cơ sở uy tín. Bởi loại gạo này có giá cao nên nhiều người thường lợi dụng vào đó để tung ra gạo giả, gạo kém chất lượng”. |
TRUNG DŨNG
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]k1OWwXlbLM[/mecloud]