+Aa-
    Zalo

    Đi tìm lời giải chuyện cá sắp chết quẫy đạp nhờ hóa chất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các chuyên gia Việt Nam lý giải hiện tượng cá chết quẫy đạp sau khi rắc hóa chất trong đoạn video của đài CCTV (Trung Quốc) đang lan truyền trên facebook.

    Các chuyên gia Việt Nam lý giải hiện tượng cá chết quẫy đạp sau khi rắc hóa chất trong đoạn video của đài CCTV (Trung Quốc) đang lan truyền trên facebook.

    Cá hồi sinh nhờ chất lạ?

    Theo hình ảnh từ đài truyền hình CCTV, một con cá rô phi đã gần chết nằm yên dưới đáy chậu nước nhưng khi đổ lên thân cá một ít chất bột trắng thì ngay lập tức, con cá quẫy đạp khỏe mạnh. Đoạn clip này khiến cư dân mạng rất hoang mang cho rằng có thể lâu nay họ bị ăn chất độc vào người.

    Trong đoạn video, ông Lý Tiểu Chính, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Khoa học Thủy sản Quảng Tây xác nhận chất bột trắng là natri peroxit - hợp chất vô cơ có công thức Na2O2. Hóa chất này sau khi thả vào nước sẽ tạo ra oxy để đưa con cá từ tình trạng hấp hối trở lại sự sống.


    Natri peroxit hay sử dụng để tẩy bột gỗ trong sản xuất giấy và in ấn. Ngoài ra, nó còn được dùng trong thí nghiệm như tách quặng khỏi kim loại, hay dùng làm chất oxy hóa trong phản ứng điều chế.

    Tuy nhiên ông Lý Tiểu Chính cũng nói: “Hóa chất này dùng để tạo ra oxy rất tốt nhưng nếu muốn thêm bất kỳ nguyên liệu công nghiệp nào vào trong quá trình sản xuất thì cần phải xem xét một cách cẩn thận trước khi quyết định”.

    Không có hóa chất làm cá sống lại

    Những ngày gần đây, đoạn video này lan truyền trên facebook gây ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều người cho rằng hóa chất khiến cá chết sống lại là một sự gian lận thương mại, đánh lừa người dân. Đồng thời việc sự dụng hóa chất này chắc chắn đem lại nguy hiểm cho người ăn phải loại cá này.

    Vậy liệu rằng có hóa chất nào đủ khả năng hồi sinh cá? Để làm rõ điều này, PV đã trao đổi với PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

    “Tất nhiên là không thể có hóa chất nào làm cá chết sống lại. Có một số trường hợp các cơ còn tươi của động vật khi bị kích thích bằng axit (hay một chất kích thích khác) thì nó co giật như đang cử động, chẳng hạn thí nghiệm trên ếch cho học sinh lớp 5”, PGS Côn khẳng định.

    Về hình ảnh trong video đang khiến dư luận tò mò, chuyên gia này cho biết, trong trường hợp này, không phải cá đã chết, đó là cá sắp chết, tức vẫn còn sống nhưng bất động vì bị thiếu oxy (chỉ được sống trong một lượng nước nhỏ).

    Sau đó, cá bật quẫy lên khi cho chất bột được xác định là natri peoxit - Na2O2 vào. Theo PGS Côn, Na2O2 ở Việt Nam ít được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nó chỉ được dùng trong các phòng thí nghiệm, mặt nạ chống độc và số ít sử dụng trong tẩy xenlulo. Na2O2 tan vào nước giải phóng oxy và kiềm mạnh - NaOH làm pH tăng cao đột ngột.

     “Theo tôi con cá bất ngờ quẫy lên có thể do 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do việc thêm oxy làm cá phấn kích, thứ hai là do nước đột nhiên có độ kiềm tăng vọt làm kích thích các mô hở như mang cá... làm nó phản ứng mà quẫy mạnh lên. Song chắc chắn chỉ sau một vài phút cá sẽ chết hẳn do độ kiềm của nước quá cao.

    Còn natri peoxit sau khi giải phóng oxy tồn tại như một chất kiềm mạnh – NaOH có thể ăn mòn da tay, các cơ quan của cơ thể khi tiếp xúc với nó. Do đó, hóa chất này gây nguy hiểm chứ không có độc tính cao. Thực phẩm nhiễm kiềm cao rất dễ phân hủy và phân hủy nhanh hơn bình thường, thậm chí nếu nồng độ kiềm cao thì amoniac sẽ được giải phóng ra từ các protein trong thực phẩm gây nên mùi khó chịu. Nên khả năng chúng ta ăn phải rất ít. Lượng kiềm trong cơ thể cá cũng không quá lớn để gây độc hại”, chuyên gia này cho hay.

    PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đồng tình quan điểm không có hóa chất nào có thể làm cá chết sống lại. “Chỉ có khi cá đang bị sốc, chết lâm sàng, khi tác động vào mới có thể có phản ứng lại. Còn khi con cá đã chết, não bộ đã bị hủy hoại, tuyệt đối không có chuyện hồi sinh”, ông khẳng định.

    Theo Tri thức trực tuyến

    Xem thêm video:

     [mecloud]Hgg9ZANM1o[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-tim-loi-giai-chuyen-ca-sap-chet-quay-dap-nho-hoa-chat-a121322.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.