+Aa-
    Zalo

    “Dị nhân” làng Mỹ Cảnh với những lằn ranh sinh - tử giữa biển khơi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cho đến nay, lão ngư Nguyễn Văn Năm vẫn không thể nhớ hết số lần đối diện với ranh giới sinh - tử giữa biển cả mênh mông.

    Cho đến nay, lão ngư Nguyễn Văn Năm vẫn không thể nhớ hết số lần đối diện với ranh giới sinh - tử giữa biển cả mênh mông. Hết lần này đến lần khác, ông gan dạ, chỉ huy đội tàu, đều đặn rẽ sóng vươn ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt, giúp gia đình phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với ông, tàu là nhà, biển cả là quê hương...

    Sinh ra từ biển, coi biển là nhà

    Chúng tôi đến làng biển Mỹ Cảnh, thuộc xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tìm gặp lão ngư Nguyễn Văn Năm. Dù đã ngấp nghé 70, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, đặc biệt là làn da rám nắng khỏe khoắn đậm chất dân biển.

    Lão ngư Nguyễn Văn Năm.

    Với giọng nói hào sảng, ông kể cho chúng tôi nghe hành trình bám biển quê hương. Với lão ngư này, biển là nhà – nơi ông cùng các ngư dân địa phương rẽ sóng ra khơi, vừa để phát triển kinh tế nuôi sống gia đình, vừa là cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Ông kể, ngày trước, bố mẹ ông không có nhà, chiếc thuyền câu là nơi tá túc duy nhất của cả gia đình. Vì nhà nghèo, nên mặc dù bụng bầu đã “vượt mặt”, mẹ ông vẫn cùng chồng chèo thuyền ra khơi. Không ngờ, bà chuyển dạ ngay trên biển. “Mẹ sinh tôi ra giữa mênh mông sóng nước, cha tự tay cắt rốn, nhúng xuống biển để tắm rửa cho tôi. Hình như tôi sinh ra từ biển, được biển bao bọc nên tôi cứ lớn lên khỏe mạnh và là đứa trẻ dạn dĩ trước sóng gió”, ông Năm kể lại.

    Tuổi thơ gắn với sóng biển nên khi lên 5 tuổi, ông đã bơi lội thành thục. Nhà nghèo, không có điều kiện học chữ như chúng bạn, cuộc sống cứ ngược xuôi theo con nước, khi tuổi còn rất trẻ, ông đã là một ngư dân thực thụ.

    Đến năm 15 tuổi, gia đình ông may mắn đóng được tàu công suất lớn, hai cha con ông bắt đầu rẽ sóng chinh phục ngư trường Hoàng Sa. Cái máu của một ngư dân thực thụ đã ngấm vào người từ lúc nào không hay. Mỗi lần dong buồm ra ngư trường Hoàng Sa, ông đều thông thuộc mọi vùng biển từ rạn san hô đến đặc tính của từng loài cá, con nước.

    “Đi biển thời xưa không như bây giờ, từ lưới cụ đến thức ăn cái gì cũng thiếu. Nhưng ngược lại, biển lại rất nhiều cá, tôi chỉ cần nhìn lên sao trời, nhìn xuống sóng biển là có thể đoán được hướng cá, biết vùng biển đó có cá gì để thả mồi câu”, lão nông vui vẻ chia sẻ.

    Có lẽ vì vậy mà ở làng biển Mỹ Cảnh, hỏi thăm ông Năm không ai là không biết. Lớp trẻ phục ông về nghề, lớp già nể ông về sức khỏe. Cho đến nay, dù đã ngấp nghé “thất thập” ông Năm vẫn hứng khởi ra khơi, năng suất mỗi lần đi biển không hề kém cạnh bất cứ một ai, thậm chí vượt trội.

    Được biết, vợ chồng lão ngư có 3 người con trai, đều đã trưởng thành, có gia đình và đã đóng tàu đi biển riêng. Anh Nguyễn Ngọc Châu, con trai cả của ông cho biết, từ ngày nhỏ, cả 3 anh em đều được ông Năm dạy dỗ, đưa đi biển nhiều lần để ông truyền dạy kinh nghiệm.

    Từ những lần đầu tiên đi biển với cha đến nay, anh Châu không thể đếm hết số lần đối diện với “sinh – tử”, nhưng may mắn, nhờ có cha đi cùng, dựa vào kinh nghiệm mà ông đã đưa mấy anh em thoát chết.

    “Mỗi chuyến ra khơi, không có ba đi theo, trong lòng mấy anh em cũng thấp thỏm không yên nhưng giờ ba tuổi đã cao, cũng cần được nghỉ ngơi dưỡng già. Tuy vậy, mỗi lần nghe con cái khuyên bảo ở nhà, ba đều gạt phăng, kiên quyết đi cho bằng được”, anh Châu bộc bạch.

    Nghe người con trai cả nói, ông Năm liền xua tay giải thích: “Tuổi đã cao thật, nhưng tôi ở nhà không quen, buồn tay buồn chân lắm. Mà cũng lạ, cứ lâu lâu, không được ngâm mình được trong nước biển, tay không buông cần câu, không hít được mùi cá tươi là tui sinh ốm liền. Với tôi, biển cả luôn là ngôi nhà thứ hai của mình”.

    “Dị nhân” của làng biển

    Những câu chuyện về biển cả, về những lần rẽ sóng ra khơi của ông Năm cứ thế cuốn hút chúng tôi. Trong hành trình chinh phục biển cả của mình, ông Năm đã đối diện với bao hiểm nguy, thậm chí có lúc tưởng phải đánh đổi cả mạng sống của hàng chục con người – đó có lẽ là những kỷ niệm “xương máu” không thể nào quên đối với lão ngư này.

    Đó là chuyến đi biển khoảng 7 năm về trước, đài báo gió mùa Đông - Bắc thổi rất mạnh, nhưng vì ra khơi đã nhiều ngày mà sản lượng đánh bắt chưa được là bao nên ông cùng các ngư dân quyết đánh liều ở lại. Đêm đến, bầu trời giăng kín một màu đen kịt, gió từ đại dương thổi vào mỗi lúc một mạnh, tuy vậy, mẻ lưới đầu tiên, thuyền của ông vẫn vớt được hơn 1 tấn cá.

    Đặc biệt, đêm đó ông dùng cần, câu được con cá cờ nặng hơn 2 tạ. Cả 4 cha con cùng các bạn thuyền đánh vật với sức cá, sức sóng, hơn 3 giờ đồng hồ mới tời được con cá lên tàu. Mải mê đánh bắt, ngoảnh lại giữa mênh mông nước một màu trắng xóa. Những con sóng cao hơn mái nhà cứ lao tới như muốn nhấn chìm con tàu.

    Sóng mạnh, con tàu cứ xoay ngang - dọc, trồi lên, tụt xuống như con ngựa bất kham, rồi cơn sóng dữ kèm theo gió mạnh nổi lên đánh bật cả 4 cha con cùng 5 ngư dân rơi xuống biển nhưng may thay lúc đó không ai bị thương, con tàu vẫn chưa đắm.

    Từng kinh qua nhiều chuyến đi biển, cộng thêm sức khỏe vượt trội, ông Năm đã cố dùng sức cùng các con bơi về phía mạn tàu rồi níu nhau lên tàu, ông liền chỉ huy các con mình thả phao vớt các ngư dân lên, còn ông tự mình cầm lái, hướng mũi tàu chém sóng, tránh bị lật. Đánh vật với sóng biển một ngày một đêm, cho đến khi con tàu rẽ sóng hướng về phía Đông, ông Năm cùng các ngư dân mới biết mình thoát chết kỳ diệu.

    Ngày đó, sau khi nhận tin có bão trên biển, các tàu đã nhanh chóng trở về neo đậu tránh trú. Gia đình ông Năm và người thân của các ngư dân trên tàu không hề nhận được bất cứ thông tin nào về họ. Hơn 10 ngày sau, gia đình và cơ quan chức năng tìm cách kết nối với tàu của ông nhưng không có tín hiệu.

    Cơn bão qua đi, sóng yên biển lặng, tàu vẫn chưa trở về, dân làng nghĩ ông cùng các thuyền viên đã bị biển cả vùi sâu dưới lòng đại dương. Người dân trong xã đã huy động 8 tàu lớn ra biển với hy vọng tìm thấy xác cha con ông cùng các ngư dân nhưng bất thành. Giữa lúc người thân đang tuyệt vọng, đau đớn, ông Năm và 3 con trai cùng tốp thuyền viên lại cưỡi sóng lành lặn trở về trong sự xúc động vỡ òa của gia đình, làng xóm.

    “Gần đây nhất, chuyến tàu cuối cùng trong năm 2016, trên đường từ Hoàng Sa về, Châu cầm lái, do mệt nên ngủ thiếp đi. Khi nó giật mình tỉnh dậy thì hoảng sợ khi nhìn thấy một con tàu rất lớn đang lao đến, chỉ cách mũi tàu của mình đúng 5 mét. Thấy vậy, tôi nhanh trí lao tới vù ga chạy lùi.

    Khi tôi đánh lái hướng mũi tàu sang phải thì cùng lúc chiếc tàu hùng hổ lao tới, hai mạn tàu va vào nhau sàn sạt nhưng không chìm. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi tiếp tục cho tàu lùi ra một khoảng rồi bẻ lái rồ ga chạy về hướng Tây – Bắc với tốc độ cao nhất có thể. Các ngư dân trên tàu một phen hú vía”, ông kể.

    Trên tàu khi ấy có 10 ngư dân, nếu ông Năm không nhanh trí, tai họa ập đến, rất có thể 10 gia đình trong làng biển đã không có Tết... Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, ông Năm như người chỉ huy trưởng gan dạ, chỉ huy đội tàu, đều đặn rẽ sóng vươn ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt, giúp gia đình phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với ông, tàu là nhà, biển cả là quê hương nên cần phải bảo vệ, gìn giữ.

    Ngô Huyền

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 137

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-nhan-lang-my-canh-voi-nhung-lan-ranh-sinh---tu-giua-bien-khoi-a290687.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan