Nếu như các năm trước, giai đoạn cuối năm chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của 5-7 mẫu di động cao cấp thì năm nay, iPhone lại độc bước trên thị trường.
Không giấu được vẻ hân hoan, nhiều hệ thống di động lớn thông báo nhận được số lượng đặt trước kỷ lục cho sản phẩm iPhone 7, 7 Plus chính hãng. Thế Giới Di Động mở chương trình đặt trước trong 24 giờ đã nhận đủ 2.000 đơn đặt hàng trong ngày sản phẩm ra mắt (16/9).
FPT Shop cũng hoàn thành con số nhận đặt cọc tương tự. Đơn vị này thậm chí còn sớm công bố giá dự kiến của iPhone mới trước cả tháng so với các năm.
iPhone 7 về nước trong sự háo hức của người dùng và giới kinh doanh. Ảnh: Thành Duy. |
Trên nhóm xách tay, iPhone 7 tạo hiệu ứng tốt. Những chiếc iPhone 7 đầu tiên được chào bán với giá thấp nhất 25 triệu đồng, 7 Plus là 30 triệu. Hiện cơn sốt phần nào hạ nhiệt, nhưng người dùng vẫn phải bỏ ra khoảng 24 triệu để sở hữu iPhone 7 Plus bản thường. Nếu muốn mua màu Jet Black bản dung lượng cao nhất, số tiền họ có thể phải bỏ ra lên đến 80-90 triệu đồng.Nhiều đơn vị kinh doanh khác - dù bận tối mắt với các đơn hàng iPhone 7, 7 Plus xách tay - cũng không quên ôm một số lượng lớn đơn đặt trước máy chính hãng.
Tuy nhiên, iPhone 7 có đẳng cấp đến vậy mà khiến cho thị trường chao đảo. "iPhone 7 không xuất sắc nhưng các đối thủ tự thua", đại diện một hệ thống bán lẻ nhận định.
Đối thủ tự thua
Nếu như các năm trước, giai đoạn cuối năm chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của 5-7 mẫu di động cao cấp thì năm nay, iPhone có vẻ sẽ độc bước trên thị trường.
Chưa khi nào, nhóm di động cao cấp tỏ ra đìu hiu đến vậy. LG tự loại mình khỏi cuộc chơi khi không bán G5 tại Việt Nam. Model mới ra mắt là V20 cũng chưa hẹn ngày lên kệ. HTC 10 được giới công nghệ đánh giá cao nhưng hãng dành quá ít chi phí cho việc marketing sản phẩm.
Sony hụt hơi ở nửa đầu năm khi chỉ bán chiếc Xperia X thay vì model cấu hình cao X Performance tại Việt Nam. Sắp tới, họ sẽ cho bán Xperia XZ với giá khoảng 16 triệu đồng. Tuy nhiên, để trở thành đối trọng của iPhone thì XZ chưa đủ sức.
Galaxy Note 7, với màn ra mắt rầm rộ kèm doanh số ban đầu đáng mơ ước, vốn được xem là đối thủ lớn nhất của iPhone 7. Tuy nhiên, model này vướng phải scandal pin và chưa có kế hoạch bán trở lại tại Việt Nam.
Trong một năm mà iPhone không thực sự xuất sắc (không nâng cấp mạnh mẽ về kiểu dáng), các đối thủ bỗng dưng đồng loạt gặp vấn đề, khiến nó trở thành tâm điểm của thị trường.
iPhone là tâm điểm
Chưa cần iPhone 7 chính hãng có mặt tại Việt Nam, model có một năm tuổi đời là iPhone 6S hiện vẫn thống trị nhóm di động cao cấp.
Theo thống kê của hệ thống bán lẻ lớn nhất trong nước, Samsung Galaxy S7 edge là chiếc di động Android bán chạy nhất hiện nay. Tuy nhiên, doanh số của nó chỉ nhỉnh hơn khoảng 15% so với phiên bản iPhone 6S 16 GB. Nếu tính thêm bản 64 GB, iPhone 6S lập tức vượt mặt đối thủ. Đó là chưa kể doanh số của hàng loạt model như iPhone 6S Plus, iPhone 6 và 6 Plus.
Nhóm di động xách tay còn chứng kiến sự vượt trội về mọi mặt của iPhone. Với các sản phẩm tầm giá trên 10 triệu đồng, iPhone gần như là mẫu di động duy nhất đem về doanh thu cho các cửa hàng.
Smartphone của Apple tạo ra một thị trường riêng, áp đảo so với các model Android (ở nhóm cao cấp). Ở đó, người dùng có thể tùy chọn rất nhiều phiên bản khác nhau, tầm giá cũng khác nhau.
Chẳng hạn, với sản phẩm iPhone 6S, họ có thể chọn máy mới 100% với giá khoảng hơn 13 triệu cho bản 16 GB, máy trả bảo hành với giá khoảng 11,5 triệu đồng hoặc máy qua sử dụng giá 10,5 triệu đồng.
Theo chia sẻ của các cửa hàng, sức bán các mẫu iPhone đời cũ hơn gần như không giảm ngay cả khi iPhone 7 về nước. Đón model mới, họ lập tức giảm giá các sản phẩm cũ để kích cầu.
Với giá trị sử dụng tốt, yếu tố nhận diện thương hiệu cao, cộng với sự thuận tiện trong các giao dịch mua bán, sửa chữa và hệ thống phụ kiện phong phú, iPhone rõ ràng đang là model di động phổ biến nhất tại Việt Nam.
Thành Duy
Nguồn Tri thức trực tuyến