Triệu chứng hậu COVID-19
Hậu COVID-19 là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là các những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các triệu chứng xuất hiện sau khi người bệnh âm tính với SARS-CoV-2 đang được giới khoa học chia làm 2 giai đoạn.
"Trong khoảng thời gian từ 4 đến 12 tuần sau khi người bệnh khỏi COVID-19, các triệu chứng này được xếp vào giai đoạn COVID-19 kéo dài hay còn gọi là 'on going'. Với các triệu chứng mới xuất hiện hoặc tồn tại sau 12 tuần tính từ thời điểm khỏi bệnh, chúng sẽ được xếp vào nhóm hậu COVID-19", bác sĩ Cấp chia sẻ.
Vị chuyên gia nói thêm: "Tùy thuộc vào số liệu thống kê với 55 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19 cũng như cách phân loại, chúng ta có thể đánh giá tỷ lệ bệnh nhân gặp vấn đề nào. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đến nay ghi nhận khoảng 70-80% bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19, dù từng diễn biến nặng hay nhẹ, đều xuất hiện một vài biểu hiện trong nhóm 55 triệu chứng đó".
BS Cấp đánh giá các ảnh hưởng của hậu COVID-19 rất hiện hữu. Một số triệu chứng thực sự nghiêm trọng như mệt mỏi, mất khả năng làm việc hoặc rối loạn trí nhớ, hành vi, giấc ngủ,...
TS.BS Trần Văn Giang - Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay một số triệu chứng của hậu COVID-19 có thể kéo dài từ 6 tháng trở lên. Theo vị chuyên gia này, hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như hô hấp, huyết học, tim mạch, thần kinh, thận tiết niệu, nội tiết, tiêu hóa và gan mật, da liễu hay hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em.
Một số triệu chứng phổ biến có thể kể tới là khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt,... Các vấn đề này có thể nặng nề hơn khi hoạt động thể lực, trí óc cường độ cao. Hậu COVID-19 cũng gây ảnh hưởng về trí nhớ, sự tập trung, giấc ngủ, ho kéo dài, đau tức ngực,...
Những đối tượng lưu ý sức khỏe hậu COVID-19
Theo các chuyên gia, không phải ai cũng nên đi thăm khám hậu COVID-19. Các nhóm cần đi khám là những người có triệu chứng và những người nguy cơ cao.
"Nhóm những người có nguy cơ cao như người đã từng nằm viện, người thuộc nhóm có bệnh nền như béo phì, tiểu đường. Lớn tuổi hoặc trong thời gian nằm viện, người ta phải can thiệp thở máy, phải can thiệp ECMO. Những người đó sau xuất viện thì bác sĩ chắc chắn sẽ hẹn tái khám. Và những người này người ta vẫn còn triệu chứng khi xuất viện", TS.BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ với VTV News.
Còn đối với những người không còn triệu chứng, chất lượng cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều, các chuyên gia cho rằng cần lạc quan, không lo lắng khi thấy nhiều người khám hậu COVID-19.
Như vậy, các đối tượng nguy cơ nhập viện, bệnh nền là những đối tượng có các yếu tố nguy cơ phát triển hội chứng hậu COVID-19. Ngoài ra, bệnh nhân nhẹ cũng cần lắng nghe cơ thể có những triệu chứng bất thường để đi thăm khám sức khỏe hậu COVID-19
Giải pháp giúp hạn chế di chứng COVID-19
BS Trần Văn Giang cho biết đến nay, vaccine vẫn là cách tốt nhất để phòng bệnh COVID-19. Mặt khác, những người đã tiêm vaccine khi nhiễm virus, các di chứng hậu COVID-19 cũng sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn. Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng khuyến cáo người dân nên tiêm đủ mũi vaccine để phòng bệnh cũng như hạn chế được các vấn đề hậu COVID-19.
Về chẩn đoán và điều trị, vị chuyên gia cho biết đến nay, các bác sĩ vẫn phải chẩn đoán lâm sàng và sử dụng phương pháp loại trừ đối với trường hợp có di chứng hậu COVID-19.
"Chúng ta chưa có phương pháp xét nghiệm để khẳng định người bệnh có tình trạng hậu COVID-19. Việc dương tính với SARS-CoV-2 hay kháng thể của virus không có ý nghĩa quyết định để chẩn đoán bệnh. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị hậu COVID-19 lúc này vẫn thực sự khó khăn", bác sĩ Giang nói.
Liên quan vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam khẳng định cách dự phòng các di chứng hậu COVID-19 tốt nhất hiện nay vẫn là tránh để bản thân nhiễm SARS-CoV-2. Mọi người cần tập trung tuân thủ khuyến cáo 5K và nhanh chóng tiêm vaccine phòng bệnh.
Dùng y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị các hội chứng hậu COVID-19
Y học cổ truyền là giải pháp quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe, hỗ trợ điều trị di chứng và chống tái phát COVID-19.
Trong quá trình chống đại dịch COVID-19, y học cổ truyền đã góp phần trong việc phòng và điều trị bệnh. Các phương pháp y học cổ truyền được đánh giá cao với sự an toàn và hiệu quả, điều này đã được chứng minh lâm sàng tại Trung Quốc thông qua các thử nghiệm các chế phẩm từ dược liệu.
Sự đa dạng của các biến chứng quan sát được ở các bệnh nhân hậu COVID-19 cản trở sự điều trị hiệu quả. Thế mạnh của y học cổ truyền là nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe sau mắc bệnh và điều trị bệnh theo lý luận tạng phủ, khí huyết một cách tổng thể, toàn diện. Do đó, bệnh nhân cần được khám tỉ mỉ, phân tích chứng hậu, chứng trạng, chẩn đoán bát cương, để có pháp phương điều trị phù hợp nhất.
Thảo dược và các hợp chất thiên nhiên trong thảo dược có vai trò quan trọng trong việc ức chế SARS-CoV-2 và kiểm soát biến chứng sau mắc COVID-19. Các chất phytochemical có nguồn gốc thảo dược đã được báo cáo có thể ngăn ngừa nhiễm virus và khắc phục các biến chứng sau COVID-19 như bệnh parkinson, suy thận, suy tim, tổn thương gan, phổi và các vấn đề về tâm thần… bằng cách điều hòa miễn dịch và chống viêm, theo Lao Động.
Linh Chi(T/h)