Theo kế hoạch, tháng 9/2022, ĐH Quốc gia Hà Nội cơ sở tại Hòa Lạc sẽ đón hơn 2.000 sinh viên của 4 trường trực thuộc tới học tập tại đây.
Bao gồm, toàn bộ sinh viên năm nhất của Trường ĐH Y Dược; toàn bộ Khối ngành Sư phạm của Trường ĐH Giáo dục; sinh viên năm nhất của 5 ngành (Ngôn ngữ Anh, Tự động hóa và Tin học, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics, Công nghệ tài chính và Kinh doanh số, Công nghệ thông tin ứng dụng) của Trường Quốc tế; gần 400 sinh viên năm nhất và năm hai của Trường ĐH Việt Nhật (Ngành Khoa học Máy tính, Nhật Bản học, Nông nghiệp Thông minh và Bền vững, Kỹ thuật Xây dựng, học luân phiên tại cở sở Mỹ Đình và Hòa Lạc ).
Đến thời điểm này, Trung tâm phát triển ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã bàn giao diện tích sử dụng với Trường Quốc tế, Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Giáo dục, Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao và phối hợp thực hiện các hạng mục còn lại như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, các dịch vụ thiết yếu như ăn uống, thư viện; cảnh quan đô thị, các tuyến bus nhanh, hệ thống nội trú sinh viên, hệ thống mạng internet,...
Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/8, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs, thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha, đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ hai của năm 2022. Việt Nam có 184 cơ sở đào tạo nằm trong danh sách này.
Đáng chú ý, ĐH Quốc gia Hà Nội đứng vị trí 758 thế giới và số 1 tại Việt Nam; tăng 186 bậc so với lần xếp hạng tháng 1 vừa qua, vị trí 183 Châu Á và vị trí 14 Đông Nam Á.
Ngoài ĐHQGHN ở vị trí số 1, top 10 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam còn có Trường ĐH Tôn Đức Thắng (ví trí số 2 Việt Nam, 1015 thế giới); Trường ĐH Duy Tân (vị trí thứ 3 và 1092); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (vị trí thứ 4 và 1334) và các trường ĐH như Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM; Trường ĐH Công nghiệp THPT; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Trường ĐH Kinh tế TPHCM; Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Đà Nẵng.
Bạch Hiền (t/h)