Có thể thực tâm, ông Đoàn Ngọc Hải không muốn mình trở thành “người hùng” trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho thành phố, thế nhưng, sự chậm trễ của cấp phường đã khiến ông phải hành động.
Những ngày vừa qua, với quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, cải thiện mỹ quan đô thị của thành phố, lực lượng chức năng Quận 1 (tp. Hồ Chí Minh) đã đẩy mạnh công tác xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Và việc “ra quân” mạnh mẽ lần này của Quận 1 đã được giới truyền thông trong nước ví như một cơn lốc. Trong đó, hành động xuống đường xử lí sai phạm một cách quyết liệt, không phân biệt nhà nước hay tư nhân của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch quận đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ của dư luận, thậm chí, còn xuất hiện những nhận định cho rằng, trong công cuộc lập lại trật tự vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải chính là một “người hùng”.
Phó chủ tịch Quận chỉ đạo dọn dẹp vỉa hè với tốc độ khẩn trương, quyết liệt và được ví như một cơn lốc. Ảnh: Diễn đàn kinh tế |
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận lại dành cho vị Phó Chủ tịch quận “danh xưng” đó, bởi người dân có thể dễ dàng nhận thấy thái độ quyết liệt và tinh thần làm việc không ngại “đụng chạm” của ông. Cụ thể, cabin bảo vệ, hàng rào xích sắt trên vỉa hè – cho tháo gỡ; công trình lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến đường Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Công Trứ - cho tháo gỡ; bồn hoa, cây cảnh xây dựng trái phép, lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ - phá bỏ; xe đỗ vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường – lập biên bản, cho cẩu xe về phường… Khi "đội giải cứu vỉa hè" lập biên bản vật dụng lấn chiếm vỉa hè, nhiều người giải thích, xin thông cảm thì Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải thẳng thắn đối thoại, cương quyết xử lý. Và ngay cả khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố hỏi ông tại sao phải trực tiếp đi mà không giao cho cấp dưới, thì ông thẳng thắn trả lời: “Đã giao nhưng chuyển biến chậm, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch phải trực tiếp xuống chỉ đạo như vậy mới ra vấn đề, chứ không ngồi bàn giấy được!”.
Tuy nhiên, trên thực tế, có thể bản thân ông Hải cũng không muốn nhận danh xưng “người hùng” trong tình thế này, hay nói cách khác, ông không muốn được nhìn nhận như một hiện tượng. Mà điều cốt yếu, là ông chỉ đang thực hiện nghĩa vụ trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Một mặt, ông chịu trách nhiệm thực thi quy định, quyết sách của Quận, của thành phố, mặt khác, ông lại hứng chịu áp lực không nhỏ từ sự soi chiếu của nhân dân và dư luận.
Không chỉ vậy, đáng ra, việc “giành lại vỉa hè” quyết liệt như mấy ngày qua trước tiên phải là nhiệm vụ của các phường sở tại. Thế nhưng, theo như thông tin được báo chí cập nhật liên tục về “chiến dịch đường thông hè thoáng”, độc giả thấy cơ quan cấp phường vắng bóng một cách hoàn toàn.
UBND phường, CA phường vốn là các đơn vị được “trang bị” công cụ để hạn chế tình trạng hỗn độn trên vỉa hè. Cụ thể, với những hộ vi phạm trật tự, mỹ quan đô thị, phường có quyền kiến nghị quận rút thuế môn bài, không cho các hộ vi phạm kinh doanh… Thế nhưng, thực tế là, trật tự đô thị mãi vẫn trong tình trạng “nhốn nháo”. Để rồi phải chờ tới khi lãnh đạo quận trực tiếp xuống tận nơi xử lý và xử lý một cách mạnh tay thì sự hỗn độn mới có dấu hiệu giảm đi. Vậy thì vai trò của phường về vấn đề này – thực sự nằm ở khâu nào?
Thế nên, với sự chậm trễ trong giải quyết những vi phạm về hành lang vỉa hè của người dân, trước tiên, quận nên “nã” người chịu trách nhiệm quản lý ở cấp phường (cụ thể là Chủ tịch phường và Trưởng Công an phường); rồi sau đó mới tới bước “ra quân xử lý” để lập lại trật tự đô thị như vừa qua.
Và theo như nhận định của Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải, trong việc lập lại trật tự vỉa hè không cần những "người hùng" mà chỉ cần người có trách nhiệm thực thi đúng trọng trách; cùng với đó là phải giám sát, kiểm tra một cách thường xuyên và nhất thiết phải quy trách nhiệm quản lý về cấp phường.