+Aa-
    Zalo

    Đến thăm lớp học lạ của ông giáo già

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lớp học hoàn toàn miễn phí, người dạy học chưa từng một buổi đến trường còn học sinh là những đứa trẻ quần đùi, áo cộc, tóc da cháy khét mùi nắng…

    Lớp học hoàn toàn miễn phí, người dạy học chưa từng một buổi đến trường còn học sinh là những đứa trẻ quần đùi, áo cộc, tóc da cháy khét mùi nắng…

    Lớp học dưới gốc nhãn

    Lớp học của những ông giáo lạ
    Lớp học dưới lùm cây

    Lớp được mở ra với bàn học là một cái bàn thờ cũ được quyên từ nhà hàng xóm còn sách vở chủ yếu là xin, là mượn. Người ta chứng kiến một ông lão lưng còng, tóc bạc run run đi từng nhà vận động các phụ huynh cho con em mình đi học miễn phí.

    Nắng hè oi ả, nhìn ra đường làng từng luồng không khí bốc lên, bóp méo mọi hình ảnh, bóp méo mọi ánh sáng xuyên qua nó. Tất cả cứ rừng rực, rần rật như trong một chảo lửa khổng lồ. Dưới tàn cây nhãn đại thụ một ông lão đầu bạc, lưng còng tay phe phẩy quạt giấy, miệng sang sảng giảng bài. Quây quanh ông là đám học trò quê quần đùi, tóc, da khét mùi nắng.

    Trên mười năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, lớp học miễn phí của ông giáo làng Phạm Văn Cơ ở thôn Bách Hoàn, Lạng Phong, Nho Quan (Ninh Bình) đã diễn ra như thế.

    Điều đáng nói, ông Cơ chưa từng kinh qua một buổi sư phạm nào trong đời, chỉ vì mến trẻ mà xung phong thành lập lớp. Thế hệ của ông, thế hệ những lưu học sinh nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được sang nước ngoài học tập.

    Hè năm 1957, trước khi nhóm trở lại Trung Quốc học tiếp đại học, Bác Hồ vời mọi người đến thăm hỏi ân cần và dặn: “Các chú phải học giỏi để sau này về phục vụ nhân dân, về xây dựng đất nước ta thật giàu mạnh”. Lời dặn ấy đã theo ông Cơ đi suốt cuộc đời. Mãi sau này hồi hưu về quê trong cảnh vợ mất, con cái làm ăn xa, lủi thủi thân già một nhà một bóng, ông buồn quá nên tham gia Hội Người cao tuổi rồi Hội Khuyến học của xã.

    Không như trên phố, học sinh nhà quê hễ về nhà là quẳng sách vở vào xó buồng rồi làm như một lao động thực sự chăn trâu, thả vịt, cắt lúa, mò cua…Tình trạng mất gốc, hổng kiến thức do đó khá phổ biến.

    “Còn sức khỏe là còn phải giúp ích cho đời. Cái lợi nhất của mình là có văn hóa, có kiến thức thì sao không đứng ra dạy học miễn phí cho các cháu?”. Nghĩ đến lời Bác dạy năm xưa ông không thể “mũ ni che tai” an nhàn hưởng tuổi già, không thể làm người đứng ngoài thời cuộc được.

    Vậy là bỏ qua mặc cảm sức khỏe kém và trí óc lúc nhớ, lúc quên của tuổi ngoài bảy mươi, ông mượn sách về tự học, tự giải bài tập. Những kiến thức phổ thông tưởng chừng đã ngủ quên nay được đánh thức lại. Ông mất một tháng để lấy lại kiến thức toán lớp sáu và mất ba năm để hoàn thiện hết kiến thức cũng như phương pháp sư phạm cho toán cấp hai.

    “Trung Quốc đang làm gì ở biển Đông?”. Đám học sinh nhao nhao: “Thưa ông, Trung Quốc đang đặt giàn khoan, đang phun vòi rồng vào tàu thuyền của Việt Nam ở biển Đông ạ”. “Thế mà họ lại bảo ta đang gây sự trên vùng biển của Trung Quốc đấy, có tức không? Thế nên các cháu phải học địa lý, học lịch sử, học toán để biết kinh, vĩ độ nào là biển của Việt Nam, đất của Việt Nam mà giữ gìn, mà bảo vệ”.

    Lớp học của những ông giáo lạ
    Ông Cơ đang giảng bài

    Hay: “Mẹ cháu phơi hai cân dưa nên dùng hai lạng muối để muối, nếu phơi bốn cân thì phải dùng tới bốn lạng. Dưa nhiều thì muối nhiều mới không bị khú, không bị chua. Dưa và muối quan hệ với nhau cũng như hàm số là những số có mối liên quan với nhau vậy”.

    Về tỉ số, ông giảng như sau: “Các cháu đá bóng, đội làng mình được ba quả, đội làng bên được hai quả có phải tỷ số là làng mình thắng 3/2 không? Dãy tỉ số bằng nhau là nhiều tỷ số bằng nhau như 3/2, 6/4, 12/8…”.

    Những bài học giản dị, sinh động cứ thấm vào đầu con trẻ một cách tự nhiên như nước mưa mùa xuân ngấm dần xuống đất. Ông bảo trẻ con vốn không biết đến những từ ngữ Hán Việt không mấy gần gũi với đời sống mà toán học lại toàn dùng từ dạng này nên rất khó hiểu. Phải giảng sao cho gần gũi mới gây được sự hứng thú cho học trò.

    Lắm cháu đến với lớp học của ông ban đầu hễ dở bài tập ra là bí, không biết gỡ từ đâu. Ông vừa nhẹ nhàng vừa khuyến khích, chỉ cho chúng nút thắt để cuối cùng tìm ra đáp số một cách phù hợp. Sau những bài toán căng thẳng, bao giờ ông giáo cũng chủ động hỏi chuyện nhà, chuyện làng.Tỉ như: “Hôm nay cháu có phải đi chăn bò không?”. Tỉ như: “Đàn ngỗng cháu chăn hôm qua thấy bảo chết mất một con à? Có bị mẹ mắng hay đánh gì không?”. Đám học trò rất thú kiểu giảng dạy này.

    Từ vài ba cháu cùng làng dần dà lớp học của ông Cơ thu hút học sinh toàn xã. Có những em ở thôn Tứ Mỹ cách trở một con sông ngày nào cũng phải lụy đò tìm đến, có những cháu mắc khuyết tật bẩm sinh cũng được bố mẹ động viên đưa đến nhà thầy. Lớp học được tổ chức đều đặn vào các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Bảy, còn Chủ nhật thì cả ngày.

    Ông tâm sự: "Tôi thấy tầm quan trọng của việc học từ chính gia đình mình với 4 đứa con đẻ, 4 đứa con dâu, rể đều học hành đến nơi, đến chốn, với 10 đứa cháu đều đại học, thạc sĩ. Thuở mới đầu, tôi xin đề về nhà tự làm, chỗ nào không hiểu lại hỏi các thầy cô. Phải tự coi mình là học trò già của họ để không ngừng học hỏi mới tiến bộ lên được".

    Bao giờ ông cũng quan tâm đặc biệt đến những học sinh nhà nghèo mà hiếu học như Quách Văn Thăng, như Lã Thị Huệ… Ngoài điện nước phục vụ đầy đủ, ông còn khoản đãi đám trẻ hoa quả vườn nhà, mùa nào thức ấy, khi đĩa dứa, đĩa đào bận chùm vải, chùm nhãn.

    Giữa những giờ ra chơi, ông cháu lại cùng nhau đánh cầu hay nhập cuộc những trò vui nhộn nào đấy. Chơi chán, đứa cầm chổi quét sân giúp ông, đứa ù té chạy về nhà vác ra khi thì rổ khoai mới luộc, lúc nồi ngô còn đang bốc khói đến làm quà.

    Ông thủ thỉ: “Tôi luôn có niềm vui mỗi khi dẫn dắt các cháu hiểu được bài. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh, nghe tiếng nói, tiếng cười của chúng khiến lòng tôi cảm thấy hạnh phúc, thanh thản. Tôi sống đơn lẻ nhưng không hề thấy cô đơn”.

    Lớp học của những ông giáo lạ
    Tay run nhưng vẫn còn tâm huyết

    Các cháu làm ông sống lại tuổi thơ của chính mình. Cái thời bảng là một tấm gỗ được bôi đen bằng pin hay lá ổi rồi ngâm xuống bùn, phấn là những cục vôi, cục đất sét phơi nỏ. Cái thời của những bài giảng trên lưng trâu, của những bữa cơm lúc nào cũng độn ngô, sắn mà vẫn không đủ dằn bụng. Những con chữ lấm lem bùn đất của thời đó sao mà quý, mà thương đến thế!

    “Dù ở lứa tuổi nào ai cũng cần có cơ hội học tập. Học bao nhiêu cũng là thiếu, làm bao nhiêu cũng là chưa đủ. Kết quả học tập mà các cháu đạt được hôm nay chủ yếu vẫn là tự thân vận động, tôi chỉ có tác dụng hỗ trợ ban đầu cho chúng tự xây dựng lòng tin để bước tiếp mà thôi!”. Nói rồi ông cười. Một nụ cười trẻ hiếm thấy của người đã ở độ tuổi ngoài tám mươi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/den-tham-lop-hoc-la-cua-ong-giao-gia-a34739.html
    Chuyện về người thầy giáo dạy chữ cho... tiến sĩ trên đỉnh Trường Sơn

    Chuyện về người thầy giáo dạy chữ cho... tiến sĩ trên đỉnh Trường Sơn

    Ba mươi năm tất tả ngược xuôi đi học cái chữ, hai mươi năm nữa "trèo đèo, lội suối" đi trồng cái chữ cho chính dân tộc mình. Đến bây giờ, ở cái tuổi xưa nay hiếm, thầy giáo già mang quân hàm xanh vẫn miệt mài thực hiện tâm nguyện "người Vân Kiều phải biết được con chữ của người Vân Kiều".

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chuyện về người thầy giáo dạy chữ cho... tiến sĩ trên đỉnh Trường Sơn

    Chuyện về người thầy giáo dạy chữ cho... tiến sĩ trên đỉnh Trường Sơn

    Ba mươi năm tất tả ngược xuôi đi học cái chữ, hai mươi năm nữa "trèo đèo, lội suối" đi trồng cái chữ cho chính dân tộc mình. Đến bây giờ, ở cái tuổi xưa nay hiếm, thầy giáo già mang quân hàm xanh vẫn miệt mài thực hiện tâm nguyện "người Vân Kiều phải biết được con chữ của người Vân Kiều".