(ĐSPL) -Ở thời khắc giao thừa chào đón năm mới, ai cũng hướng về tổ tiên, gia đình để suy ngẫm về những quá khứ lỗi lầm, cảm nhận được nỗi buồn khi phải xa người thân.
Đối với mỗi người Việt, tết là dịp tạm gác mọi công việc, để tận hưởng không khí sum họp gia đình. Là thời khắc thiêng liêng, để thắp nén tâm hương tri ân tổ tiên. Thế nhưng, với những cán bộ quản giáo làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, thì nỗi niềm được thắp nén tâm hương cúng bàn thờ tổ tiên vào đêm giao thừa là một điều quá khó. Bởi do đặc thù nghề nghiệp, dịp tết, họ phải thường trực ở đơn vị để giải quyết công việc, lo tết cho phạm nhân.
Tết đầm ấm sau song sắt
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 10km, là trại tạm giam Hòa Sơn thuộc Công an thành phố Đà Nẵng. Trong những ngày cuối năm, trại tạm giam đang trong không khí chuẩn bị đón tết. Do là trại tạm giam nên Hòa Sơn có cả can phạm và phạm nhân (khoảng 15\% phạm nhân với mức án thấp). Là nơi quản lý, giáo dục những con người lầm lỗi, nên việc tổ chức bất cứ hoạt động nào liên quan đến phạm nhân cũng rất khó khăn, đặc biệt là việc chuẩn bị tết. Song Đại tá Trần Thanh Thảo, Giám thị trại tạm giam quả quyết, dù khó mấy cũng phải tổ chức cho can phạm, phạm nhân đón xuân mới trong an lành và nhiều ước vọng.
Bởi, tổ chức cho can phạm, phạm nhân một cái tết đầm ấm, vui vẻ nơi đất trại cũng là cách giúp họ thức tỉnh lương tâm, khơi dậy nỗi khát khao được đoàn tụ với gia đình. Từ đó, họ có động lực hướng thiện, phấn đấu cải tạo tốt để được đón tết sum vầy bên người thân trong gia đình sớm nhất. Để can phạm, phạm nhân có được cái tết đầm ấm, mỗi cán bộ chiến sỹ trại tạm giam thường phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình. Càng lo cho phạm nhân ăn tết chu đáo, cán bộ quản giáo càng thêm vất vả.
Ngoài chuyện lo tết cho phạm nhân, ban giám thị và cán bộ quản giáo còn phải thực thi nhiệm vụ, không để xảy ra sự cố, nhất là việc phạm nhân lợi dụng trốn trại. Đối với trại tạm giam Hòa Sơn, mỗi dịp tết đến xuân về, các cán bộ chiến sỹ có nhiều trăn trở. Ngoài việc không được đón tết cùng gia đình, bản thân mỗi người còn tích cực làm việc hơn nữa, để lo cho phạm nhân ăn tết một cách đầm ấm mà không xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Xuân về thường gợi nhớ cho mỗi người nỗi niềm riêng, những khao khát đoàn tụ với gia đình. Những can phạm, phạm nhân cũng vậy, có lẽ niềm khao khát ấy còn cháy bỏng hơn những người xa quê. Có thể nói đây là thời điểm họ dễ bị tác động nhất. Đặc biệt, là những can phạm, phạm nhân lần đầu đón tết sau song sắt nhà tù, hay không có người thân thăm nuôi.
Đối với những phạm nhân như vậy, ban giám thị và cán bộ quản giáo thường xuyên động viên, gần gũi quan tâm chia sẻ những tâm sự của họ. Đồng thời, tổ chức cho các can phạm, phạm nhân cùng buồng quan tâm, chia sẻ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần, để họ yên tâm cải tạo, đón tết an lành, thấm đậm tình người nơi trại giam.
Tết ở trại tạm giam bao giờ cũng vậy, thường đến sớm hơn so với bên ngoài. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các can phạm, phạm nhân đã tất bật với việc quét dọn buồng giam, cắt tỉa cây cảnh, trồng hoa, làm vệ sinh cuối năm và sơn sửa lại các bức tường trong khuôn viên trại. Để chuẩn bị cho ngày tết, trại tạm giam huy động gần như tối đa lương thực, thực phẩm “cây nhà lá vườn”.
Từ nhiều năm nay, trại đẩy mạnh chăn nuôi và trồng trọt nên nguồn thực phẩm cũng dồi dào. Theo quy định của Nhà nước, từ ngày 30 tháng Chạp đến hết mồng Ba Tết, mỗi ngày can phạm, phạm nhân được ăn gấp năm lần so với tiêu chuẩn ngày thường. Nên tết nào cũng vậy, cán bộ chiến sỹ trại tạm giam Hòa Sơn tổ chức tết cho can phạm, phạm nhân khá tươm tất.
Tình người sau song sắt
Trong đêm giao thừa, sau bữa cơm tất niên đầm ấm, ngày thường theo quy định, 22h phạm nhân phải đi ngủ. Nhưng, trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng ấy, ai cũng gắng đợi ngày sang năm mới để cầu nguyện cho mình một điều ước. Ở thời khắc chào đón năm mới, ai cũng hướng về tổ tiên, gia đình để suy ngẫm về những quá khứ lỗi lầm, cảm nhận được nỗi buồn khi phải xa người thân. Không khí đón giao thừa sôi động hơn, khi ở hội trường trại tạm giam, cả cán bộ quản giáo và phạm nhân đang tưng bừng chuẩn bị cho đêm ca nhạc đón chào xuân mới. Đêm giao thừa, không phân biệt quản giáo, phạm nhân, tất cả cùng hòa chung trong lời ca, tiếng hát ngợi ca đất nước, mùa xuân. Những ca sỹ nghiệp dư hát say sưa nhiệt tình, về một tương lai tươi sáng. Thời khắc giao thừa đã đến, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc tết trên ti vi, giám thị chúc tết anh chị em cán bộ chiến sỹ và can phạm, phạm nhân.
Khi đất trời vào xuân, các cán bộ, chiến sỹ mới sực nhớ đến việc điện về chúc tết gia đình. Đối với cán bộ chiến sỹ trại tạm giam Hòa Sơn, trực tết là chuyện thường, vì vậy khi nghe chúng tôi đặt câu hỏi, tết không về, gia đình có trách không thì ai cũng cười xòa. Đại tá Trần Thanh Thảo cho biết, đã mấy chục năm qua anh đều trực tết, đón giao thừa với phạm nhân, còn chuyện lo tết ở nhà đều nhờ vào tay vợ con. Ba ngày tết, năm nào tới lượt thì được chạy qua nhà ăn với vợ con bữa cơm, sau đó lại vào trại trực.
Hơn mấy chục năm gắn bó với trại tạm giam, số lần được sum vầy bên vợ con của Thượng tá Trần Công Tám, Phó giám thị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hỏi về những chạnh lòng khi phải để vợ con đón tết vắng người trụ cột gia đình, Thượng tá Tám cười bảo: “Cứ mỗi dịp tết chỉ có vợ con ở nhà lo chuẩn bị. Thời khắc giao thừa chào đón năm mới cũng thèm lắm được đón tết cùng gia đình. Song đã gắn bó với nghiệp cảnh sát quản lý trại giam, chúng tôi sẵn sàng hy sinh niềm hạnh phúc đó để lo tết chu đáo, cho can phạm, phạm nhân. Bởi chúng tôi tin rằng, sẽ có nhiều phạm nhân thức tỉnh lương tâm tìm đường về nẻo thiện.
Bác sỹ trong trại tạm giam Nguyễn Thị Minh Phương cũng có thâm niên hơn 20 năm đón tết trong trại giam. Hỏi về câu chuyện người phụ nữ trong gia đình, chị cười đùa bảo, nhà chỉ cách trại gần 3km, nhưng mọi việc cũng chỉ để chồng con lo, còn chị thì qua nhà được một lúc rồi quay lại trại. Tết đến, chị chỉ kịp ghé qua nhà thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, rồi trở lại trại tạm giam.
Cán bộ Nguyễn Thị Minh Phương đang ân cần bên con của can phạm được sinh ra trong trại. |
Vì những can phạm, phạm nhân trong ngày tết tâm trạng luôn bất ổn, nên những quản giáo thường đặt mình vào họ, để hiểu những tâm tư và nguyện vọng, giúp họ hiểu hơn về lẽ phải và con đường hướng thiện. Được sự cảm thông chia sẻ của gia đình, các cán bộ chiến sỹ trại tạm giam sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng, để tạo ra một bữa tiệc đầm ấm, hạnh phúc giữa các phạm nhân.
Quan tâm chế độ tết cho phạm nhân Theo Đại tá Trần Thanh Thảo, Ban giám thị trại tạm giam Hòa Sơn cho biết, chế độ phạm nhân trong những ngày tết được hưởng theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra còn có chế độ của UBND thành phố trợ cấp thêm 100.000 đồng/người trong những ngày tết. Ban giám thị có quà riêng cho các phạm nhân vô gia cư, những người không có ai thăm nuôi, chia sẻ. Những phạm nhân này sẽ được ban giám thị gặp trước để động viên, chúc tết, tặng thêm mỗi người ít bánh kẹo, gói trà. |