(ĐSPL)- Tin tức từ Giao thông, trước tình trạng xuất hiện nhiều nhà xe ngang nhiên dừng đỗ bắt khách dọc đường, CSGT Hà Nội đang tăng cường xử lý triệt để, đồng thời đề xuất xử phạt cả hành khách bắt xe dọc đường không đúng nơi quy định.
Tin tức từ Giao thông, tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 171 và 107 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt do Bộ GTVT tổ chức nhiều ý kiến đề xuất cần tăng mức xử phạt với các hành vi nguy hiểm.
Theo đó Thiếu tá Trịnh Tiến Thành, Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết, thời gian qua tình trạng xe khách chạy như "rùa bò\_ trong nội đô để đón trả khách trên đường diễn ra phổ biến, gây mất trật tự ATGT nghiêm trọng. Hiện Đội CSGT số 6 đang tăng cường kiểm tra xử lý đối với những nhà xe vi phạm.
Cũng theo Thiếu tá Thành, ngoài việc xử lý nghiêm với nhà xe bắt khách dọc đường cũng cần đề xuất xử phạt cả hành khách bắt xe ngoài bến. “Hiện chúng tôi đang dùng nhiều biện pháp tuyên truyền đến hành khách bắt xe ngoài bến. Nhưng vẫn xuất hiện hành khách đứng ngoài đường để bắt xe”, Thiếu tá Thành cho hay.
Hành khách sẽ bị xử phạt nếu bắt xe dọc đường. |
Ông Lê Quang Vinh, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Hoàng Mai cũng cho biết, việc hành khách bắt xe ngoài đường là nguyên nhân dẫn đến vi phạm của các nhà xe, chạy rùa bò bắt khách trên đường. Với thực trạng như vậy, Đội trưởng Đội Thanh tra cũng đồng tình xử phạt cả hành khách bắt xe dọc đường.
“Ngay từ khi hành khách đứng chờ xe CSGT cần phải có hiệu lệnh như nhắc nhở sẽ xử phạt nếu bắt xe. Với các trường hợp hành khách bắt đầu lên xe sẽ xử phạt cả nhà xe lẫn hành khách vừa lên”, ông Vinh đề xuất.
Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng Tổ xử lý, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, trong Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm hành khách không được đứng ở ngoài đường vẫy để bắt xe. Nếu hành khách vi phạm sẽ xử phạt thông qua Nghị định 171: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng.
“CSGT cần căn cứ trong Nghị định 171 về xử phạt người đi bộ để xử phạt hành khách bắt xe dọc đường. Vì theo tôi, phần lớn những hành khách bắt xe dọc đường đều đi sai đường, vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ”, Trung tá Quỹ cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cũng khuyên hành khách nên vào bến mua vé để đảm bảo ATGT và hưởng nhiều lợi ích. Khi vào bến mua vé hành khách sẽ được bảo đảm về việc có thể lựa chọn phương tiện theo đúng nhu cầu của hành khách. Cụ thể, trong bến, giá vé sẽ được niêm yết công khai, hành khách mua vé sẽ không lo bị đắt hơn, thu giá vé cao hơn quy định. Hơn nữa, khi vào bến đi xe chắc chắn hành khách sẽ được đảm bảo số ghế, chỗ ngồi cùng những hướng dẫn cụ thể của nhân viên bến xe.
Đề xuất tăng mức phạt quá tải đến 28 triệu đồng
Thông tin từ Thanh niên, theo đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an, kiểm soát tải trọng xe thực hiện quyết liệt, nhưng 6 tháng đầu năm nay tăng lên 30,8\% số vụ vi phạm. “Ngay đường cao tốc hành khách vẫn đứng chờ xe, có ý kiến là nên có quy định nào đó xử phạt ngay cả hành khách đứng đường cao tốc bắt xe, vì cả hai bên đều vi phạm”, đại tá Dánh nói.
Ông Trần Quang Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2, cũng đề nghị điều chỉnh tăng nặng mức xử phạt với chủ phương tiện vi phạm, lái xe chở quá tải trọng cho phép của cầu đường trên 20 - 50\%. Mức xử phạt hiện hành với chủ xe là cá nhân phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng, xử phạt là chủ xe với tổ chức 4 - 8 triệu đồng, ông Thanh đề nghị điều chỉnh mức xử phạt tăng thêm với cá nhân phạt tiền từ 12 - 14 triệu đồng với tổ chức từ 24 - 28 triệu. Về khung hình phạt, với vi phạm tải trọng 200 - 300\% trở lên đề nghị tăng rất nặng mức phạt về tiền, áp dụng hình thức bổ sung là tước giấy phép lái xe 12 - 24 tháng.
Nhiều ý kiến đề xuất tăng nặng mức xử phạt với xe hợp đồng trá hình, trong đó các địa phương có nhiều xe khách trá hình hợp đồng hoạt động như Lào Cai, Hà Nội... để dẹp nạn xe dù, bến cóc.
Theo Vụ An toàn giao thông, một số hành vi diễn ra trên thực tế tiềm ẩn mất an toàn giao thông như điều khiển ô tô đi trên hè phố, đi xe qua dải phân cách cứng giữa 2 phần đường... nhưng chưa có chế tài xử phạt. Ngoài ra, do chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, chưa có cơ chế về chia sẻ, cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm nên rất khó xác định đối với những trường hợp tái phạm nhiều lần, để xem xét tình tiết tăng nặng. Nguyên nhân của tình trạng trên theo Vụ này, ngoài ý thức người tham gia giao thông còn kém, coi thường pháp luật, thì một số hành vi nguy hiểm chế tài xử phạt còn thấp. Đây là lý do Vụ kiến nghị tăng mức xử phạt với một số hành vi nguy hiểm, chưa đảm bảo đủ sức răn đe, như chở hàng vượt tải trọng trên 150\%, chở hàng siêu trường, siêu trọng không đúng quy định, ô tô khách không hoạt động đúng tuyến, không có hợp đồng vận chuyển... Bổ sung phân định thẩm quyền xử phạt với lực lượng CSGT đường sắt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính với công chức của Thanh tra Sở GTVT được Bộ GTVT cấp thẻ kiểm tra. |
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]szaCEhdnUV[/mecloud]