+Aa-
    Zalo

    Đề xuất thành lập bảo tàng linh vật online: Một ý tưởng độc đáo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Để giúp người xem phân biệt đâu là linh vật Việt và đâu là linh vật ngoại lai, mới đây, nhiều người cho rằng, nên thành lập một bảo tàng linh vật online...

    (ĐSPL) - Sự du nhập của linh vật ngoại lai vào không gian văn hóa Việt, khiến dư luận bức xúc. Chuyện "xâm lăng" văn hóa này cần giải quyết dứt điểm, góp phần thanh lọc, gìn giữ những nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt. Để giúp người xem phân biệt đâu là linh vật Việt và đâu là linh vật ngoại lai, mới đây, nhiều người cho rằng, nên thành lập một bảo tàng linh vật online với chú thích rõ đâu là linh vật Việt, đâu là linh vật ngoại lai.

    Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia văn hóa xung quanh ý tưởng này.

    Bài toán linh vật ngoại lai

    Trong thời gian gần đây, sự xuất hiện với tần suất dày đặc các linh vật ngoại lai trong không gian văn hóa Việt khiến nhiều người quan tâm. Hàng loạt sư tử đá "tóc xoăn" đang được trưng bày tại các đền chùa, miếu mạo, công sở, các khu di tích... khi được các cơ quan chức năng kiểm tra, thì phát hiện là linh vật ngoại lai. Việc trưng bày số lượng lớn linh vật ngoại lai, trong không gian văn hóa truyền thống tạo ra những hệ quả khó lường. Thậm chí, việc xâm lấn này được đánh giá là khá nguy hiểm, vì nó vô hình, nhưng lại gây ra tác động lớn về nhận thức, tình cảm, thậm chí làm ô nhiễm không gian văn hóa Việt.

    Từ sự xuất hiện đông đảo của các linh vật ngoại lai tại Việt Nam theo các chuyên gia có uy tín, nguyên nhân này bắt nguồn từ nhận thức về di sản nghệ thuật đang bị thiếu sót. Công chúng thiếu cơ hội để khám phá và tìm hiểu cặn kẽ về tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Vì thế, việc vô tình dùng những linh vật ngoại lai trang trí gây ra tình trạng xâm lăng, lai căng về văn hóa.

    (bgiay)Đề xuất thành lập bảo tàng linh vật online: Một ý tưởng độ

    Xử lý các hiện vật ngoại lai như thế nào là một khó khăn trong công tác thực hiện công văn 2662 của bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

    Đứng trước thực tế này, các đoàn thanh tra được lập ra, giải quyết rốt ráo tình trạng này. Bên cạnh đó, việc dẹp bỏ các linh vật ngoại lai tại đền chùa, miếu mạo, các khu di tích, công sở đang được tiến hành. Tuy nhiên, trong việc gỡ bỏ các linh vật ngoại lai cũng tạo ra nhiều ý kiến. Với một số linh vật ngoại lai đang được trưng bày, nhiều nơi cho rằng đây là vật phẩm tặng. Thế nên, bài toán nên bỏ linh vật ngoại lai nào, bỏ như thế nào cho hợp lý, hay việc vận động người dân sở hữu linh vật ngoại lai tạm ngừng việc trưng bày ra sao cũng gây ra sự nhức nhối riêng. Tuy nhiên, việc thẳng tay loại bỏ các linh vật ngoại lai là điều cần thiết.

    Gần đây, để ngăn chặn tình trạng xâm lăng của linh vật ngoại lai, hàng loạt các hoạt động tăng cường nhận biết được tổ chức. Lần đầu tiên, một cuộc triển lãm với quy mô 60 hiện vật là những linh vật thuần Việt được trưng bày, ra mắt công chúng được tổ chức tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là một tín hiệu vui trong việc giúp người dân có những cơ sở để nhận biết đâu là linh vật Việt và ngoại lai.

    Tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn của việc ngăn chặn tình trạng chấm dứt sự xuất hiện linh vật ngoại lai trong không gian văn hóa thuần Việt. Trong thời gian tới, để thay đổi và có sự chuyển biến hơn nữa về tình trạng linh vật ngoại lai, cần thiết có nhiều biện pháp rốt ráo, tạo sự lành mạnh trong không gian văn hóa Việt. Theo một số các chuyên gia, không chỉ đem lại không gian văn hóa thuần Việt, bên cạnh đó, cần phải đưa vào sách giáo khoa, truyện tranh... để thế hệ trẻ biết đến và không có sự nhầm lẫn đáng tiếc nào xảy ra.

    Bên cạnh đó, ý kiến cần tạo ra một trang mạng online về linh vật Việt để cung cấp kiến thức cho người dân, đồng thời chia sẻ những hình ảnh thông tin về lịch sử ra đời, chất liệu chế tác, cách thức tạo hình, ý nghĩa của linh vật... Trang online này không chỉ cung cấp kiến thức cho nhiều người, mà nó còn là một phương tiện để các nghệ nhân làng nghề chế tác tham khảo, tạo ra những sản phẩm thuần Việt, giúp ngăn ngừa và chấm dứt tình trạng linh vật ngoại tràn ngập như hiện nay.

    “Ý tưởng quá tuyệt vời!”

    Chia sẻ về ý kiến lập trang online về linh vật Việt, đạo diễn, NSƯT, nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Huy Giao, Chủ bảo tàng Đình Đồng (Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Trung) đã thốt lên: "Quá tuyệt vời!". Cũng theo ông Giao: "Cần có một nơi để cho công chúng trực quan, để cho mọi người giao lưu, tìm hiểu những linh vật. Vì bảo tàng chính là nơi xác nhận đâu là linh vật truyền thống, đâu là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam ta".

    (bgiay)Đề xuất thành lập bảo tàng linh vật online: Một ý tưởng độ

    Đạo diễn, NSƯT, nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Huy Giao.

    Ông cũng không quên chia sẻ quan điểm của mình về lối ra dành cho làng điêu khắc Đá Non Nước, Ngũ Hành Sơn: "Bấy lâu nay ngành văn hóa rất chậm chạp trong việc phát hiện lỗi, mù mờ trong việc đưa ra các tiêu chí xác định linh vật đúng với thuần phong mỹ tục. Khi phát hiện thì lại đưa ra các quyết định rất đột ngột, gây khó khăn cho các hộ sản xuất điêu khắc đá".

    Vốn là một người thân thiết với các nghệ nhân điêu khắc tại làng Đá Non Nước, họa sỹ, nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng nhận định: "Những nghệ nhân điêu khắc đá tại làng Đá Non Nước vốn là những người rất giỏi trong nghề. Khi có được những hình mẫu linh vật đúng với thuần phong mỹ tục như những con nghê triều Lê. Nếu có mẫu sớm, thì họ sẽ sớm thẩm thấu được. Từ đó sản xuất ra các sản phẩm đẹp, rất có hồn". Cũng theo nghệ sỹ Mỹ Dũng: "Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ tối đa cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng thành lập bảo tàng linh vật online để hiện thực hóa ý tưởng. Chưa kể đến việc tuyên truyền, in ấn tờ rơi giới thiệu về bảo tàng, cải thiện rất nhiều".

    Ông Đoàn Huy Giao góp ý: "Hiện nay trong rất nhiều chùa chiền ở Việt Nam mình còn rất nhiều tượng biểu tượng linh vật bị lai với các biểu tượng linh vật của Đài Loan, Hồng Kông, dù không khó nhưng cũng không thể điều chỉnh được trong một sớm một chiều mà cần một giai đoạn để chuyển hóa các linh vật ngoại lai".

    Giai đoạn để chuyển hóa theo ông đó là: "Khi khách hàng của làng nghề Non Nước, ngoài các đơn hàng trong nước từ các nhà hàng, khách sạn cơ sở tâm linh, đại gia học đòi thì còn một lượng đơn hàng rất lớn từ nước ngoài. Để tránh thiệt hại về kinh tế đối với các hộ sản xuất kinh doanh đá điêu khắc thì ngoài mềm dẻo trong việc giúp cơ sở chuyển hướng sản xuất, chúng ta cần tìm cách giúp họ tìm các nguồn hàng để có thể xuất các sản phẩm mà họ đã sản xuất ra trước đó".

    Tiến sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Đức Luận cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ ý tưởng thành lập Bảo tàng linh vật online. Cũng theo tiến sỹ Lê Đức Luận, để ý tưởng trên trở nên thiết thực hiệu quả thì: "Phải có một đợt tuyên truyền thông tin rộng rãi với người dân về các đặc trưng văn hóa, các yếu tố tâm linh của người Việt". ông cũng cho rằng, đây là một ý tưởng hết sức độc đáo trong cách giữ gìn bản sắc và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc ta, trong xã hội đầy biến động hiện nay, khi có sự đan xen, hòa nhập giữa các nền văn hóa, mà nếu không cảnh giác chúng ta dễ bị hòa tan.

    Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Cần phải có thời gian để nhiều người tiếp nhận thông tin và phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, linh vật thuần Việt. Bởi văn hóa là thứ ăn sâu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thiết nghĩ, ngoài việc chúng ta ngăn chặn tình trạng linh vật ngoại lai để làm lành mạnh và trong sạch văn hóa Việt ở nhiều góc độ khác. Khi việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc, thì tình trạng văn hóa ngoại lai xâm lăng sẽ được giải quyết".
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-thanh-lap-bao-tang-linh-vat-online-mot-y-tuong-doc-dao-a69618.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan